Thực chất và triệt để

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:14 - Chia sẻ
Sau rất nhiều cuộc bàn thảo, tranh luận gay gắt, Đề án về cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, cuối cùng cũng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ vào tuần trước.

Dù chậm đến nửa năm so với thời hạn Chính phủ giao (trong quý I.2020) nhưng bù lại, những đổi mới, cải cách về kiểm tra chuyên ngành của Đề án được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, thậm chí còn được ví như một cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Các chuyên gia từ Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhận định, nếu Đề án này được triển khai thực thi một cách thực chất, triệt để sẽ giúp giảm 55% số lượng tờ khai, giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp cả nghìn tỷ đồng và ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế cũng lên tới 399 triệu USD mỗi năm.

Những con số này quả thực là quá ấn tượng nếu nhìn lại những nhũng nhiễu, phiền toái và gánh nặng chi phí do kiểm tra chuyên ngành gây ra đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong suốt thời gian qua. Tuy vậy, những lợi ích này chỉ đạt được nếu các giải pháp đổi mới, cải cách “được triển khai thực thi một cách thực chất, triệt để”. Và đây mới là điều đáng lo nhất nếu nhìn lại việc thực hiện chủ trương cải cách kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ thời gian qua.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cải cách kiểm tra chuyên ngành đã đạt được những kết quả nhất định. Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành từ 100.000 năm 2015 đến nay đã giảm xuống còn 78.000; tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%, giảm đáng kể so với mức 30 - 35% trước đây… Tuy vậy, những kết quả này vẫn còn rất xa mới đến được mục tiêu Chính phủ đề ra như: giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại thời điểm thông quan; tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan dưới 10%.

Mặt khác, theo kết quả rà soát, đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), gần 2 năm qua, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã tăng lên hơn 120 văn bản, gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật, áp dụng. Chưa kể, chất lượng các văn bản này thực sự đáng lo ngại khi thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, thậm chí quy định ở văn bản mới ban hành lại mâu thuẫn, trái ngược với quy định của pháp luật. Nhiều lĩnh vực chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

CIEM cũng cho biết đã phát hiện 12 nhóm bất cập liên quan đến quy định về kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, trong đó có những bất cập đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng rất chậm chạp. Có những quy định ngược chiều cải cách đến mức được giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là “không có cơ sở pháp lý”, “không có thông lệ quốc tế”, “không hợp lý”, “không cần thiết”, gây thiệt hại rất lớn cả về chi phí và cơ hội kinh doanh. Đơn cử như Nghị định 74 về mã số, mã vạch đã khiến một doanh nghiệp thiệt hại lên tới cả triệu USD một ngày do hàng hóa không thông quan được…

Thực tế cải cách kiểm tra chuyên ngành cũng tương tự như việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chính phủ rất quyết liệt, đốc thúc liên tục nhưng quyết tâm cải cách và động lực cải cách cứ chững dần ở các cấp thừa hành và trực tiếp thực thi. Mà gốc rễ của tình trạng này thì ai cũng hiểu, môi trường đầu tư kinh doanh càng thông thoáng, minh bạch bao nhiêu thì “dư địa” để cán bộ, cơ quan quản lý nhũng nhiễu, trục lợi sẽ càng bị thu hẹp bấy nhiêu.

Tìm ra giải pháp để cải cách đã khó nhưng khó nhất vẫn là khâu thực thi bởi các bộ, ngành vẫn cứ “bên đạp chân phanh, bên nhấn chân ga”, chưa muốn dứt bỏ những quyền lợi đi kèm. Vì thế, cùng với Đề án về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành được xem xét ở cấp độ Chính phủ thay vì riêng lẻ ở từng bộ, ngành như trước, điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi hơn cả chính là cam kết, là quyết tâm và hành động thực sự của từng thành viên Chính phủ để từ đó thúc đẩy việc triển khai thực hiện Đề án một cách “thực chất và triệt để”. 

Hải Lam