Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11

Thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật

- Thứ Bảy, 09/11/2019, 09:18 - Chia sẻ
Kết thúc hai ngày thảo luận tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, đã đưa ra những đánh giá quan trọng về tình hình Biển Đông và các lợi ích liên quan; thảo luận các vấn đề cụ thể như sự phát triển của chiến thuật vùng xám cũng như khẳng định lại tầm quan trọng của các thiết chế pháp luật quốc tế về Biển Đông.

Bản “hiến chương đại dương”

Hội thảo dành một phiên thảo luận riêng về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nhân kỷ niệm 25 năm Công ước có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Các đại biểu khẳng định, Công ước là một thể chế pháp lý toàn diện, cân bằng lợi ích quốc tế với lợi ích quốc gia của tất cả các nước, kể cả các nước không có biển, nên cần được triển khai ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.

Các đại biểu từng là nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán UNCLOS 1982 đánh giá, sau 25 năm có hiệu lực, UNCLOS 1982 đã vượt qua thử thách thời gian, chứng minh được hiệu quả trong việc thiết lập trật tự trên biển, tạo nên một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển và xứng đáng được gọi là “bản hiến chương đại dương”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, UNCLOS 1982 vẫn phù hợp trong quản lý các vấn đề mới nổi trên biển và khẳng định vai trò của cơ quan tài phán trong việc tư vấn, giải thích, bổ sung và phát triển Công ước, góp phần hoàn thiện Luật Biển và giải quyết hòa bình tranh chấp trong tương lai.

Vai trò trung tâm của ASEAN

Bàn về vai trò của các thể chế đa phương trong củng cố môi trường thượng tôn pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông, các đại biểu khẳng định, ASEAN tiếp tục đóng vai trò “trung tâm” trong việc xây dựng cơ chế hợp tác khu vực, dung hòa lợi ích của các nước lớn trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt, nhằm xây dựng trật tự khu vực có lợi. Theo đó, ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là sáng kiến kịp thời, phản ánh các nguyên tắc chính của ASEAN, gồm: Bao trùm, bổ sung lẫn nhau; trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế; vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như là nền tảng cho đối thoại và triển khai hợp tác ở khu vực. Đây cũng là bước phát triển tích cực và là tư tưởng chung của cộng đồng quốc tế.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác biển, xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật trên Biển Đông.

Có ý kiến cho rằng, ASEAN và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt “là con đường giúp Biển Đông thoát khỏi tình trạng phức tạp”. ASEAN tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện.

Việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba. ASEAN ủng hộ thượng tôn luật lệ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, lâu dài và toàn diện cho tranh chấp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Vai trò của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng được các đại biểu khẳng định. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là nơi phù hợp để giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới, trong đó có các vấn đề ở Biển Đông. Là tổ chức có số lượng quốc gia là thành viên lớn nhất so với các thể chế đa phương khác, cơ quan này có thể thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đồng thời cung cấp nền tảng cho các nước nêu vấn đề Biển Đông và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Nhận diện “chiến thuật vùng xám”

Bàn về “chiến thuật vùng xám”, các đại biểu cho rằng đây là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự.

“Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh.

Chẳng hạn như việc “Trung Quốc cố tình thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” khi ngang nhiên tuyên bố đây là khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp mất. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á và Biển Đông chính là trung tâm của tham vọng này. Việc độc chiếm được Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh không chỉ về địa chính trị mà còn về nguồn dầu khí dồi dào tại đây” - Giáo sư Danh dự Học viện Quốc phòng Australia Carl Thayer nhận định bên lề hội thảo.

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) Greg Poling cho rằng với việc ra yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tham gia các dự án dầu khí ở Biển Đông, ngoại trừ các dự án với Trung Quốc.

Đánh giá về vụ việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, ông Poling nói Bắc Kinh sẽ làm như vậy hết lần này đến lần khác để khiến các công ty bên ngoài nản lòng, để họ nghĩ rằng việc hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông là quá nguy hiểm và quá tốn kém. Các nước sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Một là, ngừng việc thăm dò, khai thác dầu khí; hai là, phải chấp nhận làm ăn với Trung Quốc.

Cũng theo ông Poling, Trung Quốc phớt lờ các cơ chế ngoại giao, quy tắc ứng xử hay cơ chế hợp tác. Mỗi ngày, trên Biển Đông lại có thêm tàu Trung Quốc và họ hành xử ngày càng quyết liệt. Đó không phải hành động của một nước muốn thỏa hiệp mà là muốn áp đặt luật chơi của mình.

Cần tiếng nói chính danh

Để đối phó với “chiến thuật vùng xám”, một số chuyên gia cho rằng, các nước nạn nhân cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên các diễn đàn quốc tế. Ông John Rennie Short, một chuyên gia về toàn cầu hóa và địa chính trị đến từ Mỹ, cho rằng Việt Nam, Philippines và Indonesia đều đã trải qua những vụ việc nghiêm trọng và cần nêu những vụ việc đó một cách mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế.

Trong khi đó, GS. Carl Thayer cho rằng Việt Nam cần nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thông qua các diễn giả, học giả. Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đạt Quốc