Thuốc lá - tác nhân gây các bệnh về da

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:09 - Chia sẻ
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi, tim, huyết áp, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, khói thuốc chính là tác nhân gây các bệnh vảy nến, lão hóa da, ung thư da, Buerger...

Hoại tử da vì hút thuốc

Bệnh nhân Nguyễn Việt Hưng, 44 tuổi (Linh Đàm, Hà Nội), tắc hoàn toàn động mạch đùi và động mạch khoeo. Theo các bác sĩ, bệnh nhân Hưng nhập viện trong tình trạng bàn chân phải lạnh, tím, nhiều chỗ hoại tử khô. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chẩn đoán anh mắc bệnh Buerger, gây tắc nghẽn động mạch và hoại tử da.

Anh Hưng chia sẻ, bản thân đã hút thuốc lá từ trước năm 30 tuổi với số lượng trên 10 điếu/ngày, đây là một tác nhân quan trọng dẫn đến căn bệnh của anh. Theo lời kể của gia đình, anh Hưng đã khám và điều trị tại nhiều bệnh viện trong nhiều tháng nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Tình trạng hoại tử bàn chân càng ngày càng nặng nề hơn. Bệnh nhân đã được đề nghị cắt bỏ cẳng chân phải vì những đau đớn không thể chịu đựng được mà không còn giải pháp nào để điều trị. May mắn thay, sau một số phẫu thuật thông động mạch,  da bàn chân của anh Hưng đã ấm trở lại, hồng hào hơn; có thể đi lại được và không phải cắt bỏ chân.

Theo Chủ nhiệm khoa Da liễu dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 TS. Bùi Thị Vân, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh Buerger, một dạng viêm mạch. Bệnh Buerger ảnh hưởng đến lưu lượng máu, các mạch máu ở những khu vực này bị tắc nghẽn, dẫn đến đau và tổn thương mô. Các trường hợp nặng của bệnh Buerger có thể dẫn đến loét trên da ngón tay và ngón chân.

“Khi bệnh Buerger trở nên nặng hơn, các vết loét trên bàn tay và bàn chân sẽ hình thành và gây đau. Nhiễm trùng da cũng có thể xuất hiện. Hoại tử có thể tiến triển nếu các mô ở tay và chân chết do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng. Khi đó da và các mô dưới da sẽ có màu đen” - Ts. Bùi Thị Vân giải thích.

Hầu hết những người bị bệnh Buerger trong độ tuổi từ 19 - 55, phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên, với số lượng phụ nữ hút thuốc đang tăng lên thì nhiều người cũng được chẩn đoán mắc bệnh này. Hút thuốc đóng vai trò như một nguyên nhân kích hoạt và gây bệnh Buerger. Việc tiếp tục hút thuốc cũng làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Việc nhai thuốc lá cũng được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh.


Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh về da  
Nguồn: ITN

Tác nhân gây hại cho da

TS. Bùi Thị Vân chia sẻ, da vốn là cơ quan bảo vệ cơ thể nhưng lại ít nhận được sự chu cấp máu dồi dào như các cơ quan khác. Chính vì thế, ở những người nghiện thuốc lá, làn da thường bị teo lại và trông nhợt nhạt. Bên cạnh đó, thuốc lá còn phá hủy vitamin C vốn là chất chống oxy hóa giúp làn da chống chọi với các tác nhân gây hại khác. Màu da của người hút thuốc sẽ có xu hướng ngả về tông màu cam hoặc xám do thiếu lượng oxy cung cấp cho các tế bào da, cùng với các tác động tiêu cực của nhiều hóa chất khác trong thuốc lá. Ngoài ra, chất nicotine và các chất độc khác có trong thuốc lá sẽ bám màu vào ngón và móng tay, khiến chúng dần chuyển sang màu vàng và có mùi khó chịu.

Cũng theo TS. Bùi Thị Vân, thuốc lá là tác nhân dẫn đến nhiều loại bệnh ung thư phổi, vòm họng, miệng, thực quản, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư da. Nguy cơ gia tăng ung thư da đến từ việc hệ thống miễn dịch bị tàn phá bởi các chất độc hại có trong khói thuốc lá. Dựa vào kết quả nghiên cứu cho thấy nếu hút thuốc, khả năng bị ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) có thể cao hơn tới 52% so với khi bạn không hút thuốc. SCC là dạng ung thư da phổ biến thứ hai và thường xuất hiện trên môi của những người hút thuốc.

Ngoài ra, hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh vảy nến của một người, nguy cơ tăng lên tùy thuộc vào số lượng thuốc lá hút. Phụ nữ hút 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao gấp 2,5 lần so với người không hút thuốc. Đối với đàn ông, nguy cơ cao hơn 1,5 lần so với những người không hút thuốc. Nguyên nhân chính do nicotine trong khói thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, viêm da và tăng trưởng tế bào sừng, tất cả đều có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh vảy nến.

Tùng Dương