Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Thứ Năm, 30/07/2020, 12:53 - Chia sẻ
Sáng 30.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Nghị quyết 33/2016/QH14 ngày 23.11.2016 của Quốc hội về: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực cao cho các dân tộc thiểu số”.

 Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 33/2016/QH14, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Như Xuyên nêu rõ, về kết quả tuyển sinh cử tuyển, từ năm 2007 - 2013, tổng số học sinh cử tuyển vào trường đại học, cao đẳng là 12.805/14.602 chỉ tiêu, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là trên 2.000 học sinh. Trong giai đoạn này, có 55/63 tỉnh thành có học sinh tham gia học cử tuyển. Giai đoạn 2010 - 2015, nhu cầu đào tạo học sinh cử tuyển của các địa phương giảm mạnh, hiệu quả của công tác tuyển sinh giai đoạn này chỉ đạt 88%. Tính đến năm 2015 chỉ còn 24/52 tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển sinh cử tuyển. Năm 2015, số học sinh, sinh viên cử tuyển trên toàn quốc giảm chỉ còn 615 học sinh. Năm 2016 tiếp tục giảm còn 313 học sinh (chỉ chiếm khoảng 20% so với những năm 2010). Hiện nay chỉ còn 8 tỉnh có nhu cầu cử tuyển gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh và Bạc Liêu. Số lượng học sinh đi học theo chế độ cử tuyển là 78 học sinh…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc  

Vướng mắc trong thực hiện chính sách cử tuyển là đa số địa phương khi xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chưa xuất phát từ quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển KT - XH và cơ cấu ngành nghề đào tạo. Sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ra trường nhiều nhưng số được bố trí việc làm rất ít. Tồn tại này diễn ra nhiều năm, khiến số lượng sinh viên tốt nghiệp cử tuyển ngày càng dư thừa… Chỉ ra thực tế trên, ông Lê Như Xuyên cho biết thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nhằm khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, Bộ Giáo dục Đào tạo cần làm rõ thêm thực tế bố trí việc làm sau cử tuyển như thế nào, nhất là số lượng đào tạo ngành nghề nào ít được bố trí công ăn, việc làm. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nhấn mạnh, chính sách hiện nay đối với việc thu hút nhân tài, hỗ trợ cho học sinh khá, giỏi còn quá dàn trải, chưa phù hợp, chưa tạo được môi trường tốt để phát huy năng lực, sở trường của các em. Bộ cũng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ - CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, Bộ bám sát các yêu cầu trong Nghị quyết 33 của Quốc hội và sớm trình dự thảo Nghị định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Hoàng Ngọc