Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với 3 Bộ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 14:37 - Chia sẻ
Sáng 31.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 44/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội về nội dung: “Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có một số chính sách do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành) đã dành sự quan tâm, thúc đẩy đầu tư cho các địa phương có điều kiện KT – XH khó khăn, nhiều huyện nghèo, huyện biên giới, miền núi, vùng an toàn khu, vùng dân tộc thiểu số, vùng chịu ảnh hưởng lớn do thiên tai… bảo đảm tương quan hợp lý giữa các địa phương, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư với các vùng miền khác trong cả nước...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu trong cuộc làm việc

Cho rằng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn rất khái quát, chung chung, Thường thực Hội đồng Dân tộc đề nghị, căn cứ vào nội dung giám sát, báo cáo cần tập trung, nhấn mạnh thêm các chính sách đẩy mạnh đầu tư trong thời gian qua. Chỉ rõ các chính sách và nguồn vốn liên quan đến đầu tư công; nguồn vốn khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Báo cáo về việc thực hiện nội dung: “Phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới” được Quốc hội nêu tại Nghị quyết 113/2015/QH13 ngày 27.11.2015, lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ, Bộ đã xác định và quán triệt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế, bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản vẫn còn những tồn tại như chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản chưa đáp ứng với công việc được giao; chính sách đào tạo, sử dụng và cung cấp trang thiết bị chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Khẳng định các chính sách, cơ chế phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản chưa có sự thống nhất, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Y tế cần đánh giá thêm về vấn đề này, phản ánh đúng thực chất y tế thôn, bản đến thời điểm hiện nay như thế nào? Làm rõ nguồn lực địa phương cho đội ngũ cán bộ y tế, thôn bản. Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch đề nghị bổ sung số liệu nhân viên y tế thôn, bản từ năm 2019 đến nay. Phân tích đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm địa phương đối với đội ngũ nhân viên y tế, thôn, bản.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về “Nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số”, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: các bộ ngành, địa phương đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan cơ quan, đơn vị có liên quan để cụ thể hóa các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành nội dung chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm luôn được quan tâm, kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực, khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở một số ngành, lĩnh vực…

Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, dù Bộ đã có cố gắng thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nhưng vẫn chưa làm rõ được những bất cập trong thực hiện các chính sách này. Đáng lưu ý là bất cập trong vấn đề cử tuyển. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Nội vụ cần chỉ rõ rào cản trong sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị 3 Bộ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bổ sung đánh giá thực trạng, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp bảo đảm đúng, đủ, khả thi. Báo cáo phải bám sát yêu cầu và mốc thời gian từ khi ban hành Nghị quyết của Quốc hội, việc gì các bộ đã làm được, chưa làm được, nguồn lực thực hiện chính sách ra sao.

Hoàng Ngọc