Trăng khuyết (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của</i> Đàm Huy Đông

- Thứ Tư, 24/12/2014, 08:46 - Chia sẻ

>> Trăng khuyết (Phần cuối)

1. Người đàn bà mặc quần áo đen, tóc xõa dài chấm gót, dáng dong dỏng, nghếch mặt nhìn. Ánh nhìn dài dại, vô cảm. Lũ trẻ đang vây xung quanh người đàn bà ngơ ngác dạt ra, rồi tranh nhau léo xéo trả lời lúc cái xe máy của Long trườn tới.

Chợ Hà họp buổi sáng. Cuối chiều, vắng teo. Xa xa, nom thấy một hàng đậu phụ, trên cái sàng mấy bìa đậu nghệ nửa hở nửa kín dưới tấm vải trắng đã ngả màu, cạnh đó là cái quán, tạp nham đủ thứ, những cái kẹo màu sắc, vài món đồ chơi rẻ tiền từ bên kia biên giới chạy sang và mấy lọ dưa cà muối. Nắng vàng ong. Lũ chim chích dạn dĩ, nhảy câng câng trên lối đi giữa hai dãy hàng quán. Gió thở dài thườn thượt. Những chiếc lá khô cong queo bị gió lùa sau khi xạo xạc, tao tác trên mái phibrôximăng thì rèn rẹt rơi xuống sân bê tông thâm xịt. Đám ruồi xanh nhặng đỏ đang tranh nhau kiếm chác, hỉ hả chia phần trên đống rác rưởi bỗng giật thót, bay ré lên, rồi khi đã hiểu sự tình lại rào rào hạ cánh.

 Quen quá. Như có luồng điện chạy qua người Long. Tia chớp sáng lòa trong ký ức người đàn bà. Thoáng cái rồi vụt tắt. Ngu ngơ cười. Người đàn bà lại cắm cúi với đống đất sét, véo véo, nặn nặn. Con trâu đang dở cái sừng. Chút nữa thì miệng Long bật ra tên phụ nữ. Thực ra cái thanh âm ấy đã bị đẩy đến cuống họng, nhưng vết sẹo dài trên má phải, kéo từ đuôi mắt đến gần khóe miệng người đàn bà áo đen đã kịp bịt nó lại, hất tõm nó vào hư vô.

- Cho chú hỏi nhà chú Tuấn ở đâu các cháu? Có phải Liên không. Không. Thiếu gì người giống nhau. Liên ở xã bên cơ mà. Đây là Hà Nam, Liên ở Hà Bắc, xã bên.

- Tuấn nào cơ chú ơi?

- Chú Tuấn có vợ là cô Nga ấy. Chú Tuấn giáo viên. Mà sao ngớ ngẩn thế. Ba mấy tuổi rồi, có phải trẻ con đâu mà nhìn ai cũng nghĩ là Liên. Người đàn bà ngớ ngẩn kia mà cũng nghĩ là Liên thì mình điên thật rồi.


Minh họa của Trung Dũng
Thầy giáo Tuấn. Thầy giáo cháu. Thầy giáo tao chứ. Gần nhà cháu. Đi đến cái chỗ kia thì rẽ, cái cột điện to to kia kìa. Lao nhao.

Thế mà bao năm nay, Long tưởng mình đã quên Liên. Hóa ra không phải. Liên vẫn luôn lẩn khuất đâu đấy trong thẳm sâu trí nhớ của Long, như là một phần máu thịt. Cuộc sống có quá nhiều mối quan hệ, có quá nhiều điều phải lo toan, nghĩ ngợi, Liên như là một điểm nào đó đã vôi hóa trong hồn, tồn tại mà không nhức nhối, nằm yên đâu đấy rồi bất chợt hiện hình.

- Đi, chú đi theo cháu. Cháu chỉ đường cho. Thằng bé đang ngồi trên chiếc xe đạp mi ni cũ, vừa nói vừa nhấn vào bàn đạp. Bọn này biết gì.

- Mày thì biết gì.

- Thôi thôi, đi trước đi anh bạn, dẫn đường giúp tôi nào. Long phì cười.

Ngoặt phải. Ngoặt trái. Phải trái bốn lần thằng bé dẫn Long tới căn nhà ba tầng giữa một vườn cây xanh mướt. Cánh cổng sơn màu xanh hờ hững. Tuấn thích màu xanh. Một đoạn ngõ dài, có giàn khung thép. Vấn vít trên giàn là bầu lẫn gấc, cả su su và lắt lẻo phong lan. Cỏ. Hoa. Non bộ. Cá cảnh. Cuội trắng và những chậu bonsai nhỏ khá công phu đặt trên những chiếc đôn xinh xắn. Những chum vại Phù Lãng văn hoa. Những bình lọ Bát Tràng cố tình méo mó. Tất cả cho biết sự tài hoa, lãng mạn và gu thẩm mỹ của chủ nhà.

- Cảm ơn em nhé.

- Chú cũng là thầy giáo à.

- Không, à mà trước đây cũng có thời gian làm thầy giáo. Sao cháu biết?

- Tại chú gọi cháu là em.

- Thế à? Cười. Cô ấy là ai?

- Cô nào cơ. Cái cô lúc nãy. À, cô Phượng điên. Chú vào đi. Bọn nó đang đợi cháu đấy.

- Cảm ơn cháu nhé. Phượng. Phượng thì không phải rồi. Rõ thật mình ngớ ngẩn.

2. Trăng đã chênh chênh góc trời, Tuấn và Long vẫn còn ngồi. Vợ Tuấn cùng hai đứa bé đã ý tứ xin phép đứng dậy từ lâu, chỉ còn hai thằng với mâm bát, đồ ăn thức uống và xương xẩu. Bình rượu Lạc Đạo hảo hạng ngâm chuối hột đã bốn lần nghiêng đầu, thổ ồng ộc ra cái cốc thủy tinh cao cao in logo hãng Cocacola.

- Hơn mười năm rồi nhỉ. Lúc hai chén chạm nhau, Long hỏi.

- Mười ba năm chứ.

- Mười ba năm rồi à?

- Còn gì nữa.

Bốc miếng móng giò lên, Long lại đặt xuống bát. Tuấn lại rót.

- Mười ba năm là tính từ lúc ra trường. Tính tao gặp mày cơ. Tao còn đi dạy ba năm rưỡi.

- Bỏ nghề mày vào Nam luôn à?

- Rượu ngon đấy. Thơm thật.

- Mày vẫn uống khá nhỉ.

- Vẫn thế thôi.

Trăng mười sáu, tròn vành vạnh. Có tiếng hát của người đàn bà lẫn trong tiếng gió khào khào.

- Thế là bà cụ mất năm nào?

- Cách đây sáu năm

 - Mà mày tệ thật. Biệt tích. Chẳng liên hệ với ai.

Long không nói, dốc thêm chén rượu vào lòng. Nuốt theo cả ngụm buồn. Hình ảnh mẹ hiện về trước mắt. Một đêm tháng mười, mẹ ra đi cô độc. Chết cô độc như đã sống một đời cô độc. Mồ côi từ sớm, mẹ ở với bà ngoại. Mười chín tuổi, có thai, bị người yêu chối bỏ. Mẹ cô độc cúi đầu, chịu đắng cay, tủi nhục đẻ ra anh. Giá mẹ vứt bỏ anh đi, đừng để anh đầu thai làm kiếp người, để anh mãi mãi là hồn ma nơi âm tào địa phủ, có lẽ mẹ đã chẳng phải cô đơn những tháng ngày sau đó. Mẹ đã chẳng phải cô đơn đến chết. Lúc mẹ đi, anh không về kịp. Đám tang mẹ, một người đàn bà trẻ chưa hẳn qua già chưa kịp tới cũng thật vội vàng.

- Tao là một thằng chẳng ra gì. Mắt Long ầng ậc.

- Thôi, nào, mày say rồi. Ăn tí gì đi rồi nghỉ.

“Ê, ê thằng con hoang. Cả lũ trẻ con xúm quanh Long, vừa đi vừa hét. Mày thích chết không? Thằng bé không nhịn nổi nữa. Nó đã quên lời mẹ dặn. Nó vứt cái cặp sách đứt quai long khóa xuống đường, mặc kệ mấy quyển vở bắn ra ngoài. Mặt quay lại gườm gườm. Sấn đến trước mặt thằng cầm đầu. Hai tay nắm thành hai quả đấm.

- A, ranh con, mày thích chết hả. Thích đánh nhau?

- Thích.

- Đánh đi, đánh đi. Thằng nào sờ mũi là bố. Lũ ở ngoài hò reo cổ vũ.

Thằng ôn con giơ tay bóp mũi Long, nó lớn hơn Long một cái đầu. Thằng không có bố này, từ nay tao là bố mày. Mặt trời đỏ lòm màu máu. Đấm đá. Cái áo bạc phếch bạc phơ của nó bị rách xoạc, sách vở bị xé nát bươm. Những hình ảnh đó mãi mãi không phai trong ký ức tuổi thơ của nó”.

 “Chị liệu cái thân chị. Tưởng thế nào hóa ra đâm đầu vào cái thằng con hoang, thằng không có bố. Vầng trăng gai xước tỏa ra thứ ánh sáng như dao cứa vào lòng tự trọng, vào nỗi đau thăm thẳm khôn cùng”.

Lại vọng về tiếng hát người đàn bà. Long ngồi im như tượng. Nga đã ngồi bên mâm từ bao giờ, cạnh chồng.

- Các anh đi uống nước đi. Uống rượu nhiều thế. Anh Tuấn nhà em lâu lắm không uống nhiều thế đâu.

- Nó có uống đâu, toàn là anh uống là nhiều. Long như chợt tỉnh.

Chuếnh choáng, nhưng chưa say bởi Long vẫn cảm nhận được độ thơm ngon của chén trà sen Tuấn rót. Đã say làm sao được, rượu mới chỉ đủ làm Long buồn, chưa đến ngưỡng say.

- Mày sướng thật, sống như một ông hoàng lịch lãm, cái gì cũng tinh tế.

- Cái gì mà sướng.

- Thì đấy, công việc, vợ con, nhà cửa. Tao đây, chẳng có cái gì.

- Thôi đi bố, bố trời Bắc bể Nam còn chán vạn hơn tôi. Bố lấy vợ đi là có vợ có con.

Điện thoại đổ chuông. Tuấn cầm máy. A lô a le, vâng dạ một chặp. Quay vào bếp nói gì với Liên. Quay ra:

- Ông cứ ngồi uống trà, xem ti vi, vợ chồng tôi phải sang ông ngoại có chút việc. Nhạc phụ đại nhân truyền chỉ. Nhanh thôi, nửa tiếng là cùng. Mà ông mệt thì đi nghỉ trước đi.

- Thôi thôi, cứ đi đi. Mà tôi chưa ngủ đâu. Cũng không xem ti vi. Ra ngắm sông một lúc.

***

Long theo lối cỏ mòn dìu dịu ánh trăng leo lên mặt đê. Đêm tháng tư, mùi hoa xoan nâu đâu đây thoang thoảng. Con sông mềm mại, âm thầm, mải miết chảy trong đêm, cuốn theo những cánh bèo luân lạc, những ẩn ức phù du. Tiếng sóng mỏng như hơi thở khẽ. Mười mấy năm Long mới lại trở lại bên dòng sông này.

 Long chọn một chỗ, ngồi lên đôi dép, nhìn đăm đăm xuống lòng sông. Cái sà lan lù lù chạy qua, hồng hộc thở, như một kẻ phàm phu tục tử rít thuốc lào phả khói vào đêm. Tiếng hát của người đàn bà lại véo von. Long lắng nghe. Không phải là hát. Người đàn bà đang nói, đang ngâm thơ, và có cả lúc hát.

Đầu giường ánh trăng rọi, Mặt đất như phủ sương. Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương. Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết, để bây giờ thầm tiếc. Thầm tiếc, thầm tiếc.

Người đàn bà đang đi từ dưới sông lên, theo sau là đứa trẻ. Hai người ướt như chuột lột. Dường như vừa để nguyên quần áo mà hụp lặn dưới sông. Hai người thoăn thoắt leo lên sườn đê.

Phượng điên. Mà sao giờ này dắt đứa trẻ xuống sông tắm. Long lạnh cả sống lưng, sởn da gà.

Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương.

Hai người đi về phía Long, chợt thằng bé buông tay, chạy ngược xuống sông. Vừa chạy nó vừa ngúc ngoắc cái đầu, thỉnh thoảng lại quay lại, lè cái lưỡi đỏ hỏn, mắt nó lấp lánh trong đêm. Phượng vẫn lải nhải hát. Long đứng dậy. Người đàn bà dừng lại trước mặt Long. Cười, hàm răng trắng bóng lấp lánh. Cơ thể tròn đầy, khêu gợi hiển hiện sau lớp quần áo lướt thướt ướt đang bết vào da thịt.

- Bác có mua trăng không? He hé.

- Con cô chạy xuống sông rồi.

- Chạy à. Không em là Phượng. Con em về nhà mà. Con em đi ngủ rồi. Bác ngủ không?

- Cô Phượng à, thế thì cô về nhà đi.

- Không, em còn đi bán trăng, bác mua trăng cho em đi. Em bán rẻ.

- Con cô chạy xuống sông rồi.

- Không. Con ơi. Mày giết con tao, Người ta giết con tôi. Ôi trời ơi. Người đàn bà điên đột nhiên vụt chạy, vừa chạy vừa gào thét, lột tung cái áo cầm trên tay quay tít. Tấm lưng trắng lốp láp trong đêm.

Long nhìn theo. Hãi hùng. Ôi đứa bé. Anh lao xuống. Chẳng thấy gì hết. Không thấy một dấu vết nào. Quái lạ. Nếu thằng bé ngã xuống sông thì cũng phải có tiếng động chứ. Hay nó là ma hiện hình. Rợn hết cả người. Làm quái gì có ma. Mình say, nhìn gà hóa cuốc thôi. Long châm một điếu thốc. Mùi hăng hắc thân thuộc bao bọc.

(Số sau đăng hết)