Tọa đàm “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn”

- Thứ Hai, 22/06/2020, 11:02 - Chia sẻ
Nước sạch có vai trò quan trọng đối với đời sống, sức khỏe con người và an ninh quốc gia. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-TTg về Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90% - 95%; đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95% - 100%.

Chương trình trên được triển khai thực hiện tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước từ năm 2016 đến năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người thấp hơn chỉ tiêu, chất lượng nguồn nước nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm đang đặt ra rất nhiều thách thức cho việc bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Với chủ đề “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn”, chương trình Tọa đàm trực tuyến do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam và dự án Các Hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khoẻ Môi trường; Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển, Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ tổ chức nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến ĐBQH, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về đánh giá kết quả việc bảo đảm cung cấp nước an toàn trong năm 2019 so với mốc kế hoạch Chương trình Quốc gia năm 2020 đến năm 2025; những vấn đề còn vướng mắc, đề xuất các ý kiến bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn; từ đó kiến nghị các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau;

- PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ Hà tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng;

- Ông Nguyễn Trung Chiến, Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung tọa đàm tại đây:

Toàn cảnh Tọa đàm

Ảnh: Duy Thông

Bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng, nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là khu vực nông thôn. Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90% - 95%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80% - 85%; giảm thiểu 20% bệnh tiêu chảy liên quan tới nước ăn uống; 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh.

- Thưa ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, người dân gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống, sản xuất. Đây là vấn đề lớn vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài. Vậy ông có thể chia sẻ những bước giải quyết ở Cà Mau hiện nay đạt đến đâu?

Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Ông Nguyễn Quốc Hận: Cà Mau là một trong những tỉnh cực Nam của Tổ quốc, là một bán đảo có cao trình trung bình thấp so với mặt nước biển, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, dự báo là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu cũng như nước biển dâng. Thời gian qua, do tình hình xâm ngập  mặn ngày càng sâu vào đất liền nên diện tích nước ngọt của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, làm cho tình hình, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.

Ý thức được vấn đề này, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 về Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, trong hệ thống chỉ tiêu chủ yếu, có chỉ tiêu về cung cấp nước sạch. Cho đến cuối năm 2019, cơ bản tỉnh đạt kế hoạch chương trình theo Quyết định 1566 của Thủ tướng chính phủ, và Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh đã đề ra: Thành thị đạt 95% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, khu vực nông thôn đạt 92% người dân được sử dụng nước sạch. Đây là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn trên 18.000 hộ chưa có nước sạch để sinh hoạt, trong đó có 14 điểm và 1 đảo không có điểm để khoan nước, nên người dân chủ yếu phải mang nước từ nơi khác đến với giá mua cao. Tỉnh cũng đã và đang huy động mọi nguồn lực, trong đó có từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân hàng thế giới, các tổ chức phi chính phủ, các chương trình xã hội hóa… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là về vốn. Mặt nước ngọt, hệ thống kênh rạch thu hẹp dần nên chủ yếu khai thác từ hệ thống nước ngầm, và thời gian qua việc sử dụng hệ thống nước ngầm cũng gây hệ lụy là sụt lún đất. Đây là điều  trăn trở đối với Cà Mau. Thời gian tới, hy vọng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các tổ chức, Cà Mau sẽ khắc phục được sớm các giải pháp về nước sạch.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Vậy theo ông, các nguồn lực các chương trình hỗ trợ có thể đáp ứng được bao nhiêu để chúng ta khắc phục vấn đề này. Và nguồn lực cần phải huy động khoảng bao nhiêu để có thể thúc đẩy trực tiếp việc đưa nước sạch về với người dân?

Ông Nguyễn Quốc Hận: Nguồn vốn của Nhà nước mặc dù rất khó khăn, tuy nhiên những năm qua, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân ở Cà Mau chủ yếu nguồn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bỏ ra, các nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, cụ thể trên 80% đầu tư hệ thống giếng được đấu nối; còn các nguồn khác từ ngân hàng thế giới, các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt có nguồn đối ứng của nhân dân (đóng góp sức người sức của) để khắc phục. Tuy vậy nguồn lực của Nhà nước vẫn là chủ yếu. Thực sự để khai thác các giếng nước ngầm bảo đảm sạch, bảo đảm vệ sinh thì phải có sự vào cuộc của Nhà nước, còn người dân chủ yếu là nhỏ lẻ thôi, chủ yếu lấy từ nước ngầm, khoan lên có khi dùng trực tiếp, chưa bảo đảm vệ sinh. 

- Thưa ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thực hiện pháp luật liên quan đến bảo đảm chất lượng nước sạch hiện nay đang có vướng mắc giữa quy định chặt chẽ và khả năng đáp ứng thực tế. Vậy ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Lâm Thành: Nước có vai trò rất quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống của xã hội. Việc cấp nước cho người dân trong sản xuất và đặc biệt phục vụ sinh hoạt đã được nhà nước quan tâm, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như người dân. Nhìn bức tranh cấp nước hiện nay trên tổng thế quốc gia đã được cải thiện rất nhiều so với 20 năm trước. Cụ thể, mạng lưới cấp nước tốt hơn, chất lượng nước cung cấp cũng tốt hơn, đặc biệt những vùng đô thị hay một số vùng nông thôn phát triển. 

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Ảnh: Duy Thông 

Mặc dù vậy, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau mà việc bảo đảm cấp nước an toàn vẫn chưa được như mong muốn. Chúng ta đưa ra nhiều chỉ số về yêu cầu chất lượng nước đảm bảo cho người dân, vì nó liên quan đến vấn đề sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các chỉ tiêu đưa ra như vậy nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài những vùng đô thị hay những vùng nông thôn có nguồn nước tốt, chất lượng nước, chỉ số sạch đảm bảo. Còn lại những vùng khác còn xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn nước như vùng núi đá (Hà Giang), vùng cao (Cao Bằng), kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngay cả như khu vực Tây Nguyên trước kia nguồn nước tốt nhưng hiện nay tầng nước ngầm bị khan hiếm. Nguồn nước là điều đầu tiên ảnh hưởng chất lượng nước, không có nguồn nước dồi dào thì việc xử lý nước và cung cấp nước sạch cũng bị hạn chế. 

Chất lượng các công trình cấp nước cũng chỉ tương đối tốt ở một số vùng, còn lại nhiều vùng nông thôn dùng nước ngầm, nước giếng khoan hay các vùng miền núi sử dụng các công trình nước tự chảy thì chất lượng nước thấp. Qua quá trình giám sát, công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng công trình nước không được duy trì tốt, đặc biệt cơ chế bảo vệ cộng đồng từ người dân cũng ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nước và chất lượng nước, việc xả thải còn nhiều. Đối với các vùng đồng bằng hay khu đô thị có khu công nghiệp, tình trạng xả thải, xả chất độc hại ra môi trường rất nguy cấp, đáng báo động. Một số hệ thống sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… ô nhiễm rất cao. 

Chúng ta đang trong tiến trình cải thiện nguồn nước, rất nhiều nơi thiếu nước hiện nay bắt đầu đã có nước để dùng, từ chỗ có nước để dùng rồi mới bắt đầu có nước hợp vệ sinh, nước sinh hoạt. Nước bảo đảm sạch theo tiêu chuẩn y tế, nước an toàn, đây là một tiến trình phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội mà có thể trong việc xây dựng công trình mới, phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Chúng ta đã dần đưa các hệ thống tiêu chuẩn này vào. Công tác bảo vệ nguồn nước rất quan trọng. Vừa rồi Bộ Chính trị đã ra chỉ thị liên quan đến chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, liên quan đến vấn đề an toàn nguồn nước cho người dân. Từ đó tiếp tục ban hành hệ thống quy chuẩn, tăng cường nhận thức của người dân, đó là những vấn đề trong thực tiễn cần xem xét.

- Thưa ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, qua gần 10 năm thực hiện Thông tư 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn, và 4 năm thực hiện Quyết định 1566/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 09/8/2016, về việc Phê duyệt Chương trình Quốc gia Đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025, ông có thể cho biết thực trạng về việc triển khai của các tỉnh trong cả nước về Kế hoạch cấp nước an toàn, và những vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai đặc biệt là tại các khu vực nông thôn?

Ông Nguyễn Hồng Tiến: Khái niệm về cấp nước an toàn đưa vào Việt Nam từ những năm 2005-2006 thông qua tổ chức y tế thế giới và Bộ xây dựng làm rõ về cấp nước an toàn. Cấp nước an toàn là đã được quy định trong Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 16 liên quan đến quy chế cấp nước an toàn. Trong năm 2012, Bộ Xây dựng ban hành Thông thư 08/2012 thay thế thông tư 16 hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện việc cấp nước an toàn. Thêm một bước nữa, năm 2016 chúng ta đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành về chương trình về đảm bảo cấp nước an toàn. Tổ chức y tế thế giới sau một thời gian giám sát, kiểm tra việc thực hiện cấp nước an toàn thì đánh giá Việt Nam là một nước trong những nước đi đầu trong việc thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn. 

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ Hà tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng

Ảnh: Duy Thông 

Trong thời gian 10 năm vừa qua, một trong những điểm thành công nhất là chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo về cấp nước cấp tỉnh. Hiện nay chúng ta đã có ban chỉ đạo về chống thất thoát, thất thoát về cấp nước an toàn. Có 49/63 địa phương đã thành lập và ban hành quy chế của Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh và 43/63 địa phương chỉ đạo phê duyệt cấp nước an toàn cùng với lộ trình triển khai thực hiện. 

Chúng tôi cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn ở các tỉnh với nòng cốt là Bộ Xây dựng và Trung tâm Y tế dự phòng của Sở Y tế. Hai cơ quan này cùng với Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường làm nòng cốt. Hiện nay, trên cả nước về lĩnh vực cấp nước đô thị có khoảng trên 30% là các doanh nghiệp đã lập và thử nghiệp cấp nước an toàn. Cấp nước đô thị có hơn 100 doanh nghiệp thì chúng ta đã có trên 30% triển khai kế hoạch cấp nước an toàn. Chúng tôi cho rằng, khi các đơn vị đã thành lập kế hoạch cấp nước an toàn thì qua đó ông tác kiểm soát tốt hơn, giảm thiểu rủi ro. Việc tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm hoặc xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố hay xây dựng các giải pháp hạn chế rủi ro … đã đem đến hiệu quả cao hơn.

Các đơn vị như Công ty cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần nước Bình Dương, Công ty CP nước Phú Thọ... và một vài đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có một bước tiến rất dài. Qua đó, cho thấy rất nhiều đô thị đã làm việc tốt về cấp nước an toàn. Tuy vậy, nhiều địa phương dù có ban cấp nước an toàn nhưng cơ chế hoạt động, tổ chức triển khai hoạt động còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương có ban chỉ đạo nhưng chỉ là hình thức, không hoạt động. 

Tỷ lệ các đơn vị cấp nước ban hành kế hoạch cấp nước an toàn vẫn còn ít. Cấp nước an toàn và chống thất thoát là cái sống còn của đơn vị. Nhưng một số doanh nghiệp chưa chú trọng về vấn đề này. Hiện nay, 90- 95% các doanh nghiệp đang cổ phần hóa. Trong khi đó, những cổ đông trong công ty là những người không hoạt động trong ngành nước nên quan tâm đến lợi nhuận.

- Thưa ông Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn vai trò của nước sạch đối với sức khỏe người dân và vấn đề an ninh nguồn nước khu vực nông thôn? Và Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam có những hoạt động gì cấp nước an toàn khu vực nông thôn, tính bền vững và ý nghĩa của nó đối với phát triển nông thôn mới?

Ông Nguyễn Trung Chiến: Phải khẳng định rằng, nước là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, từ huyết áp cho đến điều chỉnh thân nhiệt của chúng ta. Theo như báo cáo của Bộ Y tế hiện có khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm có liên quan tới vấn đề về nước và vệ sinh môi trường; có 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy mỗi năm. Do đó nước ảnh hưởng tất cả các bệnh liên quan, từ bệnh lây nhiễm, đến bệnh không lây nhiễm. 

Ông Nguyễn Trung Chiến, Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam

Ảnh: Duy Thông 

Tôi rất đau lòng khi chúng tôi điều tra và lấy mẫu cùng kết hợp với chuyên gia Nhật để phân tích một số trường hợp tử vong ở Hòa Bình năm 2006, nguyên nhân là do nhiễm độc thủy ngân gây ra. Bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước. 

Hôm qua có hội nghị an ninh nguồn nước tại tỉnh Lào Cai, chúng tôi đánh giá rất cao về vấn đề này vì an ninh nguồn nước là hưng thịnh của một quốc gia. Nhưng thực tế, an ninh nguồn nước của chúng ta hiện nay đã, đang và sẽ là vấn đề được báo động nghiêm trọng. Bởi áp lực dân số cũng như phát triển kinh tế ngày càng đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều. Và 80% nước thải tại đô thị chỉ mới xử lý khoảng từ 10 - 11%, còn ở nông thôn thì gần như là không xử lý, xả thẳng ra bên ngoài. 

Một vấn đề về an ninh nữa mà chúng ta đang còn nhiều lỗ hổng đấy là vấn đề kiểm soát, giám sát nguồn nước. Tuy chúng ta có làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn hoặc là áp dụng công nghệ còn kém. Trách nhiệm chính quyền cũng như ý thức của người dân về nhận thức chưa cao, dẫn tới tình trạng bảo vệ nguồn nước kém. 

Trong những năm vừa qua, Liên minh nước đã phối hợp cùng nhau huy động, cũng như vận động về chính sách và nguồn lực của địa phương để tăng cường chính sách nước sạch cho người dân. Hiện đã triển khai trên 2 địa bàn là Thanh Hóa và Hà Nam. 

Nước sạch nông thôn - Tại sao vẫn khát?

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Bên cạnh kết quả đạt được trong việc cấp nước sạch cho vùng nông thôn, vẫn còn rất nhiều vùng người dân vẫn khát nước sạch. Ví dụ ngay ở thủ đô Hà Nội, thiếu nước sạch hiện không chỉ là nỗi lo của người dân nội thành mà tình trạng này cũng đang làm cuộc sống của hàng vạn người dân ngoại thành Hà Nội lao đao. Câu chuyện người dân thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội thiếu nước sạch phải sử dụng nguồn nước giếng khoan hoặc mua từ nơi khác, trong khi đó, nhiều trạm cấp nước bỏ hoang… Hay, do diễn biến thời tiết rất bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt nông thôn; đa số các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt v.v… Đấy là một trong rất nhiều câu chuyện về thực trạng khát nước sạch vùng nông thôn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, từ góc nhìn lập pháp và giám sát, ông đánh giá như thế nào về vướng mắc trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến bảo đảm chất lượng nước sạch hiện nay và những khó khăn trong việc thực hiện các quy định này trong cuộc sống?

Ông Nguyễn Lâm Thành: Bên cạnh những điểm đạt được, ở nhiều nơi đặc biệt là vùng nông thôn, nhu cầu về nước sinh hoạt, nước sạch vẫn bị thiếu hụt cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm. Chất lượng nguồn nước cũng chưa đảm bảo do chưa có công trình đầy đủ. Ở đô thị dân cư tập trung, mức sống cao hơn nên khả năng xây dựng công trình nước tập trung cũng như khả năng chi trả cũng tốt hơn. Trong khi nông thôn dân cư phân tán nên xây dựng được công trình nước hợp bảo đảm vệ sinh cũng rất khó khăn. 

Ảnh: Duy Thông

Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng theo sơ bộ đánh giá có rất nhiều công trình nước sạch ở vùng núi, một số tỉnh ở tình trạng bỏ hoang, nhiều tỉnh bỏ hoang đến 60%. Qua giám sát giảm nghèo, một trong những chỉ số liên quan đến tăng tỷ lệ nghèo ở các địa phương có tới 20-25% số hộ không đủ điều kiện cung cấp nước sạch. Đây là một vấn đề phải cải thiện. 

Về cơ chế tài chính, hiện nay chúng ta có xu hướng tăng phí và nguồn thu cho việc sử dụng nước, nhưng câu chuyện thu phí ở vùng nông thôn như thế nào và làm cách nào để nhà đầu tư tham gia vào quản lý. Vừa rồi Quốc hội thảo luận về Luật Đối tác công tư, có rất nhiều đại biểu đưa hệ danh mục công trình nước vào và đặc biệt là quy mô công trình đầu tư. Cụ thể, quy mô không chỉ 200 tỷ nữa, lúc đầu dự kiến quy mô của công trình PPP là 200 tỷ nhưng chúng tôi thấy rằng đối với công trình nước hay các công trình y tế giáo dục phù hợp với địa bàn vùng núi, vùng nông thôn thì 50 tỷ đã là nhiều. Chúng ta phải tăng cường nguồn lực trong khi khả năng đáp ứng ngân sách còn hạn chế. 

Công tác tuyên truyền, các nội dung trong chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, nước an toàn thời lượng rất ít. Hiện nay ở ngoài xã hội chỉ nói đến khái niệm nước hợp vệ sinh, còn khái niệm nước an toàn rất ít người dân tiếp cận. Vì vậy, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng đến sự thay đổi hành vi để cải thiện điều kiện, tiếp cận chỉ số phát triển liên quan đến nước.

Cùng với đó, phải xử lý vi phạm những vụ việc liên quan đến đổ thải nguồn nước, xử lý phải hết sức nghiêm khắc, xử lý hình sự. Tiến hành giám sát đơn vị cung cấp nước, cung cấp tiêu chuẩn nguồn nước. Tăng cường cấp nước an toàn – bảo đảm đủ, liên tục, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dân và chất lượng phải đảm bảo.

- Thưa ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo Thông tư 08/2012/TT-BXD tại các địa phương thuộc khu vực nông thôn trên cả nước còn rất chậm và hạn chế, xin ông cho biết nguyên nhân từ đâu? 

Ông Nguyễn Hồng Tiến: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn thuộc trách nhiệm chỉ đạo của các cấp chính quyền, chỉ đạo cho các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển thực hiện. Nhưng thời gian công tác chỉ đạo chưa thường xuyên nên công tác chỉ đạo còn nhiều vướng mắc. 

Thứ hai, nhận thức của chính quyền địa phương và các tổ chức cấp nước là đẩm bảo cấp nước an toàn thì trách nhiệm của chính quyền. Nhiều khi chính quyền đá trách nhiệm cho doanh nghiệp. 

Thứ ba, chất lượng nước ở nông thôn không đồng đều, các trạm xử lý nước lạc hậu, quy mô cấp nước nhỏ.

Thứ tư, về nguồn nước thì ngoài việc khai thác nước ngầm thì chúng ta đang phần lớn phụ thuộc vào các công trình thủy lợi nên mang tính chất thời vụ.  Đặc biệt là những tháng mùa khô việc cấp nước gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến đầu tư xây dựng, khu vực nông thôn là khu vực phân tán nên yêu cầu đầu tư cao, khả năng thu về thì nhỏ giọt nên việc thu hút đầu tư ở nông thôn còn khó khăn. Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn, giá nước thấp nên khả năng thu hồi vốn thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình cấp nước an toàn được đầu tư xây dựng nhưng quản lý vận hành không chuyên nghiệp, đầu tư không đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát, thất thu cao.

Giá nước cấp nước ở nông thôn thấp. Đó là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc cấp nước an toàn. Mặc dù, Thông tư 08/2012/TT-BXD đã quy định cấp nước an toàn không phân biệt cấp nước ở đô thị và cấp nước ở nông thôn. Tuy nhiên ở đô thị thì việc thực hiện dễ hơn. Việc không phân biệt cấp nước giữa đô thị và nông thôn được xem là một tiến bộ.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam: Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Người dân ở nhiều nơi tuy đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng, nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ thường xuyên. Ông đánh giá tình trạng này như thế nào? Theo ông, những nguyên nhân nào khiến người dân vẫn phải sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để dùng?

Ông Nguyễn Trung Chiến: Nguồn nước gồm có: nguồn nước để cấp nước và nguồn nước cho sinh hoạt. Nước nguồn của chúng ta gồm có ba loại chính, bao gồm: Một là, nguồn nước nước ao, hồ, sông, suối. Hai là, nguồn nước ngầm, nguồn nước dưới đất bao gồm: nước ngầm, nước ngọt nổi ở vùng ven biển. Ba là, nguồn nước không trung, chủ yếu là nước mưa và hơi nước. 

Ảnh: Duy Thông

Như chúng ta thấy, nông dân, nông thôn chủ yếu sử dụng các nguồn nước, kể cả nước mặt, kể cả nước giếng khoan và kể cả nước mưa. Quá trình chúng tôi đi thực tế, người dân vùng này chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước mưa và nước mặt, nguồn nước này vẫn chưa qua xử lý và không được giám sát. Các khu vực cấp nước ở những nơi khó khăn như miền núi hầu hết quy mô nhỏ lẻ, quy mô nhỏ lẻ này do cộng đồng quản lý, mà cộng đồng quản lý cấp nước cho người dân với mục đích dân sinh không phải cho kinh doanh. 

Vấn đề khó khăn là làm sao phải duy trì được tiền để giám sát được chất lượng nguồn nước. Hiện nay, chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát, chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm về quản lý, kiểm soát chất lượng nước. 

Hiện nay, với những quy mô nhỏ lẻ do cộng đồng quản lý thì chưa có văn bản pháp quy nào quy định về vấn đề này. Nghị định 117 thì chỉ quy định về các đơn vị cấp nước mặt mang tính kinh doanh và sản xuất nước, chưa có đánh giá đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hay không. 

Các địa phương cũng phản ánh, hầu như chưa có xét nghiệm nước bao giờ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, tiêu chảy, các bệnh ung thư. Trong khi cộng đồng quản lý thì chỉ mang tính kiêm nhiệm, chưa có một chính sách nào cho công việc này. Địa phương dù thấy được những bất cập này nhưng không quan tâm đến để làm sao kiểm soát chất lượng nguồn nước, cung cấp nước, an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cũng chưa có cơ chế để hỗ trợ thực hiện. 

Kiểm soát chất lượng nguồn nước thì chính quyền địa phương là quan trọng nhất. Chúng tôi cố gắng đưa ra chương trình kết hợp với nguồn lực của địa phương để giải quyết vấn đề này. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng hỗ trợ các đơn vị để xây dựng xây dựng Bộ chỉ số địa phương theo quy định của Thông tư 41 của Bộ Y tế. Giám sát chất lượng nguồn nước ở các vùng này thì chính quyền địa phương phải đề xuất và chúng tôi là người hỗ trợ.

Nhà nhà được tiếp cận nước an toàn

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy thực thi và giám sát thực hiện và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”.

- Thưa ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội: Có ý kiến cử tri cho rằng, không thể dừng ở tầm của một Nghị định về nước sạch. Để bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả thì cần phải có Luật để quy định rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu, trách nhiệm của công ty, cá nhân, chính quyền đến đâu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ảnh: Duy Thông

Ông Nguyễn Lâm Thành: Từ nhận thức đối với tầm quan trọng của nước, về lâu dài xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều đương nhiên. Quan điểm của riêng tôi về lâu dài cũng có thể xây dựng Luật nâng tầm Nghị định lên về vấn đề nước, bởi vì nó liên quan rất nhiều đến an ninh, an toàn nguồn nước. Khi xác định nước thực chất là một dịch vụ công của Nhà nước cung cấp người dân, thì cơ chế quản lý cũng sẽ khác. Công tác vận động tuyên truyền hay tiến hành xử phạt cũng cần phải có Luật để đầy đủ hơn, rõ ràng hơn trong phân vai trách nhiệm giữa xã hội, nhà nước và cả động đồng. Tuy nhiên việc này nằm ở khâu tổ chức thực hiện. 

Liên quan đến hệ thống lập pháp thì trước tiên trong đề xuất ở đây thì cần thiết việc sửa đổi Nghị định 117, bởi đến nay đã 13 năm thì Nghị định này đã quá lâu và lạc hậu. Từ 2007 mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân, đến 2016 là cung cấp nước an toàn, thay đổi hẳn về cách tiếp cận, khái niệm cũng như yêu cầu. Trong khi đó hệ thống pháp luật vẫn như cũ, cho nên việc trước tiên phải sửa Nghị định 117. 

Ngoài ra bám sát những nội dung, yêu cầu, quy định của pháp luật, những định hướng trong Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ để cụ thể hóa thêm hành lang pháp lý. Hoàn thiện dần hệ thống pháp luật và nâng lên thành Luật để giải quyết căn cơ, chặt chẽ và đúng tiêu chí trong đời sống xã hội, và đặc biệt trong xu hướng xã hội phát triển hiện đại thì nước là một nhu cầu tất yếu và quan trọng.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam: Theo ông, chính quyền cơ sở gần dân, sát nhu cầu dân sẽ có vai trò như thế nào trong việc đảm bảo cấp nước sạch cho người dân? Ông có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì cho việc bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn để chung tay không chỉ là khẩu hiệu?

- Ông Nguyễn Trung Chiến: Chúng ta thấy rằng, đối với địa phương ở các vùng nông thôn, vai trò tuyên truyền, vận động người dân rất quan trọng. Nếu như người dân mà thiếu nhận thức thì về vấn đề xả thải, khai thác nước sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Do đó, cần xây dựng được một kế hoạch mang tính chất của từng địa phương và trên cơ sở kế hoạch đó đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân địa phương của mình. Và vận động để làm sao có được ngân sách thực hiện vấn đề này. Tôi cho rằng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời ứng dụng các giải pháp cũng như huy động các nguồn lực của các nơi để có thể đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Long

Những hộ dân được sử dụng nguồn nước sách từ dự án hầu hết là những hộ dân hết sức khó khăn, vì vậy chính quyền phải có giải pháp hỗ trợ giá để người dân có thể tiếp tục sử dụng nước sạch, phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

Người dân không mặn mà vì giá nước, giá điện rất cao, giá cho các chi phí liên quan cũng rất cao. Đặc biệt là có sự thất thoát, một số nơi thất thoát đến 50-60% do người dân. Trong khi đối tượng quản lý nhà máy nước không có chuyên môn, trình độ thấp. Tôi đề nghị chính quyền các cấp nghiên cứu giá điện, giá nước hợp lý cho người dân. Hàng năm, đề nghị ban quản lý giá, cấp kinh phí cho các tỉnh, địa phương hoạt động các nhà máy nước liên tục.

- Thưa ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, để đảm bảo tiến độ xây dựng và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn cho các đơn vị cấp nước trên cả nước ông có đề xuất giải pháp nào để việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng cấp nước an toàn?

Ông Nguyễn Hồng Tiến: Về vĩ mô chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về các quy định pháp luật về cấp nước an toàn. Như nhiều nước trên thế giới, họ xây dựng hẳn Luật Cấp nước. Chúng tôi thống kê được 20 nước đã xây dựng luật này. Trong luật cấp nước nói về sự ràng buộc, trách nhiệm cấp nước để bảo đảm cấp nước an toàn. Trong đó, phải quản lý rủi ro, quản lý về tài chính, quản lý đầu tư.  

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ Hà tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng

Ảnh: Duy Thông 

Cụ thể, thể hiện vai trò của nhà nước, vai trò của doanh nghiệp, vai trò của người dân. Chúng tôi mong muốn nên xây dựng thành luật. Hiện nay chúng ta mới chỉ ở dạng Nghị định, Thông tư và bị các luật khác chi phối nên hiệu lực không cao. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải có cơ chế đánh giá, giám sát cấp nước an toàn. Hiện cơ chế, chính sách ban hành tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cấp nước an toàn.

Ảnh: Duy Thông

BTV: Thưa quý vị và các bạn!

Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ1566/QĐ-TTg nhằm tạo cơ chế chính sách, môi trường pháp lý để các cấp, các ngành và toàn xã hội triển khai thực hiện và chung tay bảo vệ, giữ gìn nguồn nước sạch của quốc gia.

 Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm đã làm rõ một số những giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn cho nông thôn - Nhìn từ Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách về vấn đề nước sạch nông thôn với thông điệp: “Không để ai phía sau với tiếp cận nước sạch an toàn”. 

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn! 

ĐBND