Hoàn thiện khung pháp lý kinh tế số

- Thứ Năm, 30/07/2020, 23:39 - Chia sẻ
Đó là đề xuất được các chuyên gia, nhà làm luật đưa ra tại Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và một số vấn đề pháp lý về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường” do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức sáng 30.7 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa cho biết: Thời gian qua, khái niệm 4.0 đã trở thành câu cửa miệng của đông đảo cộng đồng, không chỉ quan chức, cán bộ, công chức, viên chức, mà những người dân bình thường cũng nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế phản ứng chính sách đối với vấn đề này còn chậm, giữa nói và làm cách xa nhau; đặc biệt khung pháp lý cho cách mạng công nghiệp 4.0 vừa thừa, lại vừa thiếu... gây nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập của thị trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thông tin, chia sẻ, thảo luận liên quan đến những nội dung: nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với pháp luật về hợp đồng; pháp luật về kinh tế nền tảng (kinh tế chia sẻ) ở một số quốc gia và những bài học cho Việt Nam; thực trạng quản lý và lưu hành tài sản mã hóa ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý đặt ra; chế độ pháp lý đối với tiền mã hóa - kinh nghiệm nước ngoài và những bài học cho Việt Nam; nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với pháp luật về lao động hợp đồng, an sinh xã hội...

Các chuyên gia luật cũng cho rằng: Kinh tế số đi liền với kỷ nguyên số (công nghệ nền tảng) với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), Robotics, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa công nghệ in 3 chiều (3D)... Tác động của kỷ nguyên số đó là sự thay đổi của các mô hình kinh doanh mới, chính vì thế luật pháp phải chủ động điều chỉnh. Tuy nhiên, khung chính sách pháp luật cho kinh tế số vẫn còn khoảng trống. Đơn cử, về tiền mã hóa, hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh nên Nhà nước thất thu không nhỏ số tiền thuế từ hoạt động ngầm của các sàn giao dịch tiền ảo... Chính vì vậy, muốn thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam, việc chuẩn bị, hoàn thiện khung pháp lý cho cuộc cách mạng này cần sớm được thực hiện, nếu không chúng ta sẽ luôn chậm chân và lỡ cơ hội để các sản phẩm của Việt Nam hòa nhập thị trường quốc tế.

Tin và ảnh: Bảo Hân