TikTok trong vòng xoáy chính trị

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:39 - Chia sẻ
TikTok là nền tảng giải trí nổi tiếng với phương châm chỉ mang đến những phút giây vui vẻ cho người dùng nhưng cuối cùng lại vướng vào tranh cãi chính trị khi Mỹ trở thành nước mới nhất tuýt còi ứng dụng của Trung Quốc này.

Tiêu chí phi chính trị

Suốt thời gian dài, các video chính trị không được chào đón trên TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đội ngũ phát triển của công ty được cho là muốn tránh bất cứ nội dung nào khiến người dùng cảm thấy không thoải mái. Do đó, những video chứa hình ảnh người khuyết tật, thậm chí khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Donald Trump, từng bị TikTok chặn hoặc gắn cảnh báo.

Tuy nhiên, người dùng đang cố tình chính trị hóa ứng dụng này khi sử dụng nó để tạo làn sóng tẩy chay trong vụ cảnh sát Mỹ làm thiệt mạng một người da đen. Tình hình thậm chí đi xa hơn, khi một số người dùng TikTok đang thử nghiệm những cách tổ chức hành động chính trị trên ứng dụng. Nhiều người dùng TikTok được cho là đã đóng vai trò lớn trong chiến dịch "phá" cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thành phố Tulsa tháng trước. Họ cho biết đã cố tình đăng ký hàng loạt vé rồi không tới sự kiện, khiến buổi mít tinh của ông Doanld Trump trở nên vắng vẻ.

Hôm 7.7, TikTok một lần nữa vướng vào tranh cãi chính trị, khi phát ngôn viên của công ty tuyên bố họ sẽ rút lui khỏi Hong Kong, ngay sau khi Trung Quốc áp Luật An ninh mới tại đặc khu. Động thái này có thể nhằm tránh những yêu cầu kiểm duyệt nội dung, hoặc chia sẻ dữ liệu người dùng, phù hợp với nguyên tắc của TikTok. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ TikTok đang âm thầm hỗ trợ chính quyền Trung Quốc, bằng cách loại bỏ nền tảng mà người biểu tình sử dụng để đăng video kêu gọi quyền tự chủ cho đặc khu.

Con ngựa gỗ thành Troy?

TikTok còn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ khi Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ mạnh tay với TikTok do lo ngại công ty chủ quản có thể chia sẻ dữ liệu người dùng cho cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc.

Trong động thái cứng rắn mới nhất, Ủy ban Vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp. Dự luật Không TikTok trên thiết bị Chính phủ được Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley, người từng gọi TikTok là "cỗ máy giám sát trên mọi điện thoại tải ứng dụng xuống",  trình hồi tháng 3 và được Ủy ban Vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa Thượng viện thông qua ngày 22.7. Dự luật này cấm nhân viên, nhà thầu liên bang, các nhà lập pháp tải xuống hoặc sử dụng TikTok và tất cả ứng dụng khác của tập đoàn ByteDance trên bất kỳ thiết bị nào do chính phủ cung cấp.

Ngay sau đó, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu về dự luật tương tự với 336 phiếu thuận và 71 phiếu chống. Với việc Hạ viện thông qua và Ủy ban Thượng viện ủng hộ, trong thời gian tới, việc cấm sử dụng TikTok tại Mỹ có thể sớm được luật pháp hóa.

Mối đe dọa của Tổng thống Donald Trump cấm TikTok chỉ là cú hích mới nhất trong cuộc chiến thương mại và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ gây thiệt hại hàng tỷ USD và hàng nghìn việc làm của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng mô tả các công ty công nghệ được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn là "những con ngựa thành Troy cho tình báo Trung Quốc".

Ngày 2.8, ông Mike Pompeo trong bài trả lời phỏng vấn đài Fox News, cho biết Chính phủ Mỹ sẽ mở rộng phạm vi chú ý đến tất cả nền tảng công nghệ trực tuyến phát triển từ Trung Quốc. Những công ty phần mềm Trung Quốc làm ăn với Mỹ, cho dù đó là TikTok hay WeChat và vô số công ty khác đang cung cấp dữ liệu trực tiếp cho Trung Quốc, bộ máy an ninh quốc gia của họ. “Đây là những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump nói rõ sẽ hành động trong những ngày tới đối với một loạt rủi ro an ninh quốc gia bị kiểm soát bởi phần mềm kết nối Trung Quốc”.

Cuối tháng trước, Ấn Độ cũng đã quyết định cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác, sau vụ đụng độ tại biên giới hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. New Delhi giải thích lệnh cấm xuất phát từ lo ngại an ninh mạng, mặc dù CEO mới của TikTok khẳng định giới chức Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng TikTok ở Ấn Độ, nói thêm rằng họ cũng sẽ không tuân thủ nếu Chính phủ Trung Quốc yêu cầu.

Cuộc đua “cứu” TikTok

TikTok được cho là ứng dụng thành công nhất hiện nay với 315 triệu lượt tải xuống trong quý I.2020, cao hơn bất cứ ứng dụng nào trong khoảng thời gian tương đương, theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower.

Trước nguy cơ ứng dụng này đối mặt với lệnh cấm từ Nhà Trắng, một loạt công ty công nghệ Mỹ, đi đầu là Microsoft, đã khởi động kế hoạch nhằm mua lại nền tảng chia sẻ video trực tuyến đình đám TikTok từ công ty mẹ Trung Quốc nhằm biến nó trở thành “một ứng dụng Mỹ”.

Ngày 2.8, Microsoft cho biết đang tiến hành đàm phán mua lại hoàn toàn với công ty mẹ ByteDance của TikTok và thương vụ có thể hoàn tất trước ngày 15.9 tới. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa Tổng thống Donald Trump và Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadell, cho thấy dường như Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho kế hoạch “thay đổi quốc tịch TikTok”.

Các cuộc đàm phán sẽ được Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) giám sát, theo các nguồn tin yêu cầu giấu tên. CFIUS chịu trách nhiệm xem xét các thương vụ mua bán lại từ nước ngoài của các công ty Mỹ để bảo đảm các giao dịch đó không gây rủi ro an ninh quốc gia. Nhiệm vụ này sẽ cho phép CFIUS xem xét các thương vụ mua lại và có quyền chặn bất kỳ thương vụ nào.

Trong một tuyên bố, Microsoft cho biết: "Microsoft hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng trong việc giải quyết các mối quan ngại của Tổng thống. Họ cam kết mua TikTok để có được sự bảo mật hoàn chỉnh và cung cấp lợi ích kinh tế phù hợp cho Mỹ, bao gồm cả Kho bạc Mỹ".

Theo thỏa thuận được đề xuất, Microsoft cho biết họ sẽ tiếp quản các hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Microsoft nói rằng họ sẽ "bảo đảm rằng tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ tại TikTok được chuyển đến và ở lại Mỹ". Microsoft cho biết thêm: "Trong phạm vi mà bất kỳ dữ liệu nào như vậy đang được lưu trữ hoặc sao lưu bên ngoài Mỹ, Microsoft sẽ bảo đảm rằng dữ liệu này sẽ bị xóa khỏi các máy chủ bên ngoài quốc gia Mỹ sau khi được chuyển đi".

Hiện chưa rõ giá nhà đầu tư đề xuất mua TikTok. ByteDance được định giá 75 tỷ USD trong lần gây quỹ cuối cùng của công ty vào năm 2018. Mặc dù TikTok nhanh chóng tích luỹ thêm hàng trăm triệu người dùng ở Ấn Độ và phương Tây, công ty mẹ ByteDance được cho là làm ăn không có lãi với mảng ứng dụng này. Phần lớn lợi nhuận của ByteDance lại đến từ Douyin (TikTok Trung Quốc).

Giới trẻ Mỹ thời gian qua rất ưa chuộng sử dụng TikTok, khiến giới chức Mỹ quan ngại thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội này có thể bị lạm dụng. Theo một thống kê năm 2019, công dân Mỹ trong độ tuổi từ 16 - 24 chiếm tới 60% trong số 26,5 triệu người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ.

Theo JWC, SCMP

Đạt Quốc