Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thứ Năm, 30/07/2020, 18:23 - Chia sẻ
Chiều 30.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về “Có giải pháp hiệu quả thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền trong xây dựng nông thôn mới; có chính sách phù hợp hỗ trợ cho các xã, thôn, bản thuộc vùng căn cứ kháng chiến, an toàn khu, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” và Nghị quyết số 113/2015/NQ13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội về “Tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du”.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường; đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Theo đại diện Bộ NN và PTNT, về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14, căn cứ hướng dẫn của Bộ, đến nay đã có 35 tỉnh ban hành tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản. Ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới như Quỹ phát triển cộng đồng, cơ chế hỗ trợ xây dựng thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn…

Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm (2016 - 2020) ước đạt khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch và bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc  

Đối với nhiệm vụ và giải pháp thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có, chỉ đạo các cấp triển khai hiệu quả các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu 5 năm của Chương trình trong năm 2020. Phấn đấu 100% các huyện của cả nước có ít nhất một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2020; đôn đốc 17 tỉnh chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì ít nhất có một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 để thảo luận và đề xuất giải pháp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng khung khổ pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới đây.

Ghi nhận các kết quả đạt được trong thực hiện xây dựng nông thôn mới của Bộ, tuy nhiên Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, báo cáo cần bổ sung đánh giá về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả đạt được ở các vùng trọng điểm (những vùng có từ 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành mong muốn Bộ đề xuất cụ thể với Quốc hội những vấn đề cần giải quyết ở vùng đặc biệt khó khăn và giải pháp chính sách là gì?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, báo cáo của Bộ cần ngắn gọn hơn, đúng trọng tâm, đặc biệt, đánh giá trúng thực trạng khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền hiện nay so với bình quân chung cả nước.

Hoàng Ngọc