Tổng kết Kỳ họp thứ Chín, chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Tiền đề cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp

- Thứ Tư, 15/07/2020, 05:36 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Chín được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt, vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với những hiệu quả thấy rõ từ Kỳ họp thứ Chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục áp dụng phương thức họp trực tuyến kết hợp tập trung tại Kỳ họp thứ Mười tới, tạo tiền đề để nghiên cứu cải tiến cách thức tiến hành các kỳ họp của Quốc hội.

Bước tiến quan trọng

Kỳ họp thứ Chín được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt, khi cả nước đang thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, trong khi số lượng các nội dung đưa ra Quốc hội cho ý kiến, đưa ra quyết đáp là rất lớn. Nhớ lại thời điểm đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, tại Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn phải bàn kỳ họp sẽ diễn ra như thế nào, thậm chí còn tính không biết có họp được hay không?

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
|Ảnh: Q. Khánh

Yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đòi hỏi Quốc hội quyết định tổ chức Kỳ họp thứ Chín theo cách thức mới, chưa có tiền lệ, khi thực hiện theo hai đợt, trong đó có một đợt họp trực tuyến. Nhìn lại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ, đây là một kỷ niệm trong sự nghiệp của mình, với nhiều đổi mới, đột phá và đánh dấu một bước tiến rất quan trọng trong quá trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tổ chức kỳ họp của Quốc hội.

Chia sẻ suy nghĩ ở thời điểm đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, lúc đầu cũng lo lắng không biết thảo luận trực tuyến sẽ tiến hành như thế nào, sợ nhất là đang diễn ra mà hệ thống mạng bị sập, không tiếp tục tiến hành thảo luận được. Lo lắng là vậy, nhưng trong các ngày họp trực tuyến của Quốc hội, hạ tầng kỹ thuật đều đã bảo đảm. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần có hình thức khen ngợi các cán bộ, kỹ thuật viên bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, vì đó là những người đã giúp Quốc hội tiến hành các phiên họp suôn sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc tổ chức thành hai đợt họp có một khoảng thời gian giữa hai đợt họp đã tạo điều kiện cho các  cơ quan của Quốc hội có thời gian nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua; giúp các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu cho đợt họp tiếp theo.

Ngoài ra, dù thời gian làm việc của kỳ họp chỉ trong 19 ngày nhưng Quốc hội giải quyết được rất nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng thuộc thẩm quyền. “Nhiều vấn đề tạo tiếng vang rất lớn không phải chỉ trong nước mà cả quốc tế, như việc phê chuẩn hai Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU được bạn bè quốc tế rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tác động không chỉ dừng ở phòng họp

Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ việc tổ chức kỳ họp theo phương thức mới. Có thể nói rằng, hiệu quả và sức lan tỏa của cách thức tổ chức kỳ họp kết hợp giữa trực tuyến và tập trung như vừa qua không chỉ dừng lại ở các phòng họp, ở những nội dung được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư đều chia sẻ “họp như vậy là rất tốt”, vì ở địa phương được tham dự, thông tin tuyên truyền trực tiếp, đặc biệt là các cơ quan của Hội đồng Nhân dân được đến dự thính, học hỏi những kinh nghiệm tiến hành kỳ họp của Quốc hội. Với những tác động nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, tiến hành họp trực tuyến cũng là một cách thức để thông tin trực tiếp và truyền tải những nội dung trong nghị trường của Quốc hội đến với nhân dân. Đồng thời, họp trực tuyến cũng tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát các đại biểu do mình bầu ra.

Chính vì thế, dù vẫn có những vấn đề cần tiếp tục cải tiến trong tổ chức, tiến hành họp trực tuyến nhưng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nên quyết tâm duy trì thực hiện phương thức họp kết hợp giữa tập trung và trực tuyến trong thời gian tới. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chung quan điểm này và nhất trí, Kỳ họp thứ Mười tới sẽ được tiến hành theo hai đợt: Đợt họp trực tuyến và đợt họp tập trung, thời gian cụ thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bố trí cho hợp lý.

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ Mười, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu, cần tiếp tục nâng cấp phần mềm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu Quốc hội thao tác, sử dụng, nhất là mở thêm những cửa sổ để tra cứu tài liệu dễ dàng hơn. Để giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút thảo luận và 3 phút tranh luận hiện hành xuống còn 5 phút thảo luận và 2 phút tranh luận như đề nghị của một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, việc giảm thời gian phát biểu và tranh luận của đại biểu có thể được đưa ra xin ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp trù bị của Kỳ họp thứ Mười, hoặc lấy ý kiến qua máy. Hay như, đưa thông báo với các đại biểu Quốc hội về việc trả lời phỏng vấn trực tuyến của cơ quan báo chí trong thời gian giải lao phiên họp trực tuyến; mời thêm Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan liên quan đến tham gia các phiên họp trực tuyến từ 63 điểm cầu trên cả nước…

Kỳ họp thứ Chín diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, nhưng trên tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết tâm cao, thích ứng nhanh với điều kiện thực tế, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ họp trực tuyến, bảo đảm khai mạc kỳ họp đúng thời gian quy định, hoàn thành các nội dung đề ra, kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng, hợp lòng dân. Những đổi mới trong tổ chức, điều hành tại kỳ họp vừa qua đã tác động đến hoạt động của Quốc hội, được cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Cách thức tổ chức kỳ họp này cũng được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, là một tiền đề hết sức quan trọng để tiếp tục cải tiến các kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.

Lê Bình