Dư âm Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV

Tranh luận, phản biện nhiều hơn

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:01 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các ĐBQH, Kỳ họp thứ Bảy đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra. Sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của Đoàn Chủ tịch đã tạo điều kiện cho ĐBQH phản biện nhiều hơn, thể hiện qua các phiên thảo luận về các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, không nhất thiết các ĐBQH đăng ký đều phát biểu mà Đoàn Chủ tịch ưu tiên dành thời gian để tranh luận, làm sáng tỏ vấn đề.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Điểm nhấn là phiên chất vấn

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những điểm nhấn của Kỳ họp thứ Bảy. Các ĐBQH đã chất vấn ngắn gọn, cụ thể, chi tiết. Bộ trưởng trả lời chất vấn trách nhiệm, tập trung. Các vấn đề cử tri quan tâm, bộ trưởng đều chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng có những chất vấn còn mang tính vi mô, bộ trưởng cần có thời gian phân tích và có số liệu minh chứng, nên phải trả lời bằng văn bản.

Sự điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng linh hoạt, uyển chuyển, tạo điều kiện cho ĐBQH phản biện nhiều hơn, thể hiện qua các phiên thảo luận về các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, không nhất thiết các ĐBQH đăng ký đều phát biểu mà Đoàn chủ tịch ưu tiên dành thời gian để tranh luận, làm sáng tỏ vấn đề. ĐBQH nào chưa phát biểu có thể gửi lại văn bản cho Đoàn Thư ký tổng hợp.

20 ngày qua, QH đã hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp này còn ứng dụng công nghệ, phần mềm điện tử, giúp ĐBQH tra cứu thông tin nhanh hơn, dễ dàng hơn. ĐBQH không phải ôm tài liệu, mà chỉ cần một chiếc ipad hỗ trợ tìm kiếm, tránh sai sót thông tin khi ĐBQH phát biểu, đóng góp ý kiến. Đây là một trong những bước nâng cao chất lượng hoạt động của QH, ĐBQH, cập nhật xu thế công nghệ 4.0.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Trách nhiệm, không xuôi chiều

QH Khóa XIV nói chung, Kỳ họp thứ Bảy nói riêng, tính dân chủ trong QH cao hơn. Các vấn đề quan trọng của đất nước đã được mổ xẻ một cách đa chiều, nghiêm túc.

Một số dự án luật khi mới trình QH cho ý kiến lần đầu chưa nhận được sự đồng tình cao như dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)… Nhưng rất mừng là trong những trường hợp này, QH đã hoạt động trách nhiệm, không xuôi chiều, đặt ra những vấn đề yêu cầu Chính phủ, UBTVQH tăng cường hơn nữa chất lượng, để bảo đảm khi trình ra QH thông phải đạt chất lượng. Nhờ đó, khi bấm nút thông qua, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã đạt tỷ lệ 90,7% tổng số ĐBQH tán thành; Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 91,32% tổng số ĐBQH tán thành...

Đối với hoạt động chất vấn, một số vấn đề các bộ trưởng trả lời còn chưa đi thẳng vào vấn đề đại biểu nêu, trả lời còn chung chung. Chẳng hạn tôi đặt câu hỏi chất vấn về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trên địa bàn có ma túy, nhưng Bộ trưởng chỉ trả lời chung chung là chuyển công tác. Hay tôi hỏi chiến lược giao thông, Bộ trưởng lại trả lời tàu cứu hộ, cứu nạn. Như vậy, vấn đề cần bao trùm thì lại không bao trùm, vấn đề cần cụ thể lại không nêu cụ thể.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước): Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư công

Kỳ họp thứ Bảy, QH đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH đã tập trung thảo luận về những giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, QH đã thông qua hai luật rất quan trọng là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Việc thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đầu tư công hiện nay, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Luật với một số điểm mới như quy định thống nhất quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án không phân biệt nguồn vốn trừ chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp cho HĐND được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên; thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vào năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước...

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đã đưa các giải pháp xử lý nợ đọng để thu thuế tốt hơn, góp phần tăng thu ngân sách, cưỡng chế trường hợp nợ đọng thuế có khả năng trả nhưng không trả. Luật còn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hoàng Ngọc - Hà An ghi; Ảnh: Quang Khánh