Tính lại câu chuyện quản lý các lưu vực sông

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:53 - Chia sẻ
Ngay sau khi sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung xảy ra năm 2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra diện rộng các cơ sở có nguồn thải ra lưu vực sông từ 200m3/ngày đêm trở lên. Cuối năm 2016, Tổ giám sát môi trường đặc biệt đối với các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Hậu Giang), Bauxite Tây Nguyên, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên)... cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. 

Những động thái quyết liệt như vậy, dù muộn, nhưng đã góp phần quan trọng cơ bản kiểm soát được các sự cố liên quan đến xả thải vượt quy chuẩn cho phép kể từ năm 2017 đến nay. Dù vậy, tình trạng ô nhiễm các dòng sông vẫn diễn ra với mức độ ngày càng gia tăng. “Mục tiêu bảo vệ chất lượng nguồn nước, cả về số lượng và chất lượng, vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra ở nhiều đoạn sông, cả nội tỉnh và liên tỉnh, có lúc có nơi tiếp tục trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận”, Chính phủ thừa nhận trong Báo cáo rà soát tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng sông lớn gửi đến Quốc hội gần đây. 

Cũng theo Báo cáo kể trên, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến ô nhiễm các dòng sông là bởi khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường và các dòng sông. Chỉ tính riêng nước thải sinh hoạt của các đô thị loại 4 trở lên, theo thống kê của Tổng cục Môi trường hiện phát sinh khoảng 7.680.000 m3/ngày đêm nhưng mới chỉ có 43/50 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành với công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý trung bình toàn quốc mới chỉ đạt khoảng 12,5% theo công suất thiết kế, gần 90% lượng nước thải còn lại, tương đương với gần 7 triệu mét khối/ngày đêm chưa được thu gom, xử lý mà vẫn thải trực tiếp ra môi trường và các lưu vực sông.

Một nguồn gây ô nhiễm khác là nước thải từ các làng nghề. Mặc dù cả nước hiện có tới 5.490 làng nghề nhưng đến nay, Chính phủ cho biết, vẫn chưa có số liệu thống kê về lượng nước thải phát sinh và hiện trạng thu gom, xử lý nước thải làng nghề trên toàn quốc. Ghi nhận thực tế qua các đợt kiểm tra thì rất ít làng nghề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. Ngay tại Hà Nội, theo số liệu thống kê gần đây cũng mới chỉ có khoảng 8,8% lượng nước thải làng nghề được thu gom, xử lý, gần 90% còn lại vẫn xả thẳng ra các lưu vực sông.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các cụm công nghiệp khi cả nước có gần 700 cụm đang hoạt động nhưng có tới hơn 80% trong số này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cao vẫn có xu hướng đầu tư vào các địa bàn thuộc lưu vực sông như luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện...

Thực tế này cũng cho thấy những thách thức gay gắt trong việc bảo vệ các dòng sông, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ cuộc sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội bởi nó đòi hỏi sự phối hợp hành động, cộng đồng trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, của cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng đây cũng lại là yếu tố đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo quy định hiện nay, trách nhiệm chính đối với nguồn nước đang được giao cho 4 bộ. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm nước, ban hành quy chuẩn quốc gia về môi trường, thường trực hội đồng quốc gia tài nguyên nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thủy lợi, hạ tầng thủy lợi, lũ lụt, cấp nước nông thôn, ứng phó thiên tai và sạt lở bờ sông, bờ biển, đê điều. Bộ Công thương quản lý thủy điện và nước cho công nghiệp. Bộ Xây dựng quản lý cấp nước đô thị, khu công nghiệp, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung. Ngoài ra, còn có Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm liên quan do quản lý về giao thông thủy nội địa; Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến công nghệ; Bộ Y tế liên quan đến chất lượng nước cấp và nước thải y tế; Bộ Tài chính liên quan đến phí, thuế môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến các dự án đầu tư. Chưa kể, trách nhiệm về tài nguyên nước và dịch vụ còn được phân cấp cho chính quyền các địa phương...

Dù đã phân công, phân nhiệm như vậy nhưng Chính phủ thừa nhận, tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ và những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp vẫn đang tồn tại; tính thống nhất trong vai trò, trách nhiệm và phân cấp quản lý về tài nguyên nước chưa thực sự hiệu quả... Vì thế, để giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước, bảo vệ các dòng sông, nhất là các dòng sông lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta như các sông Hồng - Thái Bình (trong đó có sông Cầu và sông Nhuệ - Đáy), sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Đồng Nai và sông Mê Kông... có lẽ, phải tính lại câu chuyện về quản lý nhà nước, về thống nhất đầu mối quản lý các lưu vực sông, kiểm soát các nguồn ô nhiễm có tác động đến môi trường nước lưu vực sông, từ đó, có các giải pháp tổng thể và hành động thống nhất chứ không thể cứ mỗi bộ "quản" một "khúc" như hiện nay. 

Hải Lam