TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:20 - Chia sẻ
Là thành phố lớn, với vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của TP Hồ Chí Minh đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng, gây “gánh nặng” cho môi trường và sức khỏe của con người.

Cộng đồng chung tay giảm chất thải nhựa

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam rất cao, chiếm khoảng 8% - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng 30 tỷ túi. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại được thải bỏ sau khi sử dụng một lần. Nếu tính chỉ số rác thải nhựa trên đầu người, đến nay là trên 40kg/người/năm.

Các doanh nghiệp đang chuyển dần sang sử dụng hộp giấy và túi thân thiện môi trường
Nguồn: ITN

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, cụ thể. Đến nay, sự nỗ lực của thành phố đã và đang đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, 100% số siêu thị tổng hợp chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện môi trường. Các thương nhân cũng dần hình thành thói quen và đang từng bước chuyển đổi sang sử dụng túi thân thiện môi trường để đựng hàng hóa cho khách hàng tại các trung tâm thương mại.

So với năm 2015, tại các chợ, sản lượng tiêu thụ túi nilon thân thiện môi trường được tiểu thương sử dụng đã tăng lên đáng kể. Trong đó, loại hình siêu thị sử dụng túi thân thiện môi trường ước khoảng 15.231 tấn. Tại các trung tâm thương mại sử dụng túi thân thiện môi trường để đựng hàng hóa cho khách hàng ước khoảng 2.400 tấn; tại các chợ, sản lượng túi thân thiện môi trường được tiểu thương sử dụng tăng đáng kể, khoảng 113 tấn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ đóng góp vào các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã chung tay giảm rác thải nhựa nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Tổng giám đốc Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam Hemant Rupani cho biết, công ty thường xuyên tổ chức Ngày hội xanh cho học sinh khắp cả nước với chủ đề “Tái chế rác thải nhựa” và thu gom rác thải nhựa. Thông qua hoạt động Ngày hội xanh, đã giúp học sinh hiểu hơn về nguyên nhân - thực trạng và hậu quả về ô nhiễm môi trường. Công ty cũng đề ra các mục tiêu phát triển bền vững 2025, trong đó, có giảm thiểu tác động môi trường thông qua cam kết sử dụng tất cả bao bì có khả năng tái sử dụng vào năm 2025.

Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam Binu Jacob cũng chia sẻ, Nestlé Việt Nam luôn gắn các hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Thông qua sự hợp tác cởi mở với cộng đồng các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, cơ quan chính phủ, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen và ứng xử với rác thải nhựa. Nestlé Việt Nam cũng đang thực hiện chuỗi hành động cụ thể để hiện thực hóa cam kết cho đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được, với tầm nhìn vì một tương lai không rác thải.

Thực hiện quản lý quyết liệt, đồng bộ

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, để hoàn thành được mục tiêu, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen của nhân dân; kêu gọi các tổ chức, cá nhân hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích đẩy mạnh tái chế rác thải nhựa.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quản lý chất thải nhựa phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng toàn xã hội. Đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hàng ngày, hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi thói quen khi đi chợ, nên dùng túi sử dụng nhiều lần. Về chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nilon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là các chợ truyền thống.

Ngoài ra, cần tổ chức triển khai có hiệu quả và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thu hút sự tham gia hiệu quả của cộng đồng các doanh nghiệp. Mặt khác, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận vốn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.

Lê Chi