Thúc đẩy tiến trình cải cách

- Thứ Tư, 23/09/2020, 05:30 - Chia sẻ
Nói đến tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là nói đến vấn đề con người, đến quyền lợi và quyền lực kèm theo. Thực tiễn mấy chục năm tiến hành cải cách đã cho thấy, sẽ không ai muốn tự lấy đá ghè chân mình nếu các quy định pháp luật vẫn còn sơ hở, vẫn tạo điều kiện cho việc “phình” ra hoặc thậm chí chỉ là “dền dứ”, không muốn gọn lại.

Chính vì thế, cuối năm 2017, sau khi tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Nhiều văn bản trong số này đã được quy định rất rõ về thời hạn phải hoàn thành nhưng kết quả rà soát của Thường trực Ủy ban Pháp luật mới đây đã cho thấy, rất nhiều văn bản chưa hoàn thành hoặc hoàn thành rất chậm so với yêu cầu.

Văn bản đầu tiên chưa hoàn thành dù thời hạn Quốc hội yêu cầu là “trước tháng 7.2018” là: rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Lý giải cho việc chưa hoàn thành, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Pháp luật, Chính phủ cho biết, các nội dung này đã được Chính phủ quy định trong Nghị định số 123/2016/NĐ-CP. Chưa bàn đến nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật (Nghị quyết 156 vừa có giá trị pháp lý cao hơn, vừa được ban hành sau) thì Nghị định 123 cũng đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nhiều chủ trương, chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị đã được Đảng, Quốc hội ban hành từ năm 2017 đến nay.

Ngay cả Luật Tổ chức Chính phủ cũng đã được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới này, trong đó có sửa đổi quy định về thẩm quyền của Chính phủ quy định tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, nhiều nội dung trong Nghị định 123 cũng đã không còn đúng luật và phải được sửa đổi, bổ sung mới đáp ứng được yêu cầu chứ không thể giữ nguyên.

Một nội dung khác dù đến nay đã hoàn thành nhưng vẫn chậm mất hơn 3 năm là: rà soát, sửa đổi các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, trong đó xác định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Ngày 14.9 vừa qua, sau bao nhiêu thắc thỏm, trông ngóng của chính quyền địa phương về việc tách hay nhập các sở, ngành, phòng ban, cuối cùng, Chính phủ cũng đã ban hành được Nghị định số 107 và Nghị định số 108 sửa đổi, bổ sung một số quy định của các nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.   

Tuy hoàn thành nhưng việc chậm trễ lâu như vậy đã làm chậm tiến độ sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy của chính quyền địa phương. Chưa kể, vì không biết Chính phủ định sửa đổi, bổ sung các nghị định theo hướng nào nên nhiều bộ lúng túng trong việc ban hành văn bản hướng dẫn và từ đây, gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện, quản lý điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước cũng như chính quyền địa phương.

Nhiều nhiệm vụ khác được nêu trong Nghị quyết 56 như rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn... đến nay, theo ghi nhận của Thường trực Ủy ban Pháp luật, cũng vẫn “chưa đầy đủ cơ sở để có thể đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết giám sát của Quốc hội” bởi những nội dung được các cơ quan chức năng báo cáo rất sơ sài.  

Đã hơn 30 năm kể từ khi chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được Đảng, Nhà nước ta đề ra và kiên trì thực hiện. Nhưng cũng chừng đó năm, công cuộc cải cách luôn vấp phải những rào cản, những thách thức mà như cách nói của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là “trần ai lắm”. Khách quan mà đánh giá thì quả thực, kể từ sau khi có Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56 về giám sát tối cao của Quốc hội, chúng ta đã đi được những bước rất dài trong việc cải cách tổ chức bộ máy so với giai đoạn trước đó. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ.

Thời điểm này, dứt khoát phải có những đánh giá cặn kẽ, thấu đáo về những việc chưa làm được, những việc không làm được theo yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Mười tới, với việc chất vấn lại việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, giám sát việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội cần sử dụng tối đa quyền lực của mình, kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó thúc đẩy tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng mục tiêu, lộ trình mà Nghị quyết 18, Nghị quyết 56 đã đề ra.

Hải Lam