Đồng Nai phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:44 - Chia sẻ
Đồng Nai được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi của cả nước bởi lượng thịt cung cấp cho thị trường và quy mô chăn nuôi lớn mạnh. Trong xu thế mở cửa, nhiều ngành hàng sẽ đón nhận những cơ hội phát triển mới, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Để bắt kịp “luật chơi” trong “sân chơi mới”, Đồng Nai đã chủ trương phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, tăng quy mô các trang trại; ổn định thị trường nội địa và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Chăn nuôi tập trung

Với hệ thông giao thông thuận tiện, nằm gần các khu vực có lượng tiêu thụ lớn, mưa bão ít, nền đất cứng, việc xây chuồng, lập trang trại tiện lợi, nhanh chóng, Đồng Nai hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành tỉnh đi đầu trong cung cấp thịt cho cả nước.

Để đạt được những thành tựu nổi bật như thời gian qua, phải khẳng định vai trò rất lớn của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc định hướng, quy hoạch, hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi, tạo uy tín và sự đồng lòng trong nhân dân. Đồng Nai đã xây dựng Chiến lược Phát triển chăn nuôi định hướng đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền chăn nuôi bền vững chiếm 50% trong tổng trang trại toàn tỉnh. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bền vững chiếm 50% trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Một trong những giải pháp đã được tỉnh áp dụng trong chăn nuôi an toàn, bền vững là tăng quy mô và chăn nuôi theo hướng tập trung. Điển hình như ngành nuôi lợn, Đồng Nai hiện chuyển đổi mạnh sang hướng nuôi công nghiệp, trang trại lớn thay cho chăn nuôi hộ nhỏ lẻ. Tính đến cuối tháng 5.2019, tổng đàn heo là 2.451.217 con với 1.627 trại; tổng đàn trâu, bò gần 90.000 con; tổng đàn gia cầm gần 30 triệu con với 412 trang trại.

Từ năm 2008, ngay khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 26 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, chương trình đã tạo những chuyển biến tích cực, hiện tỉnh đã quy hoạch 139 vùng phát triển chăn nuôi với tổng diện tích trên 15,7 nghìn hécta.

Đồng Nai cũng đã chọn 7 vùng thí điểm để tập trung đầu tư hạ tầng, chủ yếu là làm đường điện, đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Thực hiện chương trình quy hoạch vùng chăn nuôi, các địa phương ở Đồng Nai đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho những nơi được quy hoạch, nhiều địa phương đi đầu trong lĩnh vực này như các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành… mang lại hiệu quả cao.

Với nhiều chính sách thu hút và đầu tư phát triển nông nghiệp nói chung, các trang trại chăn nuôi nói riêng, hiện tỉnh đã thu hút được nhiều thành phần tham gia đầu tư sản xuất chăn nuôi lợn theo kiểu trang trại. Ngoài các hộ gia đình còn có các hợp tác xã, công ty cổ phần, đặc biệt là có sự tham gia của các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nói về chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch đang mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm VietGAP. Hiện các trang trại VietGAP ở Đồng Nai đã hình thành chuỗi liên kết, vào được những kênh tiêu thụ khó tính, như siêu thị, nhà hàng... với đầu ra ổn định. Tỉnh đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn của Đồng Nai”.


Sản phẩm trứng gà sạch của trang trại Thanh Đức được xuất khẩu sang nhiều quốc gia

Kiểm soát chất lượng

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chuyên gia nhận định, khi CNTT kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa sẽ tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, thực ăn một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ vật nuôi bằng thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm dư lượng chất độc hại. Mới đây, Tổng cục Thống kê đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai hệ thống TE-FOOD, ứng dụng công nghệ blockchain (hệ thống phần mềm quản lý đàn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh) để quản lý chăn nuôi. Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê triển khai phần mềm hệ thống quản lý trong chăn nuôi TE-FOOD theo chuỗi, khối, để sớm đưa vào sử dụng vì truy xuất nguồn gốc, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Thành Vinh  - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết, Đồng Nai đang triển khai 3 dự án quản lý, truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, gồm: Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ động vật; chương trình quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và chương trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. Theo ông Vinh, sắp tới Đồng Nai sẽ đưa vào thí điểm áp dụng các chương trình quản lý trên tại những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, khi ứng dụng công nghệ quản lý TE-FOOD đối với gia súc, gia cầm sẽ giúp thống kê chính xác về tổng đàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó giúp kiểm soát và quản lý tốt hơn tình hình dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế có người chăn nuôi và góp phần khẳng định thương hiệu thịt sạch của Đồng Nai.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Người chăn nuôi Đồng Nai luôn có tham vọng chinh phục thị trường quốc tế nhằm mở rộng thị trường và tạo đầu ra ổn định. 6 tháng đầu năm 2019 là khoảng thời gian đầy biến động của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam bởi Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt chính sách xuất khẩu trên các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt. Để các sản phẩm thịt xuất khẩu theo đường chính ngạch và giải bài toán “được mùa mất giá”, các cấp chính quyền tỉnh đã tính toán kỹ lưỡng để nụ cười “được mùa” của người dân trọn vẹn. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng thêm vùng an toàn dịch bệnh tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và TX. Long Khánh giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng vùng an toàn dịch và bệnh cúm Newscastle thuộc 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm ở đây đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trứng và thịt gia cầm.

Từ năm 2017, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam bắt đầu chuẩn bị thủ tục để xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản. Theo Tổng giám đốc Montri Suwanposri, giá thành gà trắng nuôi ở Việt Nam hiện nay ngang bằng nhiều nước có chăn nuôi phát triển và chất lượng tương đối bảo đảm, có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Về thịt, phía Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn trong nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, nếu xuất khẩu được thịt lợn đông lạnh theo đường chính ngạch vào thị trường này, người chăn nuôi heo Đồng Nai cũng như cả nước sẽ thoát được những cơn khủng hoảng dài về giá. Nhưng lợn xuất khẩu theo đường chính ngạch đòi hỏi quy trình chăn nuôi khắt khe để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”. Để có thêm nhiều trang trại nuôi đạt chuẩn xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi đề xuất chính quyền địa phương có thêm điều chỉnh hợp lý về quy hoạch và quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi.

Minh Anh