Thực hiện nghiêm pháp luật môi trường

- Thứ Hai, 29/06/2020, 05:02 - Chia sẻ
Trong quá trình triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các Luật của Quốc hội, tôi nhận thấy, vấn đề bảo vệ môi trường thời gian qua đã có sự chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập như: một số quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Trong đó có 2 vấn đề lớn: Một là, cơ chế chính sách chưa khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Nội dung và trách nhiệm phân cấp, phân công quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường còn phân tán. Nhiều văn bản chồng chéo, chưa kịp thời, chưa hợp lý. Vi phạm pháp luật về môi trường còn diễn biến phức tạp, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế xử lý, xử phạt chưa phù hợp; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên việc xử lý chưa hiệu quả. Hai là, các thủ tục hành chính về môi trường vừa thiếu và chồng chéo, trùng lặp. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới phát sinh vừa qua như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là đại dịch Covid-19... đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, sức khỏe và môi trường sống của người dân… 

Qua tiếp xúc cử tri cũng như tình hình thực tế ở địa phương, tôi thống nhất sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường. Đây là việc hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay. Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Tuy nhiên, điều cử tri quan tâm và mong muốn là trong thời gian tới, chúng ta phải ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm kỷ luật về môi trường. Đây là một nội dung qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi thấy cử tri phàn nàn, bức xúc rất nhiều. Đơn cử như ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối ở các trang trại chăn nuôi lợn nhưng hiện nay, chúng ta cũng chưa có quy định, quy chuẩn như thế nào để đánh giá được tác động này. Rõ ràng, nhận định bằng mắt thường trong những trường hợp cụ thể này thì không thể chính xác được. 

Tôi cũng mong muốn Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này có sự định hướng rõ ràng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường, rà soát những tiêu chuẩn, quy định đã ban hành để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ví dụ như ở nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận cũng đã nhiều lần kiến nghị xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác định mức ô nhiễm môi trường do xỉ tro nhưng đến nay chưa có một quy định nào rõ ràng. Trong khi đó, xỉ than ngày càng nhiều, vào mùa gió ảnh hưởng đến môi trường và người dân rất lớn. Đối với tỉnh đã có đề nghị nhưng đến nay cũng chưa có ban hành quy định chung. Điều này đã gây khó khăn trong việc bảo vệ môi trường ở trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương vì ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Thời gian vừa qua, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đối với bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từng bước. Tuy nhiên, thông qua việc sửa đổi toàn diện Luật lần này, tôi đề nghị cần hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân, của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, của từng người dân, từng doanh nghiệp, từng cán bộ, từng cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường, theo tôi, phải là vấn đề đặt lên trên hết. Cho dù chúng ta hỗ trợ nhiều nguồn lực, kinh phí nhưng ý thức của người dân, của doanh nghiệp không chấp hành thì cũng không hiệu quả được. Do đó, cùng với việc sửa đổi Luật, tôi mong muốn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp để chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 25 ngày 31.6.2016 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, đó là kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận)