Thúc đẩy tiến trình giảm nghèo bền vững

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:40 - Chia sẻ
Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Minh Hóa giảm bình quân hàng năm là 5%, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra. Huyện thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, huyện còn tạo đòn bẩy, giúp người dân đa dạng hóa sinh kế, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tiến trình giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng

Theo đại diện UBND huyện Minh Hóa, 5 năm qua, huyện đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn thực hiện trong nhiệm kỳ là 361,608 tỷ đồng, trong đó, Chương trình 30a là 244,626 tỷ đồng; Chương trình 135 là 96,982 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề... cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. 

Huyện cũng thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, khuyến khích người dân tận dụng tiềm năng đất đai, nhất là các diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả, để chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách được chú trọng, hiện nay 100% thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố trong toàn huyện được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Đặc biệt, thời gian qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, như chỉ đạo Ban giảm nghèo UBND cấp xã rà soát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; quản lý chặt chẽ việc phân bổ vốn tín dụng chính sách; chỉ đạo trưởng thôn, bản, tiểu khu tham gia phối hợp với tổ chức hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét vay vốn công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, chất lượng tín dụng các xã, thị trấn thời gian qua được nâng lên rõ rệt. Nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay đã tăng dần qua các năm. 

Tính đến ngày đến 31.7, tổng dư nợ cho vay với 18 chương trình là 397.711 triệu đồng; tăng so với đầu năm 2015 là 145.502 triệu đồng, bình quân mỗi năm tăng 25 tỷ đồng/năm. Nợ xấu (bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh) 346 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ, giảm so với đầu năm 2015 là 4.690 triệu đồng (đầu năm 2015 nợ xấu là 5.056 triệu đồng, chiếm 2,01% tổng dư nợ). Không ít gia đình nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH mà đã phát triển được đàn bò lai, thu lại hàng chục triệu đồng mỗi năm. Số tiền này rất có ý nghĩa đối với nông dân miền núi, nhất là hộ nghèo. Theo thống kê, tính đến tháng 3.2020, huyện Minh Hóa có tổng đàn bò 14.803 con, đạt 100,02% kế hoạch, riêng bò lai Sind có 3.338 con, đạt 70,27% kế hoạch.

Huyện Minh Hóa cũng hỗ trợ mua con giống, tập huấn kỹ thuật để người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật  

Nguồn: ITN 

Hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân thoát nghèo

Công tác giảm nghèo tại huyện Minh Hóa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39,73% đầu nhiệm kỳ xuống còn 12,84% cuối nhiệm kỳ, bình quân hàng năm giảm trên 5%. Huyện Minh Hóa còn thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền là 110,563 tỷ đồng, cho hơn 27.683 lượt hộ và 109.593 lượt khẩu hưởng lợi. Thực hiện giao 1.766 ha đất lâm nghiệp cho 1.181 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; giao 7.023 ha rừng cho 1.604 hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ.

Cùng với nguồn vốn vay của NHCSXH, từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như 135,30a, huyện Minh Hóa cũng hỗ trợ mua con giống, tập huấn kỹ thuật để đồng bào người Khùa, người Mày phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Theo thống kê của UBND huyện Minh Hóa, hiện nay, toàn huyện đã phát triển trên 3.000 đàn ong. Các địa phương như Xuân Hóa, Trung Hóa, Minh Hóa, Hóa Hợp, có phong trào nuôi ong phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ cho thu nhập từ 50 - 120 triệu đồng/năm.

Theo Đảng ủy xã Trọng Hóa, mặc dù năm nay là vụ đầu tiên người dân xã Trọng Hóa (đa số là bà con người Khùa, người Mày) tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật nhưng hiện toàn xã Trọng Hóa có hơn 20 hộ nuôi với hơn 100 đàn ong. Từ đầu vụ đến nay, trung bình mỗi tháng bà con trên địa bàn xã Trọng Hóa thu được trên 100 lít mật. Nhiều hộ đã bắt đầu có thu nhập khá từ nghề nuôi ong lấy mật, với giá 170 nghìn đồng/lít. Dù thấp hơn nhiều so với giá mật ong rừng nhưng bà con rất vui vì họ đã có nghề cho thu nhập ổn định lâu dài. 

Còn với xã Dân Hóa, lãnh đạo UBND xã chia sẻ, mặc dù mới tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2019 nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng, bà con người Khùa, người Mày ở xã đã biết cách nhân giống đàn ong mật, phát triển được trên 500 đàn ong với 105 hộ nuôi. Đây được xem là một bước tiến dài của đồng bào, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy lộ trình giảm nghèo bền vững của xã. 

Để nghề nuôi ong lấy mật tại huyện Minh Hóa từng bước vững mạnh, ngoài việc hỗ trợ vốn, tổ chức cho bà con tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như những định hướng cho quá trình phát triển lâu dài; cần thiết xây dựng được một kênh tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị mật ong và giúp bà con yên tâm nuôi ong lấy mật. 

Dương Cầm