Tìm hiện đại, giữ bản sắc

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:21 - Chia sẻ
Cùng với sức sống lâu bền của âm nhạc truyền thống, trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều dòng nhạc mới, đáp ứng nhu cầu của khán giả đương đại. Đã có nhiều ý kiến lo lắng về sự lai căng, mai một bản sắc trong sáng tác mới, nhưng thực tế cho thấy luôn có những nỗ lực chắt lọc tinh hoa thế giới, khai thác vốn cổ để sáng tạo, phát triển nghệ thuật mang đậm chất dân tộc.

Không rập khuôn, sùng ngoại

Những thập kỷ gần đây, nhiều người có ý kiến rằng dòng nhạc thị trường đang tràn ngập với những sáng tác chạy theo trào lưu nhạc Âu - Mỹ, nhạc Hoa lời Việt, nhạc Hàn lời Việt... mà thiếu những sáng tác mang giá trị nghệ thuật và bản sắc Việt. Nhìn lại giai đoạn đã qua, có thể thấy, việc giao lưu, tiếp xúc của âm nhạc Việt Nam với thế giới đã có từ lâu, có lúc chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc nước ngoài.

Nổi bật là từ những năm đầu thế kỷ XX, nhạc phương Tây, cụ thể là âm nhạc Pháp đã được du nhập vào Việt Nam, thu hút công chúng và tác động tới các nghệ sĩ. Tuy vậy, những bài hát nhạc Pháp lời Việt, hay bài hát Việt được sáng tác na ná theo kiểu phương Tây chỉ tồn tại ít lâu. Theo nhà nghiên cứu Vũ Tự Lân, giai đoạn này có hiện tượng cực đoan, tôn sùng âm nhạc phương Tây, coi rẻ và xa rời những giá trị trong âm nhạc truyền thống dân tộc. Nhưng sau đó, một tầng lớp trí thức tiến bộ tiếp thu và hưởng thụ những thành tựu tích luỹ từ nhiều thế kỷ của Pháp - châu Âu để làm phong phú thêm cho tinh hoa của ca nhạc dân tộc - cổ truyền Việt Nam.

Nếu như trước thế kỷ XIX, nền âm nhạc Việt Nam gồm những thể loại âm nhạc dân tộc như chèo sân đình, ca trù, hát xoan, quan họ, nhã nhạc cung đình... thì tới đầu thế kỷ XX, đã có những thay đổi lớn. Sự tiếp xúc, tiếp thu mang tính hệ thống từ âm nhạc phương Tây ở những yếu tố cơ bản: Hệ thống âm, thang âm đến lý thuyết âm nhạc, thể loại, hình thức, nhạc khí, cách thức thể hiện… khiến nền âm nhạc Việt Nam phân hóa mạnh mẽ, chia thành hai dòng âm nhạc: Nhạc mới (tân nhạc) và nhạc dân tộc cổ truyền. Ngay cả trong ca khúc tân nhạc, từ những năm 1940 các nhạc sĩ như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn... đã chú ý đến màu sắc dân tộc trong sáng tác, mà nhiều tác phẩm đến nay vẫn sống trong lòng công chúng.

Thế kỷ XXI hội nhập, âm nhạc nước ngoài cũng ồ ạt vào Việt Nam, vang lên khắp trong nhà ngoài ngõ, từ phố phường tới làng quê, tưởng chừng như lấn át nhạc Việt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đời sống ca khúc Việt vốn bị đánh giá là bão hòa, nhạt nhòa và lai căng dường như được thổi một luồng gió mới, với sự xuất hiện của các giai điệu hiện đại, trẻ trung, sôi động, mang hình ảnh, âm hưởng đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn với đông đảo công chúng.

Nhiều tác phẩm âm nhạc hiện đại nhưng vẫn đậm truyền thống.
Nguồn: ITN

Hội tụ tinh hoa bản sắc Việt

Văn hóa nói chung, ở mỗi ngành nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) nói riêng, việc tiếp thu những sáng tạo, học hỏi cách thể hiện nội dung, hình thức… tác phẩm là vô cùng phổ biến. Nhưng xu hướng toàn cầu hóa càng mạnh mẽ, con người càng muốn gìn giữ những nét riêng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.

Gần đây, âm nhạc Việt Nam thoát khỏi lối mòn và tạo ra những con đường mới, truyền cảm hứng về âm nhạc với các tác phẩm mang màu sắc truyền thống nhưng không kém phần hiện đại cả về nội dung và hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm ngay khi ra đời đã được công chúng đón nhận tích cực như: “Cô đôi thượng ngàn” của ca sĩ Tân Nhàn với âm hưởng chầu văn; “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao; hay Sèn Hoàng Mỹ Lam đưa hơi thở hiện đại vào giai điệu dân gian Tây Bắc trong album và MV “Mời anh về Tây Bắc”... Ở đó, âm nhạc không còn là nơi thể hiện cảm xúc qua những giai điệu, mà còn hội tụ tinh hoa bản sắc văn hóa Việt.

Xây dựng câu chuyện từ tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng, hay đưa các nét văn hóa dân gian lâu đời của người Việt vào tác phẩm, nhạc trẻ đang khai thác những vốn quý của dân tộc để tạo bước đột phá cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nghệ sĩ trẻ cẩn trọng khi khai thác chất liệu truyền thống, trên cơ sở hiểu biết kỹ lưỡng về văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, đưa chất liệu truyền thống vào phần hình ảnh của các tác phẩm mới là chưa đủ. Nhà nghiên cứu Vũ Tự Lân cho rằng: Âm nhạc dân tộc là kho tàng quý giá cho sự phát triển của nhạc đương đại, nên nếu bỏ qua sự tìm hiểu, nghiên cứu, tận dụng vốn quý để phát triển nền âm nhạc hiện đại thì rất lãng phí. Tuy nhiên, khai thác cái gì trong kho tàng ấy là điều cần tìm tòi, khám phá và sáng tạo để đưa vào các tác phẩm mới.

Không chỉ ở nước ta, việc sử dụng chất liệu truyền thống, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới. Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ khai thác chất liệu này là hướng đi đúng đắn và giúp tác phẩm có cơ hội bước ra thế giới. Tuy nhiên, để từ “trầm tích” có thể luyện thành “kim cương”, đòi hỏi tài năng của nghệ sĩ. Họ phải biết chắt lọc những nét tinh túy, kết hợp thông minh với tinh hoa nhân loại để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng trong nền âm nhạc đậm chất Việt.

Ngọc Phương