Tọa đàm về chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã

- Thứ Ba, 30/06/2020, 12:35 - Chia sẻ
Sáng 30.6, Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm về chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực châu Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam lần thứ 2.

Dự và chủ trì có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản và Giám đốc tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam James Compton

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận những kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc, Australia... về công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã; tầm quan trọng trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông điệp, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về việc không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã có nguy cấp; đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông trong xã hội.

Về công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã ở Việt Nam, Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Đình Toản cho biết: “ Việc bảo vệ động vật hoang dã đã có những tiến bộ và được quan tâm hơn. Gần đây nhất, ngày 28.1.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/TC-TTg về phòng, chống dịch Covid - 19, trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch bệnh”. Từ đó, hướng tới việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Bà Christine Gandomi, Phó Giám đốc phòng Môi trường và Phát triển Xã hội USAID

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã và phương thức tuyên truyền hiệu quả. Theo đó, việc định hướng chiến lược tuyên truyền mang tính quốc gia và tập trung vào đối tượng người sử dụng. Các hoạt động truyền thông được coi là phương thức góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, giảm thiểu và hướng tới chấm dứt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Tuy nhiên, một số đại biểu nhấn mạnh rằng, nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn đa dạng sinh học đã được nâng lên nhưng chưa đầy đủ. Một số bộ phận người dân vẫn có nhu cầu cao, trình độ hiểu biết về pháp luật thấp và vì lợi ích trước mắt dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng hoặc tiếp tay cho hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã để kiếm lời. Nhận thức của các cấp, các ngành cũng đã nâng lên nhưng chưa đủ và thiếu sự quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách toàn diện.

Một số ý kiến đề nghị cần chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về động vật hoang dã. Lập hồ sơ tuyến, địa bàn trọng điểm, lên danh sách các đối tượng nghi vấn để quản lý nghiệp vụ. Đối với các vụ việc đã bị phát hiện cần tập trung làm rõ đường dây mua bán, vận chuyển, đấu tranh với các đối tượng cầm đầu. Thêm vào đó, cần thực hiện các chiến dịch truyền thông truyền thống và mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… nhằm tuyên truyền giảm nhu cầu tiêu thụ, nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền đối với mọi người dân để nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, trách nhiệm trong bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã. Xóa bỏ các thói quen, tập tục săn bắn, bẫy thú tự nhiên cũng như tiêu thụ thịt và sản phẩm của động vật hoang dã. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tố giác tội phạm về động vật hoang dã.

Hồ Long