Thực hiện tối đa quyền dân chủ của người dân, nâng cao tính dân chủ trong hoạt động của HĐND

- Thứ Năm, 28/06/2012, 17:30 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên ĐBND, TRƯỞNG BAN (TB) VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH THÁI BÌNH, TRẦN VIỆT AN cho rằng, trong quá trình tham vấn nếu thấy nội dung Nghị quyết mà HĐND ban hành chưa hợp lý, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân nói riêng và địa phương nói chung thì cần phải tiến hành sửa đổi. Điều này, rất cần thiết để bảo đảm Nghị quyết được ban hành luôn bám sát được thực tiễn cuộc sống. Việc thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân để thực hiện tối đa quyền dân chủ của người dân cũng như nâng cao tính dân chủ trong các hoạt động của HĐND.

- Trưởng ban đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân trong quá trình ban hành chính sách và giám sát của HĐND? 

 
TB Trần Việt An: Theo tôi, đây không phải là vấn đề mới đối với hoạt động của HĐND. Thực chất của việc tham vấn ý kiến nhân dân là mở rộng và thực hiện triệt để tính dân chủ, điều mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Đây được hiểu là hành động có chủ đích của chính quyền nhằm thông báo, hỏi và lắng nghe, thảo luận với những người chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một giải pháp nào đó hoặc những người có liên quan, có quan tâm đến chính sách, giải pháp sắp được ban hành. Thông qua đó, người dân có cơ hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, tạo điều kiện để người ra quyết định có cơ hội xem xét và cân nhắc trước khi quyết định ban hành hoặc sửa đổi pháp luật và chính sách. Tôi cho rằng nội dung chính của tham vấn ý kiến nhân dân là để HĐND biết được nội dung của những Nghị quyết mà HĐND ban hành đã đúng và trúng hay chưa, đã thực sự sát và đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn chưa. Nếu trong quá trình tham vấn thấy nội dung Nghị quyết mà HĐND ban hành chưa hợp lý, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân nói riêng và địa phương nói chung thì cần phải tiến hành sửa đổi. Điều này, rất cần thiết để bảo đảm  nghị quyết được ban hành luôn bám sát được thực tiễn cuộc sống. Việc thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân là để thực hiện tối đa quyền dân chủ của người dân cũng như nâng cao tính dân chủ trong các hoạt động của HĐND.
 
- Được biết, Thái Bình là tỉnh chưa tiến hành thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân. Trong thời gian tới, HĐND sẽ có kế hoạch triển khai hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân như thế nào, thưa Trưởng ban?

TB Trần Việt An: Tham vấn ý kiến nhân dân là vấn đề mới đối với tỉnh Thái Bình. Đợt tập huấn này, chúng tôi là người trực tiếp tham gia, sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh để tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân. Trước mắt, xây dựng kế hoạch chương trình tham vấn ý kiến cho năm sau với những nội dung thẩm định những nghị quyết mà HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết của năm qua đã đúng, đã trúng ở mức cao hay chưa. Sau đó, tùy điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai thực hiện hoạt động tham vấn cho phù hợp.
 
- Theo Trưởng ban, nếu tiến hành hoạt động tham vấn thì công cụ tham vấn nào được cho là phù hợp với điều kiện cụ thể của Thái Bình?

TB Trần Việt An: Như chúng ta đã biết, trong hoạt động tham vấn có 5 công cụ tổng quát gồm: tổ chức hội nghị lấy ý kiến (theo từng cấp thể hiện trong kế hoạch cụ thể từng Ban); khảo sát thực địa, thị sát, khảo sát, giám sát nhằm mục đích: tiếp xúc, tiếp nhận chứng cứ; sử dụng các hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm cho nhân dân biết HĐND đang tiến hành hoạt động với những nội dung gì, qua đó nhân dân góp ý bằng văn bản, thư kiến nghị; tiếp nhận thư dân nguyện, đơn khiếu nại (tùy theo lĩnh vực) và phản hồi; điều tra xã hội học, khảo sát - tổ chức nghiên cứu độc lập.

Trong các công cụ tham vấn nêu trên, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình, tôi thấy tham vấn ý kiến nhân dân là hoạt động cần phải tuyên truyền theo hình thức đa phương tiện. Trước hết, là tiến hành tham vấn trực tiếp với các đối tượng cần tham vấn. Thứ hai, thông qua phương tiện truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình thì tính tuyên truyền về hoạt động tham vấn sẽ được nhân rộng và hiệu quả hơn.
 
- Theo Trưởng ban, đâu là yếu tố làm nên thành công của hoạt động tham vấn?

TB Trần Việt An: Cơ quan chủ thể thực hiện việc tham vấn này là Thường trực HĐND của các địa phương. Thường trực HĐND có trách nhiệm thực hiện chương trình tham vấn trên cơ sở các nghị quyết đã ban hành của năm cũ, sẽ xây dựng chương trình tham vấn cho năm sau và sẽ được thông qua kỳ họp cuối năm của năm trước. Theo tôi, để nâng cao hiệu quả của hoạt động tham vấn công chúng cần phải lựa chọn nội dung tham vấn. Trong số những nghị quyết đã ban hành thì lựa chọn tham vấn nghị quyết mà nội dung có tính gai góc, có ảnh hưởng lớn đến các đối tượng tham vấn, còn một số vấn đề cần phải bàn lại để tham vấn. Đây là vấn đề quan trọng và trách nhiệm chính phải thuộc về Thường trực HĐND các địa phương – cơ quan chủ trì công tác tham vấn ý kiến nhân dân. 
Hà An thực hiện