Tiếp cận các biện pháp khắc phục vi phạm tiêu chuẩn lao động

- Thứ Năm, 17/10/2019, 00:22 - Chia sẻ
Ngày 16.10, tại Hà nội, Viện Friedrich - Ebert - Stiftung (FES), Văn phòng tại Việt Nam; Trung tâm Phát triển và Hội nhập đã tổ chức hội thảo Tiếp cận các Biện pháp khắc phục vi phạm tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứng ngành may mặc; giày dép và điện tử. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Kinh doanh và quyền con người trong quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ về nghiên cứu cơ bản kinh doanh và nhân quyền trong chuỗi cung ứng ngành may mặc; giày dép và điện tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhãn hàng có chính sách giải quyết các vi phạm bị phát hiện trong chuỗi cung ứng... nhưng trong 3 ngành (may, giày, điện tử) vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm pháp luật lao động. Trong đó phổ biến nhất là phân biệt đối xử với lao động nữ; ép buộc làm thêm giờ quá mức quy định, trả lương thấp hơn mức đủ sống và tìm cách khấu trừ lương của người lao động, cũng như can thiệp vào hoạt động công đoàn. Đặc biệt, công nhân làm việc trực tiếp tại cơ sở đã phải chọn các kênh không chính thức để lên tiếng về những quyền lợi  của mình, hoặc tham gia các cuộc đình công tự phát để bảo vệ quyền và đòi hỏi các lợi ích cho chính mình… Từ những phát hiện ban đầu, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất như tăng cường khả năng tiếp cận của người lao động tới các cơ chế khắc phục; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm hỗ trợ pháp lý, hòa giải viên; cải thiện hệ thống giải quyết khiếu nại tại doanh nghiệp và trong chuỗi cung; đặc biệt là xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh và quyền con người.

Được biết, ngày 16.6.2011, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thống nhất thông qua các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và nhân quyền (UNGP), kết thúc nhiều thập kỷ tranh cãi về trách nhiệm liên quan tới nhân quyền của doanh nghiệp. UNGP là bộ tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên nhằm phòng ngừa và khắc phục rủi ro về nhân quyền trong hoạt động kinh doanh. Ngày 26.6.2014, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết chỉ đạo thành lập một nhóm làm việc liên chính phủ mở, với nhiệm vụ xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đối với các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến quyền con người. Nghị quyết đã được 20 quốc gia ủng hộ, trong đó có Việt Nam.

Phạm Hải