Tránh phát triển “nóng” cây có múi ở Hòa Bình

- Thứ Ba, 18/06/2019, 07:53 - Chia sẻ
Cây có múi (CCM) là một trong ba nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Tính đến nay, diện tích CCM trên địa bàn tỉnh đã lên đến 10.300ha, hình thành nhiều vùng trồng có giá trị kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, điều này đang gây áp lực lớn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, người trồng CCM phải đối mặt với nguy cơ “được mùa, mất giá”.

Diện tích, sản lượng tăng nhanh

Cây ăn quả có múi đã xuất hiện trên những quả đồi cằn cỗi của tỉnh Hòa Bình từ những năm 70 của thế kỷ trước, đó là giống cây gắn bó lâu bền với người dân, cùng người dân vươn lên trong gian khó. Phát huy thế mạnh sẵn có, tỉnh Hòa Bình không ngừng chú trọng đầu tư, hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng các loài cây này với mong muốn tạo ra “sản phẩm mang tính hàng hóa” để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Những năm gần đây, diện tích, năng suất và sản lượng CCM trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Theo số liệu thống kê của Sở NN - PTNT tỉnh Hòa Bình, nếu như năm 2010, diện tích CCM cả tỉnh chỉ có 719ha, hầu hết là diện tích già cỗi, giống cũ thì đến nay diện tích đã đạt 10.300ha. Song song với việc mở rộng diện tích thì năng suất, sản lượng quả có múi cũng không ngừng gia tăng, từ 14,8 tấn/ha năm 2010 lên 25 tấn/ha năm 2018; tổng sản lượng quả có múi năm 2018 của tỉnh đạt 108.000 tấn và dự kiến năm 2019 đạt khoảng 125.000 (chiếm gần 10% sản lượng toàn quốc). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, có điều kiện chăm sóc thâm canh cao và mang lại giá trị thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Điển hình như: Vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc; vùng bưởi Diễn Yên Thủy, Lương Sơn…


Anh Bùi Đức Tịnh, xóm Dăm Hạ, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi sở hữu vườn cam thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm luôn đau đáu về đầu ra sản phẩm
Ảnh: Tường Vy

Nhờ trồng CCM, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có điều kiện vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành những “tỷ phú nông dân” có tiếng ngay trên đồng đất quê hương. Điển hình nhất có lẽ phải nhắc đến Cao Phong - địa phương với hàng trăm “tỷ phú cam” nức tiếng cả nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Hồ Xuân Dũng cho biết, toàn huyện có hơn 3.000ha CCM, chủ yếu là cây cam. Người trồng cam đến nay đã xây được biệt thự, mua xe sang, sở hữu tiện nghi hiện đại, để hàng tỷ đồng làm quà hồi môn là chuyện thường. Gia đình nào có khoảng 1ha cam, sản lượng từ 25 - 30 tấn/vụ thì thu nhập hàng trăm triệu trong tầm tay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như vậy thì các chủ vườn cam phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Theo Sở NN - PTNT Hòa Bình, để gia tăng năng suất và chất lượng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, các vùng sản xuất CCM tập trung trên địa bàn tỉnh đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất. Đó là phương pháp tưới nước tiết kiệm bằng biện pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt; sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, chế phẩm vi sinh trong phòng trừ, hạn chế dịch hại phát triển; áp dụng quy trình xử lý ra hoa, đậu quả bằng các biện pháp khoanh vỏ, áp dụng bổ sung dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng qua lá; đồng thời, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học, bảo đảm thời gian cách ly sản phẩm…

Đặc biệt, Hòa Bình đã nhân rộng các mô hình trồng CCM theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay, 10% diện tích CCM đã được cấp chứng nhận VietGap, dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả và bao bì nhằm tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn làm mất uy tín sản phẩm. Bên cạnh đó, bảo hộ thành công nhãn hiệu cam Cao Phong, Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân. 

Chú trọng thị trường tiêu thụ

“Đến nay, tỉnh đã công bố thông tin rộng rãi về diện tích, địa bàn quy hoạch trồng CCM để hạn chế phát triển “nóng”, gia tăng diện tích ở những vùng không phù hợp. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý những trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng trồng CCM ngoài quy hoạch. Đồng thời, giảm dần và chấm dứt hỗ trợ diện tích trồng mới, tập trung nguồn lực chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ, xúc tiến thương mại. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển chuỗi giá trị, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm CCM trên địa bàn”.

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hòa Bình Vương Đắc Hùng

Bên cạnh những mặt tích cực là mang lại thu nhập cho nông dân, diện tích và sản lượng CCM của tỉnh Hòa Bình tăng nhanh đã gây áp lực rất lớn đến thị trường tiêu thụ, nông dân phải đối mặt với nguy cơ “được mùa, mất giá”. Thực tế, trừ những hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGap được bao tiêu sản phẩm thì giá sản phẩm CCM của những hộ trồng đại trà đã giảm từ 10 - 20%, nhiều chủ vườn bị tư thương ép giá. Trao đổi với phóng viên, anh Dương Văn Mừng (xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong) cho biết, những năm gần đây nhà nhà đổ xô trồng cam, diện tích và sản lượng tăng nhanh nên giá cam có giảm so với trước. Vụ cam vừa qua, đa số nhà vườn ở Cao Phong gặp khó khăn về mặt tiêu thụ. Riêng gia đình anh Mừng, nhanh trí trồng nhiều giống cam khác nhau để thu rải vụ, 11ha cam lại trồng theo quy trình VietGap nên anh là một trong số ít chủ vườn vượt qua “bão giá” để thu tiền tỷ trong năm vừa qua.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cây ăn quả có múi ở Hòa Bình đang phát triển “nóng” và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Đặc biệt, có những doanh nghiệp, hộ nông dân trong tỉnh đã tùy tiện phá rừng để trồng cam, bưởi, gây hệ lụy cho môi trường. Mặc dù diện tích tăng nhanh, nhưng đa số người dân trồng tự phát trên diện tích manh mún, chất lượng giống và kỹ thuật chăm sóc chưa cao, chưa kể, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công, thời gian bảo quản ngắn không đáp ứng yêu cầu của thị trường, sức cạnh tranh sản phẩm thấp dẫn đến tổn thất sau thu hoạch.

Được biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm CCM của Hòa Bình vẫn tập trung chủ yếu tại Hà Nội, các tỉnh lân cận, một số tỉnh phía Nam và một phần xuất khẩu sang Campuchia. Chưa kể cạnh tranh “nội tỉnh” thì nông dân trồng CCM ở Hòa Bình phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Yên Bái,... cũng đang đẩy mạnh trồng loại cây này. Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Vương Đắc Hùng cho biết, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch CCM trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 12.100ha, định hướng đến năm 2025 khoảng 17.00ha. Để phát triển bền vững vùng CCM, tỉnh đã và đang chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch, bảo đảm việc trồng CCM theo vùng có khí hậu, đất đai phù hợp, tránh phát triển “nóng” ở những vùng ít thuận lợi sẽ khiến hiệu quả sản xuất thấp.

Bên cạnh đó, có phương án khuyến khích, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trồng CCM theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm sạch, an toàn - tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và hướng tới xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất. 

ĐÀO CẢNH