Tính lại cách hỗ trợ

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:09 - Chia sẻ

  

Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước. Điển hình là hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi phía Bắc - đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ước tính hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thiên tai đã làm hư hỏng hơn 118 nghìn hecta lúa và gần 35,8 nghìn hecta hoa màu. Riêng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại gần 90 nghìn hecta lúa và 22,5 nghìn hecta hoa màu, tổng giá trị thiệt hại lên tới 3,6 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam được các chuyên gia môi trường xếp vào nhóm các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Thực tế những đợt hạn hán và bão lũ nhiều năm qua đã minh chứng điều này. Tuy vậy những thể chế hỗ trợ người dân phục hồi đời sống sau thiên tai vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Đơn cử, theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ, mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, quá thấp so với giá trị thực tế, đặc biệt với cây trồng. Một hecta cây cam bị thiệt hại trên 70% chỉ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng, trong khi giá trị một hecta cam đang có quả lên tới vài trăm triệu đồng. Tương tự như vậy, nhiều cây trồng khác chỉ được hưởng mức hỗ trợ rất thấp theo Nghị định 02. Đối với cây lâm nghiệp, Nghị định 02 cũng chưa rõ quy định cây bao nhiêu tuổi sẽ được hỗ trợ.

Đặc biệt, trên nghị trường Quốc hội Kỳ họp thứ Chín vừa qua, một số đại biểu phản ánh quy trình hỗ trợ thiệt hại còn quá nặng nề về giấy tờ. Nhiều thủ tục rườm rà gây phiền hà cho người dân, dẫn đến thời gian thực hiện hỗ trợ chưa kịp thời. Những giải pháp nâng cao khả năng chia sẻ khó khăn trong cộng đồng cũng mới chỉ dừng lại ở tính chất nhất thời của các đợt cứu trợ.

Để giúp người dân kịp thời khôi phục sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai, trước mắt, Chính phủ cần sớm xem xét tăng mức hỗ trợ trong Nghị định 02, đồng thời đơn giản trình tự thủ tục để người dân nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Một việc cần thiết khác là nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất do thiên tai gây ra như là sạt lở, bồi lấp, không có khả năng phục hồi. Cùng với đó, Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, để sửa chữa các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi xung yếu có nguy cơ sạt lở; đồng thời sớm bố trí vốn cho các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra cho người dân.

Muốn sống chung được với biến đổi khí hậu - hiển hiện trước mắt chúng ta bằng những trận bão dữ dội, khó tiên đoán hơn; những cơn mưa lớn hơn, dai dẳng hơn; những đợt nắng nóng khốc liệt hơn... - thì cần làm nhiều hơn những việc kể trên! Nhìn ra thế giới, Chính phủ nhiều nước đang phát triển, thậm chí các nước nghèo đã ứng dụng hiệu quả mô hình an sinh hỗ trợ thiệt hại do biến đổi khí hậu. Ví dụ, vùng Caribe đã xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai, bảo hiểm gián đoạn dịch vụ sau thiên tai; Ấn Độ xây dựng đạo luật quốc gia bảo đảm việc làm cho nông thôn; Mông Cổ có chế độ chia sẻ rủi ro biến đổi khí hậu bằng bảo hiểm chăn nuôi... Trong khi đó, bảo hiểm thiên tai cho đến nay vẫn là khái niệm mới mẻ với người dân nước ta.

Như bước đi của các nước, cung cấp mạng lưới an sinh cho cư dân vùng dễ bị tổn thương để giúp họ tránh tình trạng suy sụp kinh tế sau thiên tai là vấn đề cần được nhận thức và thực hiện sớm ở nước ta. Sống chung với biến đổi khí hậu có nghĩa là phải xây dựng được một chiến lược quản lý rủi ro lâu dài và một khả năng giúp dân có điều kiện để tái thiết cuộc sống sau những tai họa mà thiên nhiên bất định mang lại.  

Hà Lan