Kinh doanh theo chuỗi:

Tiềm năng lớn, cạnh tranh khắc nghiệt

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 09:19 - Chia sẻ
Kinh doanh theo chuỗi ở nước ta hiện tăng trưởng 20 - 30%/năm. Tuy có hậu phương vững chắc là quy mô dân số triệu dân, song mô hình kinh doanh này chứa đựng nhiều rủi ro. “Nếu làm tốt, thương hiệu sẽ lan tỏa rất nhanh chóng, nhưng nếu làm chưa hay thì hậu quả lớn hơn nhiều”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

“Không hề dễ”

Chuỗi nhà hàng Món Huế do Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế điều hành, thuộc sở hữu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hiện có 43 chi nhánh trên cả nước. Sau gần 10 ngày kể từ khi các nhà cung cấp tố chuỗi nhà hàng Món Huế nợ tiền tỷ, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã cưỡng chế tài khoản và cho biết sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, ở nước ta kinh doanh theo chuỗi có mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm. Các mô hình kinh doanh theo chuỗi như chuỗi bán lẻ điện máy, di động, thời trang giày dép, túi xách hay mô hình bán lẻ bách hóa tổng hợp... đã dần gắn với những thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart+, thegioididong hay FPT shop... Lợi ích của kinh doanh theo chuỗi là vừa thu lợi trực tiếp từ kinh doanh vừa thu được tiền “bán” thương hiệu.

Kinh doanh chuỗi tuy đầy tiềm năng và nhiều lợi thế nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói. Thị trường nước ta đang phát triển rất nhanh, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số trẻ, sức mua tăng…, nếu các mặt hàng hoặc thương hiệu có uy tín, có chất lượng tốt thì rất dễ được phổ cập. Từ đó, tạo ra liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau trong hệ thống, có những chuyển giao về mặt công nghệ kỹ thuật cũng như góp phần cho hoạt động của chuỗi kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.

Ngược lại, việc xây dựng các cơ sở kinh doanh liên quan với nhau rất dễ dẫn đến sự ỷ lại giữa các cửa hàng hoặc doanh nghiệp. Thêm nữa, “những thương hiệu được kinh doanh theo chuỗi sẽ lan tỏa rất nhanh, rộng nếu làm tốt, nhưng nếu làm chưa hay thì hậu quả còn lớn hơn nhiều, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, thị hiếu khách hàng…”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói. Theo đó, chỉ cần người tiêu dùng phản ứng không tốt về sản phẩm mà không xử lý kịp thời, hay chiến lược kinh doanh sai lầm có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền, chi phí khắc phục cũng sẽ rất lớn, thậm chí là đổ bể hệ thống kinh doanh.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hệ thống chuỗi nhà hàng Pizza Home Hoàng Tùng thừa nhận, kinh doanh chuỗi trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng nhưng hết sức khắc nghiệt, mật độ cạnh tranh rất cao. Đó là lý do khiến cho những chuỗi cửa hàng như Món Huế, dù có xuất phát điểm tài chính lớn nhưng vẫn có thể sụp đổ rất nhanh. Theo anh Tùng,  kinh doanh chuỗi nhà hàng không hề dễ. Doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật món mới, xu hướng thiết kế mới vì thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh. Thách thức đặt ra là làm sao quản trị chuỗi trên một vùng địa lý rộng lớn mà vẫn phải bảo đảm  chất lượng sản phẩm được đồng bộ. Tuy đã tiêu chuẩn và đồng bộ hóa tất cả quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng vẫn không thể lường trước được những thiếu sót. Tiếp đó, khi mở rộng chuỗi, bộ máy quản trị của doanh nghiệp đột nhiên phải phình to ra để gồng gánh một khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến việc rất dễ xảy ra rủi ro.


Hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa

Số lượng phải đi cùng chất lượng

Để tránh rơi vào khủng hoảng, thậm chí sụp đổ như chuỗi nhà hàng Món Huế, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngoài đồng bộ về sản phẩm thì cần phải đồng bộ trong vận hành quản trị, dịch vụ… Theo đó, các nhà đầu tư phải chú ý hoạt động thực chất của các doanh nghiệp trong chuỗi đó như thế nào hơn là về mặt hình thức. Khi “nhân bản” từ một cửa hàng thành nhiều cơ sở khác, nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm mở rộng quy mô, đẩy mạnh quảng bá, chạy theo doanh thu mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng quản trị… thì không chỉ mất niềm tin nơi khách hàng mà một khi sụp đổ sẽ gãy cả chuỗi.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kinh doanh chuỗi không nên làm theo phong trào, mà cần phân tích kỹ càng mọi vấn đề và làm ăn bài bản để tạo ra sự khác biệt trong tâm trí khách hàng, phải bảo đảm được cái “chất” đồng đều trong từng sản phẩm.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, vấn đề sống còn đối với việc bán lẻ theo chuỗi chính là lựa chọn mặt bằng hiệu quả.

Thảo Anh