Phú Thọ:

Trăn trở xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 10:28 - Chia sẻ
Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề không chỉ đơn thuần mang lại giá trị kinh tế, góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Song, làm thế nào để thúc đẩy quá trình hướng đến xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm làng nghề vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở…

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ lệ 26%; còn lại là nhóm làng nghề cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Tổng doanh thu các làng nghề hàng năm ước đạt trên 1.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 21.600 người lao động, trong đó có trên 15.000 lao động thường xuyên…

Nhằm hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các làng nghề, năm 2016, đã triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2016- 2020 và như nhiều chương trình hỗ trợ khác của Trung ương, Bộ, ngành. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã và đang xây dựng, tạo lập, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 21 sản phẩm. Trong đó, tạo lập, quản lý và phát triển 10 nhãn hiệu tập thể là sản phẩm của các doanh nghiệp và hợp tác xã thuộc làng nghề. Một số sản phẩm làng nghề đặc trưng có sức cạnh tranh như: Rau an toàn Phú Lợi (làng nghề sản xuất rau an toàn Phú Lợi, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ), cá chép đỏ Thủy Trầm (làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê)… Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang báo cáo UBND tỉnh triển khai các dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể đối với 2 sản phẩm làng nghề là “Tương Làng Bợ” (làng nghề tương Bợ, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) và “Làng mộc Vân Du” (làng nghề mộc Vân Du,  xã Vân Du, huyện Đoan Hùng).

Làng nghề mộc Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011 với sản phẩm chính là mộc gia dụng. Trung bình mỗi năm làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 7.000 sản phẩm mộc gia dụng các loại như giường, tủ, bàn ghế… Tổng doanh thu làng nghề mỗi năm ước trên 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động với thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Trọng Chiến - Trưởng làng nghề cho biết: Làng nghề hiện phát triển 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH chế biến gỗ Phúc Lộc, Công ty chế biến lâm sản Phúc Đại Thành và doanh nghiệp tư nhân Vân Du. Ngoài ra có khoảng 30 cơ sở chế biến với gần 60 hộ tham gia sản xuất. Sự phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề đã giúp chủ động đầu ra cho sản phẩm làng nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động cũng như thuận lợi hơn trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu địa phương. Hiện làng nghề đã hoàn thiện hồ sơ, đang đợi các cấp có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mộc của làng nghề.

Việc xây dựng, phát triển thương hiệu giúp “hồi sinh” các làng nghề truyền thống. Nhìn chung, các làng nghề, doanh nghiệp, HTX trong làng nghề đã có nhận thức rõ ràng hơn trong việc xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế không phải làng nghề nào cũng hình thành được các hình thức sản xuất trên. Hầu hết làng nghề, doanh nghiệp làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu, tình trạng làng nghề chưa thực sự chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị thu hẹp quy mô và đứng trước nguy cơ mai một vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trong tỉnh.

Nguyên nhân cố hữu khiến các làng nghề khó phát triển, cũng như việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu tại các làng nghề còn hạn chế là do tình trạng hoạt động mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, liên kết trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế do sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, lợi nhuận, chưa chú trọng đến chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Lực lượng lao động tại làng nghề mỏng, chất lượng thấp, thiếu kiến thức về KH-KT; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn hạn chế… Mặt khác việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hiện nay chủ yếu triển khai đối với các doanh nghiệp, HTX. Trong khi phần lớn các làng nghề chưa hình thành được các hình thức tổ chức sản xuất trên, dẫn đến việc khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ.

Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nói chung, sản phẩm làng nghề nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy và phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù của các địa phương, qua đó gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX làng nghề trong việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, HTX, các hộ làng nghề về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa, nhằm nâng cao năng lực tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho các làng nghề. Tăng cường hỗ trợ tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ hoàn thiện, khai thác và áp dụng tài sản trí tuệ. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công, tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đầu tư hợp lý cho thương hiệu, vì chính quyền lợi của mình, trong đó việc thúc đẩy sự ra đời các hình thức tổ chức sản xuất trong làng nghề là rất cần thiết.

 

CTV