Bàn về Triết lý giáo dục Việt Nam

Thực tế và những giá trị ngầm ẩn

- Thứ Năm, 15/11/2018, 07:16 - Chia sẻ
Phải chăng vẫn có những triết lý ngầm ẩn trong cách chúng ta thiết kế hệ thống giáo dục và xây dựng chính sách? Dù được phát biểu thành lời hay không, quan trọng là các giá trị đó phải có mối liên hệ với thực tiễn đang diễn ra. Từ những gợi mở này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Ly (ĐHQG TP Hồ Chí Minh).

>> “Không phải tuyên ngôn hào nhoáng”

Nền tảng tư tưởng, nhận thức luận

- Không ít người nhầm lẫn giữa mục tiêu giáo dục với triết lý giáo dục, từ đó đưa ra nội dung được cho là triết lý giáo dục Việt Nam cũng rất khác nhau. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

- Có lẽ phải bắt đầu từ chỗ hiểu đúng cụm từ “triết lý giáo dục” không phải theo cách ta gán cho nó, mà là theo cách được thế giới học thuật nhìn nhận. Từ “triết lý” (philosophy) có nguồn gốc từ hai từ Hy Lạp cổ, “philo” có nghĩa là “yêu” (love) và “sophy” có nghĩa là “sự khôn ngoan, thông thái” (wisdom). Vì thế chiết tự mà xét thì triết lý có nghĩa là “tình yêu đối với sự khôn ngoan, thông thái” (Power, 1982). Dù có tự ý thức hay không, ai trong chúng ta cũng sống và xử sự dựa trên niềm tin về những gì cho là hay, tốt, đúng, nên làm, tức là những gì được gọi là “khôn ngoan, thông thái” trong mắt chúng ta. Những niềm tin đó hình thành từ trải nghiệm cá nhân, từ cách cha mẹ, gia đình, trường học, xã hội đối xử với chúng ta, đặc biệt là cách chúng ta đã được giáo dục và tự giáo dục. Vì thế, “triết lý” và “giáo dục” có mối quan hệ qua lại chặt chẽ.

Có hai cấp độ để bàn về triết lý giáo dục. Ở cấp độ hệ thống, một quốc gia có thể phải xác định mục tiêu mình muốn hướng tới trong việc giáo dục, tức là phải định nghĩa rõ lý tưởng của mình là gì và bằng cách nào đạt được lý tưởng ấy. Ở cấp độ cá nhân, mỗi nhà giáo dục đều cần hiểu rõ những niềm tin và giá trị mà mình dựa vào đó để thực thi hoạt động giáo dục. Những niềm tin và giá trị ấy giải thích tại sao chúng ta làm như thế này mà không phải thế khác, và khi làm điều đó, chúng ta đang hướng tới việc đạt được cái gì. Những điều này giải thích vì sao ở Việt Nam, triết lý giáo dục thường được hiểu tương tự mục tiêu giáo dục, trong lúc lẽ ra cần hiểu rộng hơn. Triết lý giáo dục là nền tảng tư tưởng và nhận thức luận về giáo dục, trên cái nền đó chúng ta xác định mục tiêu của giáo dục và những phương pháp căn bản chúng ta sử dụng nhằm đạt được mục tiêu ấy.

Trong lĩnh vực giáo dục, có ba xu hướng chính: (1) Tập trung vào người dạy, bao gồm trường phái Bản chất luận (Essentialism, hiện là chủ trương chính của giáo dục công tại Mỹ, nhấn mạnh việc dạy những kỹ năng cơ bản cần thiết cho xã hội), Chủ nghĩa lâu năm (Perennialism, nhấn mạnh vai trò giáo viên như là trung tâm của việc chuyển giao tri thức cho người học); (2) Nhấn mạnh vai trò trung tâm của người học, gồm các trường phái như Thuyết Tiến bộ tập trung phát triển la bàn đạo đức của người học; Thuyết Nhân văn (Humanism) tạo điều kiện cho người học phát huy hết tiềm năng của họ; Thuyết Kiến tạo (Constructivism) dùng giáo dục như một công cụ để định hình quan điểm về thế giới của người học; và (3) Tập trung vào nhu cầu của xã hội, bao gồm Tái cấu trúc luận (Reconstructionism) coi giáo dục là phương tiện giải quyết các vấn nạn xã hội, Hành vi luận (Behaviorism) nhằm xây dựng những cách xử sự có lợi cho xã hội.

Tất cả những tri thức này đều gắn chặt với việc định hình triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục Việt Nam đang tồn tại

- Từ phân tích trên, theo bà, Việt Nam đã có triết lý giáo dục hay chưa?

- Như trên đã nói, những gì chúng ta đang làm biểu hiện cái gốc nhận thức và hệ thống giá trị chúng ta dựa vào đó để hành động, cho dù ta có nhận biết được điều đó hay không. Vì thế, khác với những người cho rằng Việt Nam không có triết lý giáo dục, tôi cho rằng triết lý giáo dục của chúng ta đang tồn tại trong cách chúng ta quản trị hệ thống, xây dựng chương trình, đối xử với giáo viên và học sinh, và hệ giá trị bất thành văn này có thể rất khác cái đang được tuyên bố. Một ví dụ nhỏ, cách quản lý nội dung chương trình và sách giáo khoa theo lối tập trung chặt chẽ xưa nay (có thể tóm tắt trong câu kinh thánh “sách giáo khoa là pháp lệnh”) nói lên rất rõ một điều, chúng ta đang xem giáo dục như một công cụ để đào tạo ra những người hành động như một công cụ, vì thế nội dung giáo dục phải được quản thật chặt, để không ai có thể nghĩ khác và làm khác. Rất may là điều này đang được thay đổi.

Có những câu vẫn được nhiều người coi là triết lý giáo dục Việt Nam như “Học đi đôi với hành”, “Tiên học lễ hậu học văn”… liệu còn phù hợp với nền giáo dục thời đại mới không, thưa bà?

- Những câu trên không nên được khái quát hóa thành “triết lý giáo dục” vì nó không đủ tầm bao quát để làm nền tảng cho toàn bộ hoạt động giáo dục. “Học đi đôi với hành” thì bao giờ cũng đúng, tuy rằng thế nào là “hành” thì cũng còn tùy lĩnh vực và bối cảnh. “Tiên học lễ hậu học văn” nhấn mạnh khía cạnh lễ giáo (cần hiểu là đạo đức và các chuẩn mực xã hội) so với kiến thức lý thuyết. Nó không có gì sai, nhưng nếu giáo dục chỉ có vậy thì sẽ quá hạn hẹp và không còn phù hợp với thời đại ngày nay, vốn là thời đại mà mọi quan niệm và nhận thức đều đang đảo lộn nhanh chóng. Nó chỉ là lời khuyên của ông bà ta về nội dung nào là quan trọng trong giáo dục, chứ không phải là nền tảng nhận thức luận cho chúng ta xây dựng mục tiêu và phương pháp giáo dục. Vì thế không nên coi đó là triết lý giáo dục.

(Còn tiếp)

Lê Thư thực hiện