Tìm giải pháp bền vững hơn

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:37 - Chia sẻ
Thực hiện quy định cấm xe tải quá 5 tấn lưu thông vào Quốc lộ 50 theo khung giờ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh yêu cầu, các quận, huyện cần phối hợp với các công ty vận chuyển chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh thời gian giao nhận rác thải sinh hoạt tại các gia đình. Song, để đáp ứng được lượng phương tiện lưu thông ngày một tăng và nhu cầu vận chuyển rác sinh hoạt ngày một lớn, về lâu dài, thành phố cần có những giải pháp mang tính bền vững hơn.

Doanh nghiệp vận chuyển rác gặp khó khăn

Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 50 tuy không phải là điểm đen giao thông nhưng thường xuyên xảy ra va chạm. Do đó, từ ngày 28.3, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đã triển khai quyết định cấm xe quá 5 tấn lưu thông đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (quận Bình Chánh), trong khoảng thời gian từ 6 - 9 giờ và từ 16 - 19 giờ hàng ngày.

Cấm xe tải quá 5 tấn lưu thông vào Quốc lộ 50 theo khung giờ

Đây là giải pháp điều tiết nhằm hạn chế xe cộ tập trung ban ngày gây ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường; nhất là xe rác với đặc thù cồng kềnh và có mùi hôi, gây ảnh hưởng đến giao thông cũng như người dân vào khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, mỗi ngày có khoảng 600 xe 10 tấn chở rác thải sinh hoạt lưu thông vào Quốc lộ 50 về bãi rác Đa Phước, nên việc thay đổi này lại đang đặt ra nhiều khó khăn cho các đơn vị thu gom và vận chuyển rác thải.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện bãi chôn lấp rác Đa Phước đang tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt với khoảng 6.400 tấn/ngày, trung bình mỗi ngày khoảng 640 lượt xe. Do đó, các đơn vị vận chuyển rất khó để vận chuyển hết khối lượng chất thải rắn nếu tránh đi vào khung giờ cấm và việc cấm lưu thông vào khung giờ này còn có khả năng gây tắc nghẽn giao thông khi hết giờ cấm xe tập trung chạy vào bãi rác.

Chưa kể, hiện các trạm trung chuyển, điểm hẹn tập trung rác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hầu hết đang rơi vào quá tải do sự gia tăng của khối lượng chất thải rắn sinh hoạt qua hàng năm. Việc cấm xe vận chuyển chất thải trên một số tuyến đường có khả năng dẫn tới gia tăng thời gian lưu chất thải tại các trạm trung chuyển và điểm hẹn, gây quá tải, dẫn đến việc ô nhiễm môi trường xung quanh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Nhựt cho biết, kể từ khi thành phố triển khai quyết định này, công ty đã gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển rác về bãi rác Đa Phước. Thành phố cấm đường, còn bãi rác lại giới hạn giờ nhận rác sẽ gây ảnh hưởng cho công tác thu gom rác của tất cả đơn vị trên địa bàn thành phố. Nếu không giải quyết hết, rác sinh hoạt của ngày hôm nay sẽ bị ùn ứ đến ngày mai.

Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, cái khó là lượng rác thu gom dân lập thường thu gom vào buổi tối và đổ vào các bô trung chuyển để sáng chở vào bãi, nhưng thành phố cấm chạy khung giờ từ 6 - 9 giờ nên bị chậm. Lãnh đạo Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 1 cũng cho hay, việc cấm theo khung giờ gây khó khăn rất lớn, vì đa số xe rác của phía công ty đều về bãi rác Đa Phước. Thực tế, mỗi ngày sau khi lấy rác ra khỏi địa bàn quận đã 16 giờ, nếu đường bị cấm, xe phải đợi thêm tới 19 giờ dẫn đến vận chuyển không kịp trong ngày.

 

Cần có lộ trình cụ thể

Theo các công ty dịch vụ công ích quận, huyện trên địa bàn thành phố, việc cấm xe quá 5 tấn lưu thông theo khung giờ là cần thiết để giảm áp lực giao thông cho khu vực này, nhưng phải có những giải pháp mang tính bền vững và khả thi hơn để các đơn vị không bị ảnh hưởng. Bởi, với khung thời gian và tải trọng cấm như vậy sẽ rất khó để các công ty chuyển hết số lượng rác thải sinh hoạt trong ngày về bãi rác. Nói cách khác, nếu không chuyển được rác, sẽ dẫn đến việc rác ùn ứ, tồn đọng tại các điểm trung chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng nhấn mạnh, Quốc lộ 50 là tuyến huyết mạch dẫn đến các tỉnh miền Tây, các khu công nghiệp của tỉnh Long An nên lượng phương tiện sẽ gia tăng mỗi ngày. Do đó, quy định của Sở Giao thông - Vận tải là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đây cũng là kế hoạch chung của thành phố, nên các quận, huyện cần phối hợp với các công ty vận chuyển chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh thời gian giao nhận rác thải sinh hoạt tại các gia đình.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo bà Mỹ, thành phố nên có lộ trình cụ thể cho từng quận, huyện được lưu thông để tránh ùn ứ xe vào cùng một lúc; hoặc cho đổ rác ở một số bãi khác. Đồng thời, cần nhanh chóng mở rộng và nâng cấp tuyến đường này mới có thể đáp ứng được lượng phương tiện lưu thông ngày một tăng và nhu cầu vận chuyển rác sinh hoạt ngày một lớn. Mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 12.000 - 13.000 tấn rác, chưa kể mỗi năm lượng rác thải sinh hoạt của thành phố tăng khoảng 20%. Trong khi đó, biện pháp xử lý lượng rác thải này vẫn chủ yếu là chôn lấp ở bãi rác Đa Phước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu số lượng xe vận chuyển rác thải là rất lớn.

Vân Phi