Lực lượng Công an Nhân dân trong đổi mới, sắp xếp bộ máy:

Trách nhiệm chính trị của “người được trao ấn tiên phong”

- Thứ Hai, 06/07/2020, 06:19 - Chia sẻ

Từ khi thành lập, gần 75 năm qua, Bộ Công an trải qua 5 lần cải cách, sửa đổi mô hình tổ chức và cơ chế vận hành bộ máy. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở tính chất điều chỉnh hoặc mở rộng hoặc thu hẹp các đầu mối tổ chức: Tổng cục, các đơn vị vụ, cục...

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm                                                                                                                                                                          Ảnh: Trí Dũng

Kế thừa chọn lọc ưu điểm và nghiền ngẫm những khiếm khuyết của tổ chức bộ máy từ đó đến nay, thực thi Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017, của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương  Đảng Khóa XII, Đảng ủy Công an Trung ương chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án số 106 và tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị Khóa XII ra Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15.3.2018, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Và, Bộ Công an vinh dự được Bộ Chính trị, Chính phủ “trao ấn tiên phong” trên phương diện mới mẻ, khó khăn và đầy thử thách, ở lần thứ 6 này. Từ thực tiễn của Bộ Công an trên phương diện này, nổi bật tập trung ở 4 loại vấn đề lớn, với tối thiểu với 10 câu hỏi.  

Ảnh: Trí Dũng

Toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, bước đi cụ thể

Thứ nhất, về đổi mới tư duy và tầm viễn kiến. Nhớ bản Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Công an toàn quốc năm 1950, trong đó Người dặn: “Cách tổ chức Công an phải đơn giản, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mạng. Phải hoan nghênh Nhân dân phê bình Công an, để đi đến hiểu Công an, yêu Công an và giúp đỡ Công an”.

Điều 67, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25.10.2013, của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI chỉ rõ: Xây dựng Quân đội Nhân dân và Công ân Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng đó chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ công việc chuẩn bị.

Thực tiễn tới nay càng chứng tỏ, nếu không bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhất là tư duy hệ thống và mở rộng tầm nhìn xa, quyết sách phù hợp thì nguy cơ sẽ hoặc giẫm lại con đường mòn cũ hoặc sẽ rơi vào sự ngắn hạn, thậm chí chuệch choạc, mất phương hướng trên lộ trình cải cách. Trước yêu cầu phát triển mới, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi, song mô hình tổ chức quyền lực theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nhất định phải được cải cách, chỉnh đốn tương dung.

Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy gắn chặt với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an Nhân dân, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy; kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương với cơ cấu, số lượng hợp lý; thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các mặt công tác công an.

Tất cả nhằm định vị chiến lược và kiến tạo sức mạnh lực lượng Công an Nhân dân tương xứng trong bộ máy tổng thể quốc gia. Phải chăng, đó là những vấn đề cốt lõi của đổi mới tư duy, mở tầm viễn kiến về quan điểm, mục tiêu, hệ thống, cơ chế vận hành, những điều kiện cần và đủ… trong cuộc cải cách tổ chức và bộ máy lần thứ 6 này? Và, phải chăng, với tư cách “cánh tay” của Nhân dân, của Đảng và Chính phủ, là thanh bảo kiếm của Đảng bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ, là ngành đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự xã hội thì dứt khoát cần phải kiến tạo một mô hình quyền lực mạnh như vậy bảo đảm tương dung với vị thế, chức năng và nhiệm vụ? Tới đây, tôi nhớ V. I. Lê-nin từng nói: Hãy cho tôi một tổ chức những người cộng sản, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga.                  

Thứ hai, về lộ trình, phương pháp và bước đi. Với định hướng mang tính lịch sử chỉ đạo lực lượng đổi mới tổ chức và bộ máy tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và tinh giản biên chế, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ và toàn bộ lực lượng chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, bước đi cụ thể, bảo đảm bộ máy vừa tinh gọn vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.        

Với tinh thần chỉ đạo, cơ cấu Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, sắp xếp tinh gọn cơ quan Bộ thành các đơn vị cấp cục trực thuộc Bộ, theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau, bắt buộc phải có cơ chế phối hợp thì hợp nhất, sáp nhập, bảo đảm một cơ quan, đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Các đơn vị cấp cục, các tỉnh, thành, quận, huyện công an được sắp xếp lại theo nguyên tắc đó và giảm cấp phòng, cấp đội. Lực lượng công an cấp xã, thị trấn được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, chính quy. Tất cả nhằm khắc phục sự chồng chéo, chia cắt, phân tán lực lượng; tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.

Phải chăng, một bước tiến trong hành động có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh? Và, phải chăng, đó cũng chính là quyết tâm chính trị của Bộ Công an, kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi đặc biệt lớn từ kiến tạo bộ máy tổng thể từ Trung ương đến địa phương, giúp lực lượng ngày càng tập trung, thống nhất và mạnh mẽ trong thực thi trọng trách của mình; qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế, sức mạnh và uy tín, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Công an Nhân dân?

Ảnh: Trí Dũng

Không nôn nóng, sốt ruột, nhưng không chờ đợi, cầu toàn!

Thứ ba, về sự kiên quyết nhưng quyền biến và cả hy sinh. Xưa nay, không một cuộc canh tân, cải cách nào không khó khăn cả, thậm chí vấp phải sự phản ứng, cả sự chống cự quyết liệt. Nó động tới mọi tổ chức, can dự tới mỗi thân phận người. Trái thế, đổi mới sẽ chỉ là ảo tưởng hoặc dân túy nửa vời hoặc sợ hãi, và dứt khoát đổ vỡ.

Lần này, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải xác định thiệt thòi, thậm chí cả "hy sinh”. Đó là điều thật dễ nói nhưng không dễ làm.

Phải chăng, đó chính là cái ranh giới vô cùng nhạy cảm phải chạm tới, thậm chí là quả núi mà cuộc đổi mới, chỉnh đốn bộ máy và lực lượng lần thứ 6 này phải vượt qua?

Phải cắt 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục trong 100 đầu mối cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng, khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn; cơ quan cấp bộ và công an toàn quốc giảm tới trên 1.000 phòng. Tất cả động chạm tới bao nhiêu đầu mối tổ chức, can dự tới lợi ích bao nhiêu con người? Rồi tiếp tục soát xét bộ máy của các cơ sở đào tạo (các học viện, trường đại học, trung học trong lực lượng), khiến tất cả đều rung động.   

Ở địa phương, khi sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố, tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội, để bảo đảm tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các mặt công tác công an, thì bao nhiêu tâm tư, cả những hệ lụy nảy sinh trong và sau chỉnh đốn? Và, trong xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, dù trước mắt, bố trí tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thì xung chấn trong bao nhiêu thân phận, ai ở lại, ai sẽ ra đi?...

Không nôn nóng, sốt ruột, nhưng không chờ đợi, cầu toàn! Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ tiên lượng tất cả điều đó và đột phá đổi mới cơ chế, chính sách để cấu trúc lại bộ máy, bố trí lại lực lượng thật sự dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch và phù hợp; đồng thời, thuyết lý, giáo dục gắn với đề cao kỷ luật, kỷ cương, chủ động phòng ngừa mọi sự vi phạm kỷ luật, pháp luật, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hoặc bị lôi kéo bởi các phần tử xấu hay "lợi ích nhóm"… Qua đó, tiếp tục tinh lọc đội ngũ ở tất cả các cấp, nâng cao uy tín và xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng trong mắt xã hội.

      Nhìn khái lược, dù tinh giản bộ máy nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ của Bộ ngày càng tăng hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; dù lực lượng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm vai trò làm nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, nhân lên thế trận lòng dân, giữ vững an ninh quốc gia. 

Phải chăng, qua đây có thể nói, một tấm gương của sự kiên định, của danh dự và sự dũng cảm, biết đặt lợi ích toàn ngành lên trên lợi ích bộ phận và lợi ích cá nhân, nó có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn dài dòng, nhưng rỗng tuếch về cái gọi là “dĩ công vi thượng” đầu lưỡi nào đó?

Và, phải chăng, đó là sự điềm tĩnh, bản lĩnh và dũng khí của một trong hai cánh tay của Đảng, của Nhân dân; là sự quyền biến của thanh bảo kiếm sắc bén bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ và bảo vệ Đảng?

Và cuối cùng, về năng lực phát huy và nhân lên sức mạnh tổng hợp tổ chức thực tiễn. Kinh nghiệm từ đây, càng cho thấy, sức mạnh của bộ máy không phải là tổng số mà là tổng hòa các thành tố cấu thành bộ máy và nó còn bao chứa, nhân lên sức mạnh những nhân tố ngoài bộ máy, sức mạnh của toàn xã hội.

Vấn đề có tính nguyên tắc là, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an nắm chắc công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt; tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác công an, phối hợp với các cấp ủy các địa phương. Đồng thời, huy động toàn lực lượng, nhất là các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các thời kỳ góp ý và nhập cuộc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành song hành với việc đổi mới tổ chức và tinh giản lực lượng đúng lộ trình và tiến độ.      

Đảng ủy Công an Trung ương đề nghị kiện toàn đủ điều kiện kịp thời lãnh đạo các lĩnh vực công tác công an; phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, kiện toàn tổ chức đảng trong công an; tạo sự thống nhất, đồng thuận từ trong nội bộ, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của dư luận. Tất cả tạo động lực tổng hợp, mạnh mẽ thực thi công việc một cách toàn diện, đồng bộ về tổ chức bộ máy toàn lực lượng.

Từ thực tiễn hai năm rưỡi qua, phải chăng đây thực sự là cuộc cách mạng mang tính toàn diện và triệt để trong việc triển khai tổ chức xây dựng bộ máy và đội ngũ tương dung và ngang tầm, tạo nên diện mạo mới, chất lượng mới và sức mạnh mới, xứng đáng với vị thế, chức năng và nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó trước yêu cầu phát triển của thời kỳ mới; xứng đáng là người đi trước mở đường đầy dũng khí và sáng tạo?

Trên đời, mấy ai nắm được mũi tên đang bay. Và vì thế, phải chăng, có thể coi đây là bước đi thành công rất quan trọng của một cuộc cách mạng về mặt tổ chức, không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà còn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhằm tăng cường sức mạnh phát triển toàn diện; và, qua đây, tạo nền tảng và động lực để lực lượng tiếp tục tự mình phát triển mạnh mẽ và ngang tầm sứ mệnh? Tất cả cốt tiếp tục mài sắc “thanh bảo kiếm”, tôn lên sức mạnh “cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ…”.

Thực tế cho thấy, lực lượng Công an đang tiếp tục chinh phục công việc to lớn và nặng nề một cách tổng thể và toàn diện, do Nhân dân tin cậy và Đảng giao phó một cách kiên quyết, đầy dũng khí và đạt kết quả chưa từng thấy. Lại vì, chưa một bộ, ngành, tỉnh, thành phố nào vượt qua!          

Và, phải chăng, đó là ý nghĩa công việc đột phá trọng đại của người lĩnh ấn tiên phong, đi trước mở đường, thật xứng đáng là một tấm gương chung, trên phương diện rất khó khăn, đầy phức tạp và vô cùng quan trọng này?

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản