7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro?

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 15:56 - Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, tính tới hết tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa nước ta xuất siêu 6,5 tỷ USD. Theo PGS. TS PHẠM TẤT THẮNG - Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, thực tế đây không phải là do tăng trưởng xuất khẩu của nước ta tăng mạnh mà là do kim ngạch nhập khẩu giảm, mà nhập khẩu giảm đồng nghĩa với tăng trưởng yếu đi.
PGS. TS PHẠM TẤT THẮNG - (Nguồn: ITN)
PGS. TS Phạm Tất Thắng (Nguồn: ITN)

Nhập giảm đồng nghĩa với tăng trước yếu đi

-  Tính tới hết tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm năm qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, ông đánh giá ra sao về con số này?

- Trong bối cảnh Covid- 19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, con số này theo tôi đánh giá là khá tích cực. Thị trường xuất khẩu ghi nhận một số nhóm hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, ví dụ như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 24,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 27,1%. Cũng nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đã phần nào bù lại sự sụt giảm của các mặt hàng chủ lực khác trong nhóm này. Ảnh hưởng của Covid- 19 đã khiến cho những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn – là các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất những nhóm ngành hàng trên đã có sự chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam thời gian qua.

Mặc dù vậy, điều này cũng ẩn chứa nguy cơ. Nhìn vào con số xuất siêu gần 6,5 tỷ USD, thực tế đây không phải là do tăng trưởng xuất khẩu của nước ta tăng mạnh mà là do kim ngạch nhập khẩu giảm. Xuất siêu là do xuất nhiều hơn nhập, như vậy ở đây nhập đã giảm quá nhiều, mà nhập giảm đồng nghĩa với việc tăng trưởng yếu đi. Điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn về sau. Chúng ta không nhập được nguyên vật liệu vào để tiếp tục sản xuất ra hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng. Thậm chí có nhiều nhà máy trong thời gian vừa qua phải dùng hàng dự trữ, hàng đã nhập khẩu từ trước, chứ không nhập khối để có thể sản xuất trong những tháng tới.

Ví dụ cụ thể đối với hàng nông sản, trong mấy tháng đầu năm dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng những mặt hàng rau quả, thực phẩm vẫn có thị trường để xuất khẩu đi. Tuy nhiên gần đây một số nông sản chủ lực như cá tra, cá basa bị ứ đọng, không xuất khẩu được, gây khó khăn cho các nhà sản xuất bởi vì kho đã đầy, tồn.

-  Về thị trường xuất khẩu, hiện Mỹ chính là thị trường chủ lực của Việt Nam, khi chiếm đến gần 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vậy theo ông, việc tăng này có phải là do Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không?

- Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu vào loại lớn nhất, luôn chiếm khoảng ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy trong thời gian vừa qua tỷ lệ nhích lên là do cuộc chiến tranh giữa Mỹ - Trung, và Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi.  Mỹ đang hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi đó hàng hóa của nước ta vẫn có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, nhưng cũng chỉ nhích lên mấy phần trăm thôi.

hết tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD
Hết tháng 7.2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD  (Nguồn: ITN)

Tìm động lực tăng trưởng mới

-  Trong tổng thể xuất nhập khẩu của nước ta nửa đầu năm nay, chỉ số của kim ngạch nhập khẩu không mấy khả quan. Tỷ lệ nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa là đầu vào của các ngành sản xuất đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh (dệt may, da giày, xăng dầu). Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu, và Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần có những giải pháp nào?

- Có 2 nguyên nhân. Một là tác động của Covid- 19 khiến chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu bị đứt gãy, làm cho nhập khẩu của nhóm hàng này bị giảm đi, đấy là nguyên nhân chính. Hai là, đối với các thị trường xuất khẩu mặt hàng chủ lực hiện nhu cầu bị giảm xuống.

Như vậy, đầu vào những hàng hóa này giảm mạnh phần nào cho thấy được những tín hiệu không mấy lạc quan khi động lực sản xuất của các doanh nghiệp nội gặp khó khăn, là những dấu hiệu không vui cho hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, Chính phủ cần phải có những giải pháp nhanh chóng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong trung hạn và cả dài hạn, tìm động lực tăng trưởng mới. Cần có các giải pháp vĩ mô cho nền kinh tế, các giải pháp phản ứng nhanh cho các doanh nghiệp chủ lực xuất khẩu. Tiếp tục thu hút vốn FDI, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ về thuế, giãn nợ, giảm lãi suất…

Bên cạnh đó, cũng cần phải  phát huy được lợi thế khả năng đã có. Ví dụ như vừa qua nhà nước cũng rất chú trọng đến sự tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ 1.8. Nếu chúng ta tận dụng được cơ hội để đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu và không vi phạm hàng rào kỹ thuật của họ thì đây cũng sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Thông qua các hiệp định thương mại tự do và xúc tiến đầu tư, điều mà chúng ta hy vọng lớn nhất đó là lôi kéo được nhiều đầu tư của các nhà đầu tư công nghệ cao ở EU vào Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nước ta đang là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vì thế cũng phải tận dụng cơ hội này để đưa hàng hóa sang thị trường này tốt hơn. Gần đây xuất hiện một số thị trường tiềm năng, có khả năng khai thác tốt hơn nữa, mở rộng hơn nữa, ví dụ như Ấn Độ, Australia, New Zealand… đó là cái chúng ta đang hy vọng.

Đối với thị trường Trung Quốc, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc đang gặp phải khó khăn do thiên tai, lũ lụt. Vì vậy nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng nông sản ở thị trường này sẽ rất lớn. Hơn nữa, nước ta và Trung Quốc đã thỏa thuận tăng cường xuất khẩu qua con đường chính ngạch hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như 9 mặt hàng rau quả hay sữa… Đấy là biện pháp đúng của các nhà quản lý, là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp một cách “đàng hoàng” đi sâu vào các thị trường rộng lớn này.

Đối với tự thân các doanh nghiệp, hiện nay giải pháp trong ngắn hạn vẫn là bài toán kiểm soát chi phí, đưa ra các giải pháp để nhanh chóng thay đổi thị trường và sản phẩm mới.

-  Ông dự báo ra sao về bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm?

- Thực tế cho thấy, mức xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của nước ta thời gian qua dưới sự ảnh hưởng của Covid- 19 cũng là một sự cố gắng, là một bức tranh tương đối sáng sủa so với sự ảm đạm bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu. Có không ít quốc gia tăng trưởng âm, nhưng khả năng lớn Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 3,5-4%. Mặc dù mới chỉ là dự báo, bởi còn phụ thuộc vào việc chống dịch như thế nào, nhưng cũng rất đáng để hy vọng. Nếu chúng ta chống dịch tốt, khoanh vùng, dập dịch tốt thì tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan.

Đối với bức tranh xuất nhập khẩu, có khả năng cao sẽ giảm cả 2 chiều. Dù vậy, nước ta có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều kết quả tốt trong chống dịch trước đó, vẫn duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô nên xuất khẩu có thể giữ ở mức cao hơn. Bài toán đặt ra ở đây có 2 vấn đề, một là vẫn phải tìm thị trường, tìm con đường để xuất khẩu, nhưng đồng thời vẫn phải chống dịch; hai nhiệm vụ này phải song song gắn liền nhau.

- Xin cảm ơn ông !

Tính tới hết tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD,  cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019. Trong 7 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ 2019 có tăng nhẹ 0,2 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu lại giảm gần 3 tỷ USD.  

 

Thảo Anh