Câu chuyện đại biểu

Thực hiện đúng "vai" trong hoạt động tiếp xúc cử tri

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:41 - Chia sẻ
Tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của đại biểu dân cử. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND do Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, để hoạt động tiếp xúc cử tri hiệu quả, chất lượng cần quy định rõ trách nhiệm để đại biểu chủ động thực hiện đúng "vai" của mình...

Ai tiếp, nội dung tiếp là gì?

Theo luật định, chủ thể tiếp xúc cử tri (TXCT) của cơ quan dân cử, đối với Quốc hội là ĐBQH, còn đối với HĐND là đại biểu HĐND. Theo đó, đại biểu dân cử TXCT theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND. 

Tùy theo cấp tiếp xúc nhưng chung quy lại, trước kỳ họp, đại biểu dân cử phải báo cáo với cử tri nội dung, chương trình kỳ họp; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước đó, một số kết quả về thực hiện nghị quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, dự kiến các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; tham vấn ý kiến cử tri về một số nội dung mà kỳ họp sẽ bàn, quyết định (nếu không tổ chức được TXCT theo chuyên đề). Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và ý chí của cử tri để HĐND làm căn cứ thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định tại kỳ họp, nhất là việc ban hành luật, các nghị quyết đúng pháp luật, phù hợp, thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Sau kỳ họp, đại biểu dân cử phải báo cáo kết quả kỳ họp; đồng thời, phổ biến, giải thích nội dung các văn bản luật, nghị quyết mà kỳ họp đã thông qua và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các nghị quyết, nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri.

Ngoài ra, đại biểu dân cử chủ động TXCT nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Mỗi năm ít nhất một lần, kết hợp với việc TXCT, đại biểu dân cử báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri.

Thực tế, nhiều địa phương đang dùng thuật ngữ “tiếp xúc với đại biểu dân cử” trong các văn bản nói và viết. Xác định chủ thể như vậy chưa đúng vai và đã vô tình đánh tráo trách nhiệm của đại biểu lên cử tri. Đại biểu có trách nhiệm TXCT, liên hệ với cử tri chứ không phải là cử tri phải tiếp đại biểu, liên hệ với đại biểu, phải báo cáo với đại biểu về hoạt động của cử tri. Cử tri bầu ra đại biểu để đại diện cho mình nghĩa là cử tri và Nhân dân là người có quyền yêu cầu chứ không phải đại biểu yêu cầu cử tri phải tiếp xúc với mình.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh TXCT sau Kỳ họp thứ 9

Ảnh: Bình Nguyên 

Đại biểu dân cử nên chủ trì tiếp xúc cử tri

Thực tiễn TXCT của đại biểu dân cử hiện nay đã chỉ ra một số hạn chế như: Cử tri tham gia ít, tiếp xúc “đại cử tri” là chính; thời gian báo cáo của đại biểu dân cử quá dài; kiến nghị của cử tri chưa sát với thẩm quyền của cấp tiếp xúc; tổng hợp và giải quyết chưa sát, chưa đáp ứng nguyện vọng của cử tri; điều hành của chủ tọa chưa thu hút… Cơ quan dân cử các cấp cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn, đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động TXCT và thực tế một số địa phương đã có chuyển biến song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề chủ thể tiếp xúc đã nhiều lần được cử tri phản ánh nhưng thực tế vẫn chưa được thay đổi. Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, tổ dân phố 5, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết: Tôi nghe tin ĐBQH về TXCT nhưng “ngó” (nhìn) lên chủ trì vẫn mấy ông cán bộ huyện và xã.

Nghị quyết liên tịch số 525/2012 ngày 27.9.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định theo cấp hành chính, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ ở địa phương có trách nhiệm tổ chức, chủ trì hội nghị TXCT của ĐBQH ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị quyết cũng chỉ rõ trách nhiệm của Đoàn ĐBQH chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch TXCT của ĐBQH; tạo điều kiện để ĐBQH có hình thức TXCT phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động TXCT của ĐBQH, đại biểu HĐND cấp trên khi về TXCT ở cấp dưới, ngoài Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì thì đại diện Thường trực HĐND cũng được giao chủ trì mặc dù trong quy định Thường trực HĐND cũng như UBND là cơ quan phối hợp để thực hiện kế hoạch mà thôi. Cử tri kiến nghị đại biểu cấp tổ chức TXCT nên tham gia đồng chủ trì không phải là không có lý. Một số địa phương khi ban hành Hướng dẫn TXCT đã đề cập đến việc đại biểu cấp nào TXCT thì đồng chủ trì với Ban Thường trực UBMTTQ địa phương, tuy nhiên thực tế số lượng địa phương thực hiện được như thế này cũng chưa nhiều.

“Đại biểu về tiếp xúc thì đại biểu là chủ nhà còn cử tri là khách, thiết nghĩ đại biểu nên thực hiện cho đúng vai chủ thì cử tri sẽ đông hơn” - một cử tri hiến kế khi được tham vấn ý kiến về nâng cao chất lượng TXCT. Đây cũng không phải là nguyện vọng của cử tri mà xét về tính chất của hoạt động TXCT, thiết nghĩ trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND cần quy định rõ hơn về trách nhiệm TXCT của đại biểu dân cử, chỉ rõ trách nhiệm tham gia chủ trì TXCT của đại biểu để đại biểu chủ động trong vai trò là người đi tiếp xúc với cử tri chứ không phải là cử tri đi tiếp xúc với đại biểu như một số nơi đang lầm tưởng.

Lê Hồng Hạnh
Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh