Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên giải trình về đầu tư công

Nhận diện bất cập, tìm hướng tháo gỡ

- Thứ Tư, 01/07/2020, 08:14 - Chia sẻ
​​​​​​​Tại phiên giải trình vừa được Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây, nhiều tồn tại, bất cập trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư công và tình hình triển khai thực hiện các dự án nhóm B, nhóm C trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được tập trung nhận diện. Trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhiều giải pháp khắc phục, tháo gỡ đã được đề ra để hoạt động đầu tư công thực sự xứng với vai trò đầu tàu, dẫn dắt các khu vực đầu tư khác, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh thời gian tới.

Nhiều tồn tại, bất cập

Báo cáo tại phiên giải trình cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại Quảng Nam được triển khai thực hiện theo kế hoạch, từng bước cụ thể hóa từ kế hoạch trung hạn đến hằng năm với hơn 400 dự án khởi công mới, tổng mức đầu tư khoảng 14.790 tỷ đồng. Trong đó, 79 dự án nhóm B và 10 dự án nhóm C trọng điểm, tổng đầu tư hơn 12.364 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản, vốn cho các công trình chuyển tiếp đã kiểm soát khá tốt nợ đọng. Công tác đấu thầu qua mạng bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu. Chủ trương quản lý dự án theo chuyên ngành được thực hiện triệt để…

Theo đánh giá của các đại biểu, kết quả tích cực trên đã giúp khắc phục tình trạng đầu tư khi chưa xác định nguồn vốn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư và sử dụng vốn... Dẫu vậy, những bất cập trong thực hiện của cả cơ quan quyết định, giám sát (HĐND) và cơ quan chấp hành (UBND) vẫn đang là vấn đề phải tập trung khắc phục, tháo gỡ để hoạt động đầu tư công trên địa bàn thực sự xứng với vai trò đầu tàu, dẫn dắt hoạt động đầu tư ở các khu vực khác, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh thời gian tới.

Với vai trò cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đồng tình với đánh giá: “Kế hoạch trung hạn mang nặng bóng dáng kế hoạch hằng năm, thậm chí kế hoạch nửa năm”. Bởi, 2016 - 2020 là giai đoạn đầu tiên tỉnh kế hoạch hóa công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn nên có những lúng túng nhất định, chưa đúng tính chất “trung hạn” khi phải điều chỉnh, bổ sung quá nhiều lần. 

Báo cáo tổng hợp, gợi ý của Thường trực HĐND tỉnh cũng nêu lên khá nhiều vấn đề cần lưu ý. Theo đó, dường như các khâu trong lập, thực hiện kế hoạch trung hạn đều bộc lộ tồn tại. Đối với việc thực hiện các thủ tục đầu tư, chính những lúng túng ngay từ bước đầu trong lập kế hoạch trung hạn đã khiến kế hoạch đầu tư thiếu khoa học, dự báo nguồn vốn thiếu chính xác. Về kế hoạch từng năm, việc xác định danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên còn bị động; một số dự án chưa có trong quy hoạch ngành hoặc chưa có trong danh mục ưu tiên đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn thực hiện đầu tư phát triển theo từng ngành, lĩnh vực có sự chênh lệch lớn. Công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (phần ngân sách huyện) đối với một số dự án giao cấp huyện làm chủ đầu tư còn thiếu chặt chẽ... 

Ở góc độ chủ thể trực tiếp triển khai các dự án đầu tư công, đại diện các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh thẳng thắn đánh giá: Thủ tục rườm rà và ách tắc về giải phóng mặt bằng lại là hai nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong năm kế hoạch đạt thấp, xu hướng giảm dần. Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ những bất cập liên quan đến công tác lựa chọn đơn vị tư vấn; năng lực, trách nhiệm của một số chủ đầu tư; việc xây dựng hoàn thiện hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; hồ sơ thiết kế cơ sở phần lớn chỉ đưa ra một phương án thiết kế…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Phan Việt Cường phát biểu tại phiên họp giải trình

Ảnh: Thanh Thanh 

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian còn lại của năm 2020 và giai đoạn 2021-2026, việc xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, để thực hiện đúng quy định pháp luật, hướng đến nâng chất hiệu quả đầu tư công, điều hành và kết luận phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh nêu lên một số chủ trương và giải pháp thực hiện hiệu quả công tác lập, thực hiện kế hoạch trung hạn. Trong đó, xác định cụ thể tiêu chí lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đầu tư ở các ngành, lĩnh vực; nguyên tắc, tiêu chí phân cấp đầu tư công trình, dự án do cấp tỉnh đầu tư. Dự báo chính xác tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư ở các ngành, lĩnh vực hợp lý, phù hợp…

Bên cạnh đó, cần tổ chức Hội đồng đánh giá, thẩm định, lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đầu tư để đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đánh giá tình hình hoạt động của các Ban quản lý dự án chuyên ngành; thực hiện nguyên tắc công trình cấp nào quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, cấp đó làm chủ đầu tư…

Đối với công tác tham mưu, chuẩn bị các điều kiện để trình HĐND tỉnh quyết định danh mục dự án và bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thường trực HĐND đề nghị: UBND tỉnh tuân thủ các quy định về điều kiện bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch trung hạn. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định danh mục dự án đầu tư, trình HĐND tỉnh thống nhất danh mục dự án đầu tư; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư trước khi trình thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, tạo điều kiện thẩm định dự án đầu tư chặt chẽ.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng bồi thường giải phóng mặt bằng…

Dương Thị Thanh Hiền
Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam