Tín dụng chính sách - trụ cột giảm nghèo bền vững

- Thứ Hai, 24/08/2020, 10:14 - Chia sẻ
Chỉ 10 năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của Hưng Yên là trên 10% thì đến hết tháng 6.2020, tỷ lệ này giảm về dưới 2% (tính theo chuẩn nghèo đa chiều). Đời sống của nhiều người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế đã thay đổi ngoạn mục. “Kết quả này có đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách - một trong những trụ cột giảm nghèo của tỉnh” - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh khẳng định.

Cứu cánh cho phụ nữ yếu thế

Trong điều kiện hiện nay, số tiền 10 - 20 triệu đồng có thể sẽ chẳng là gì đối với những người khá giả. Thế nhưng, với những người nghèo, nhất là những phụ nữ yếu thế thì đây lại là cứu cánh giúp họ thay đổi cuộc đời, mang lại tương lai tươi sáng.

Gia đình chị Trần Thị Điểu, ở đường phố Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên đã khởi nghiệp trồng nhãn bằng 10 triệu đồng vốn vay từ Chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hưng Yên. Hơn 2 năm sau, chị Điểu lại tiếp tục được nâng mức vay lên 50 triệu đồng; rồi vay thêm chương trình học sinh, sinh viên… đến nay, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà hai người con còn tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Khởi nghiệp từ 9 triệu vay Chương trình hộ nghèo của NHCSXH Hưng Yên để chăn nuôi lợn nhưng chị Trần Thị Kim Thoa, ở khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu không may mắn như chị Điểu. Dịch lở mồm long móng, rồi giá lợn thịt bấp bênh khiến bao công sức gây dựng của gia đình chị gần như trôi sông. Cộng thêm năm 2019 con trai bị tai nạn giao thông, khiến gia cảnh càng bội phần khó khăn. Song, với sự động viên của Hội Phụ nữ phường Hồng Châu, sự hỗ trợ của NHCSXH Hưng Yên và chính quyền địa phương, gia đình chị Thoa đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; cuộc sống tạm ổn định với trang trại 250 con lợn thịt, lợn nái và vài chục gốc nhãn. 

"Hiện, tôi đang vay của NHCSXH hơn 100 triệu từ 3 chương trình: Hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên nhưng tôi tin, mình sẽ sớm trả hết nợ ngân hàng” - chị Thoa quả quyết.

Tiếp thêm nghị lực cho cựu chiến binh

Đến thăm vườn nhãn của cựu chiến binh Trịnh Trường Sinh mới thấy, đồng vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả thế nào dưới nghị lực của người lính. Hơn 600 gốc nhãn lồng và nhãn Hương Chi sai trĩu, dự thu khoảng trên 10 tấn quả và với giá bán buôn 15 - 20 nghìn/kg, năm nay hai vợ chồng ông Sinh sẽ thu lãi khoảng 150 - 170 triệu đồng.

“Nhà chỉ có hai vợ chồng, con cái đã trưởng thành và đều có việc làm ổn định nhưng đất đai có, sức khỏe còn mà không lao động thì uổng. Vậy nên, chúng tôi cứ làm cho vui, miết rồi lại ham”- Ông Sinh tâm sự. 

Tiếp tục ghé vườn của cựu chiến binh kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn Bùi Công Hiển, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn bởi chỉ có 150 gốc nhãn nhưng dự kiến ông Hiển sẽ thu hoạch khoảng 7 tấn quả cho vụ nhãn năm nay. Ông Hiển chia sẻ, cũng nhờ 50 triệu đồng vay từ Chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH Hưng Yên, ông có tiền để đầu tư và áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho vườn nhãn nên sản lượng mới đạt cao như vậy.

Không chỉ vậy, dưới các tán nhãn là hàng trăm giò phong lan các loại được hai cựu chiến binh này “trồng chơi”. Thế nhưng, thú chơi này đã mang lại thu nhập đáng kể cho họ. Như ông Hiển chẳng hạn, gần 150 giò lan nhưng mỗi giò lan của ông ít thì 2 triệu, nhiều lên đến hàng chục triệu đồng!

Bà Trịnh Thị Hiền, vợ ông Trịnh Trường Sinh (thứ hai từ phải qua) giới thiệu cách chăm sóc giống nhãn Hương chi với cán bộ NHCSXH Hưng Yên  

Ảnh: Trần Việt 

Còn đó những trăn trở

Tính đến ngày 30.6.2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đạt 2.884 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch năm; trong đó, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt gần 94 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến hết tháng 6.2020 đạt trên 2.873 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 4,1% so với ngày 31.12.2019, thực hiện đạt 99,2% kế hoạch năm 2020.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 4.718 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo còn 1,9%; 145/145 xã (100%) hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, NHCSXH các huyện, thị xã Mỹ Hào, Văn Giang, Phù Cừ, Khoái Châu đã làm tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong công tác huy động vốn từ các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân tại địa bàn và từ các doanh nghiệp, doanh nhân ngoài địa bàn, nên đã đạt mức tăng trưởng cao trên dưới 5%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 15.223 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 5.162 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 1.348 lao động; góp phần xây dựng 15.514 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 106 hộ gia đình được vay vốn nhà ở xã hội và gần 1.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn cho con tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng và trở thành công cụ đắc lực cho vùng đất tả ngạn sông Hồng khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Song, đối với những người làm tín dụng chính sách thì còn nhiều trăn trở. Bởi lẽ, tỷ lệ hộ nghèo thấp nhưng những hộ khó khăn, không thuộc đối tượng của NHCSXH lại khá nhiều.

 “Vì vậy, chúng tôi mong NHCSXH nghiên cứu, đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay để những người có hoàn cảnh khó khăn; đang chấp chới giữa lằn ranh nghèo - không nghèo có cơ hội tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi” - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hồng Châu Đoàn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Bình Nhi