Tiếng nói của sáng tạo

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
Nghệ thuật đương đại đang trở thành một phần đáng kể trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Nỗ lực thể hiện quan điểm, tiếng nói mạnh bạo trước nhiều vấn đề thực trạng đời sống bằng phương thức biểu hiện mới, các nghệ sĩ cho thấy nhiệt huyết và sức sáng tạo nhằm đóng góp, phản biện xã hội.

“Những giấc mơ kéo dài” và “bên trong thành phố”

Ngày 10.9, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) khai mạc đồng thời hai triển lãm cá nhân “Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh và “Bên trong thành phố” của Đoàn Xuân Tùng. Hai triển lãm độc lập, diễn ra song song của hai nghệ sĩ mang phong cách khác biệt nhưng đều chú trọng đến sự nhận diện hình thức của mình. Theo lời nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, ở họ có cái chung của họa sĩ trẻ hiện nay, là cố gắng gây ấn tượng thị giác tức thì. Ấn tượng thị giác đó nói lên con đường nghệ thuật đương đại đang hướng tới, là mối bận tâm về hiện trạng đời sống xã hội.

Với các tên gọi Trò chơi vòng vòng, Võ đài học đường, Sự tự do, Quy đổi… 9 bức tranh sơn dầu trên toan của Bùi Quốc Khánh mang tinh thần phản biện các vấn đề văn hóa, môi trường, giáo dục… Anh sử dụng ngôn ngữ tạo hình theo phong cách Pop - art và âm hưởng đồ họa, bày ra không gian sặc sỡ sắc màu. Những gam màu đậm và mạnh, chồng lấn, dày đặc hình ảnh ẩn dụ về văn hóa đại chúng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các mô - típ, biểu tượng vương giả, hào nhoáng, đầy vật chất được bày xếp ngồn ngộn, phô trương, thể hiện cái nhìn châm biếm, hài hước của nghệ sĩ về xã hội ngày nay.

12 tác phẩm với chất liệu acrylic và giấy báo cắt dán trên toan, mỗi bức tranh của “Bên trong thành phố” là một câu chuyện tái hiện cuộc sống xô bồ chốn thành thị: Câu chuyện nhỏ, Cao điểm, Đám đông, Trưa vắng… Chuỗi tác phẩm của Đoàn Xuân Tùng tập trung vào hai mạch chính. Một mặt, hướng tới những câu chuyện kiếm sống thường nhật của người lao động nhập cư, mặt khác, mô tả cuộc sống của tầng lớp trung lưu mới nổi. Một mặt là những nhọc nhằn, chật vật mưu sinh, mặt kia là sự tận hưởng tiện ích tại các khu dân cư mới. Tưởng chừng đối lập nhưng đó là hai mảng hiện thực không thể tách rời của đời sống đô thị ngày nay.

Không phải ngẫu nhiên hai nghệ sĩ lại triển lãm trong cùng một không gian, cùng một thời điểm. Với nghệ thuật đương đại, ý tưởng và tính thời sự được đặt lên hàng đầu. Ý tưởng đương đại đã tạo thành một cuộc đối thoại thú vị của hai cá tính có phần khác biệt, về các vấn đề của xã hội đương thời.


“Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh đi sâu vào mối quan hệ giữa con người với môi trường, xã hội

Cuộc đối thoại đương đại

“Nhìn vào triển lãm và nhìn ra thành phố ngoài kia sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng. Thành phố của chúng ta dường như chưa được ngăn nắp cho lắm, nhìn vào đâu cũng thấy dang dở, chắp vá, mối quan hệ xã hội thì đầy rẫy phức tạp. Đấy là điều chúng ta cảm nhận rõ nét nhất”, họa sĩ Nguyễn Hải Nam nhận định như vậy khi xem các tác phẩm. Có thể thấy, các nghệ sĩ trẻ thế hệ 8X, 9X… đang đưa vào sáng tác những phương thức biểu hiện mới, truyền tải tiếng nói mạnh bạo, bắt nguồn từ thực trạng đa dạng của đời sống. Những phức tạp, hỗn độn đó là nguồn cơn, cũng là đau đáu của nghệ sĩ trong suốt quá trình sáng tạo.

“Tôi sử dụng tờ báo như một chất liệu mang tính lịch sử nhằm phản ánh hiện thực một cách chân thực nhất có thể. Đứng từ xa, bạn sẽ thấy được tổng thể của bức tranh, nhưng lại gần xem kỹ, bạn sẽ đọc được những tin tức cho thấy xã hội đang có vấn đề gì, chúng ta quan tâm đến điều gì”. Vấn đề chính Đoàn Xuân Tùng tập trung lần này là khoảng cách xã hội đang ngày một lớn dần. Câu chuyện của nó là người lao động từ nông thôn lên thành phố mưu sinh bên những gánh hàng rong; là những chuyến xe buýt cuối ngày, khi người ngồi trên các hàng ghế đã rất uể oải, mệt mỏi; là những chật chội, bí bách diễn ra ngày ngày… Và ở góc độ khác, có một bộ phận cư dân khác của thành phố, có điều kiện hơn nhưng vẫn cùng trong guồng quay của sự bon chen, và cũng không tránh khỏi những vấn đề chung của xã hội, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc, tai nạn giao thông…

Trong cuộc sống đó, người ta có những giấc mơ. Bùi Quốc Khánh cắt lát những giấc mơ ấy ở góc độ mới hình thành hoặc đang hình thành, không biết bao giờ kết thúc. Không khó nhận ra trong tranh của anh sử dụng rất nhiều hình ảnh tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, và những yếu tố của văn hóa truyền thống. Bùi Quốc Khánh cho biết, anh muốn phản ánh thực trạng ngồn ngộn nhưng không phải bằng cách vẽ cái gì đó quá phô bày, mà giống như văn hóa của người châu Á, cứ ẩn ý bên trong. “Đó là những chiêm nghiệm của tôi về bối cảnh xã hội Việt Nam với rất nhiều vấn đề, như sự di dân từ nông thôn lên thành thị, các tệ nạn xã hội, những vấn đề môi trường, đạo đức gia đình và xã hội bị nhìn nhận lệch lạc… Tất cả những điều ấy tựu lại, trở thành một giấc mơ kéo dài mãi mãi không biết bao giờ mới chấm dứt”.

Thái Minh