Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Tinh gọn nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:34 - Chia sẻ
Tuy dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chưa quy định số lượng cấp phó, tỷ lệ đại biểu là Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhưng Ban soạn thảo đã trình xin UBTVQH cho ý kiến về vấn đề này. Tán thành với việc thu gọn chức danh trong các cơ quan của QH, song UBTVQH cho rằng, sửa đổi về nội dung này cần chú ý để tăng hiệu quả hoạt động cho Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH.

Có nên quy định cứng số Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách?

Luật Tổ chức QH năm 2001, năm 2007 và năm 2014 đều quy định có một số cơ quan, đơn vị do UBTVQH quy định cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Điều 99 Luật hiện hành quy định UBTVQH quy định cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VPQH. Điều 100 quy định các cơ quan còn lại UBTVQH thành lập các cơ quan này, quy định cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách cho các cán bộ, công chức công tác tại đơn vị này.
Qua 16 năm hoạt động, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của UBTVQH mong muốn được ghi tên trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Nếu lần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH này không được ghi tên sẽ phải chờ ít nhất 5 năm nữa, tức là qua ít nhất 21 năm hoạt động, Ban Dân nguyện mới có tên trong luật.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Vấn đề quy định số lượng cấp phó, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH được Ban soạn thảo dự án Luật đưa ra xin ý kiến UBTVQH bởi cần cụ thể hóa quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, theo Nghị quyết này, cần quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH theo hướng giảm số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực.

Các Ủy viên UBTVQH đều cho rằng, không nên quy định cứng số lượng cụ thể Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách trong Luật Tổ chức Quốc hội, vì sẽ khó triển khai trong thực tế. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đưa ra ví dụ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hiện đang có 4 tiểu ban và mỗi tiểu ban này do một Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách, trong đó cũng có một Ủy viên Thường trực. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Pháp luật có quy mô lớn hơn, nên cần nhiều Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực hơn.

Các Ủy viên UBTVQH cũng thống nhất nên tổ chức tinh gọn, giảm tầng nấc các chức danh trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Bởi trên thực tế, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH hiện nay đang có quá nhiều cơ cấu, chức danh gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên (trong Ủy viên lại có Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Đoàn ĐBQH và Ủy viên là ĐBQH kiêm nhiệm). Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, trong các cơ quan của QH Khóa XIV thì Hội đồng Dân tộc có ủy viên chuyên trách, do địa phương không bố trí cán bộ được. “Chức danh Ủy viên Chuyên trách này rất chung chiêng, không được biểu quyết, tham gia họp Thường trực Hội đồng Dân tộc, không có chế độ hỗ trợ, quy định tuổi tái cử cũng không rõ ràng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Q. Khánh

Khó bảo đảm hiệu quả hoạt động

Do Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu giảm số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định rõ tổng số lượng cấp phó của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo hướng bình quân là 4 chức danh cho 1 cơ quan. UBTVQH sẽ quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng cơ quan căn cứ vào yêu cầu công việc trong từng giai đoạn, nhiệm kỳ, nhưng bảo đảm một cơ quan có tối thiểu 2 và tối đa là 5 vị trí cấp phó.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, trung tâm hoạt động của QH hiện đang nằm ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Khi sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần hướng đến mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ quan của QH, chứ không phải nhằm vào các cơ quan này để giảm số lượng cấp phó. Theo bà Lê Thị Nga, nếu sửa đổi theo hướng tăng ĐBQH chuyên trách, song lại giảm cấp phó, Ủy viên Thường trực sẽ khó bảo đảm hiệu quả hoạt động cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. “Nghị quyết 18 quy định như vậy nhưng vẫn cần lấy ý kiến các ĐBQH, thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH để đánh giá kỹ hơn. Sau khi lấy ý kiến ĐBQH, thành viên các cơ quan của QH sẽ báo cáo lại Trung ương về vấn đề này”, bà Lê Thị Nga đề nghị.

Ủy ban Tư pháp theo dõi công tác điều tra, truy tố, xét xử và phòng chống tham nhũng. Mỗi mảng việc này hiện đang bố trí một Phó Chủ nhiệm Ủy ban theo dõi. Đưa ra thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với những mảng việc lớn, gai góc như vậy nếu không bố trí Phó Chủ nhiệm theo dõi sẽ khó thực hiện tốt. Bởi, quan sát một phiên họp của Ủy ban Tư pháp cũng sẽ thấy, một Viện trưởng sang dự họp sẽ đi cùng với 2 Phó Viện trưởng và 14 vụ trưởng. Thậm chí, theo bà Lê Thị Nga, một báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp, để “đương đầu” được với các cơ quan này buộc phải có hàng trăm “note” đính kèm.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần tăng số lượng ĐBQH chuyên trách để có thể bổ sung cho thường trực các cơ quan của QH. Ông Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, việc tăng số lượng Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH không có nghĩa là tăng chức danh lãnh đạo các cơ quan này vì “trong các cơ quan của QH không có lãnh đạo. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của QH đơn thuần được giao phân công phụ trách lĩnh vực, chịu trách nhiệm chuẩn bị một số nội dung công việc”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách ví von, việc bố trí hợp lý số lượng thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH sẽ có tác động tương tự như một đội bóng được có thêm nhiều cầu thủ đá ở các tuyến khác. Thực tế, khi có thêm cầu thủ đá tốt ở các vị trí khác sẽ có đội trưởng và tiền đạo tốt. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra thực tế, khi làm việc với các bộ, ngành, nếu cử Phó Chủ nhiệm Ủy ban đi họ sẽ thấy khác với cử Ủy viên Thường trực, vì quan niệm của cơ quan hành pháp khác với các cơ quan của QH. Do vậy, theo ông Nguyễn Đức Hải, quy định về số lượng cấp phó, Ủy viên Thường trực trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH phải được cân nhắc kỹ càng, bảo đảm phù hợp với vai trò các cơ quan của QH.

Vấn đề cơ cấu, tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH sẽ được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 18 - NQ/TW. Nhưng sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành cũng phải chú ý đến thực tế tổ chức các cơ quan của QH, các cơ quan của Chính phủ. Và sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Tổ chức QH không thể đi ngoài yêu cầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của những cơ quan đang đóng vai trò là trung tâm hoạt động của QH. 

Lê Bình