Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Tránh tình trạng đông nhưng không mạnh

- Chủ Nhật, 26/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất thiết phải giảm số lượng đại biểu HĐND, đồng thời trong cơ cấu đại biểu nên định hướng nghiêng về chất lượng hơn để tránh tình trạng đông nhưng không mạnh như hiện nay. Về đại biểu kiêm nhiệm, cần thực hiện theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Theo đó, chọn người thực sự có trình độ, năng lực và nhất là có thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử.

Tập trung vào một nhóm đại biểu chuyên trách

Hoạt động của HĐND những nhiệm kỳ qua cho thấy, quan điểm đông sẽ mạnh đã không phù hợp với thực tiễn bởi thành phần đại biểu cơ cấu, hoạt động theo nhiệm kỳ, đa số đại biểu kiêm nhiệm nên rất lãng phí về thời gian, công sức và kinh phí, nhiều hay ít hơn thì HĐND cũng quyết ngần ấy việc theo thẩm quyền, có hơn là hơn số lượng ý kiến thảo luận, chất vấn. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng ý kiến, tính phản biện, dám nói, dám chịu trách nhiệm và đeo bám vấn đề suy cho cùng cũng chỉ tập trung vào một nhóm đại biểu chuyên trách, đại biểu thuộc các Ban HĐND và HĐND cấp dưới.

Đại biểu thuộc khối UBND, các ngành dọc hầu như ít hoặc không tham gia vào hoạt động thảo luận và chất vấn tại kỳ họp, thậm chí có đại biểu lên diễn đàn với tư cách để đọc báo cáo của UBND trình, trả lời chất vấn, thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa bảo đảm 1/3 theo như luật định. Còn đối với đại biểu ngành, nhất là lực lượng vũ trang, nếu trùng công việc của ngành hoặc được điều động đi học, tập huấn thì có trường hợp cả năm không tham gia được hoạt động nào của HĐND, kể cả dự kỳ họp. Đó là chưa kể đến một số đại biểu nể nang, ngại va chạm do nhiều lý do nên phần đa hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND kiêm nhiệm không cao.
Hoạt động tại kỳ họp đã thiếu hiệu quả nên các hoạt động giữa hai kỳ họp lại càng không hiệu quả, nhiều phiên họp Thường trực HĐND triệu tập có đại biểu vắng mặt, thậm chí có đại biểu còn vắng mặt trong các cuộc TXCT. Số lượng các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND còn ít, chưa có sự phối hợp với các cơ quan có cùng chức năng nên có tình trạng trùng chuyên đề giám sát, giám sát cùng một “thời vụ”, gây khó khăn cho đơn vị được giám sát. Việc đoàn giám sát của HĐND phải mời chuyên gia là đại diện các cơ quan chuyên môn của UBND để tư vấn cho đoàn là một thực tế còn diễn ra, bởi không ít đại biểu HĐND không có đủ thời gian, trình độ để tham gia.


Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều hành phiên giải trình  
 Ảnh: Bình Nguyên

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Từ những phân tích trên, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất thiết phải giảm số lượng đại biểu HĐND. Cùng với giảm số lượng, trong cơ cấu đại biểu nên định hướng nghiêng về chất lượng để tránh tình trạng đông nhưng không mạnh như hiện nay. Theo đó, về thành phần đại biểu HĐND mỗi cấp, nên cơ cấu đại biểu bảo đảm về chuyên môn, trình độ tương ứng vào vị trí chuyên trách. Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, Trưởng ban HĐND là Ủy viên Ban chấp hành trở lên, lãnh đạo và thành viên Ban, nhất là đại biểu chuyên trách cần chọn người được đào tạo trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực của Ban.

Về đại biểu kiêm nhiệm, cần thực hiện theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Theo đó, chọn người thực sự có trình độ, năng lực và nhất là có thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, không nên cơ cấu đại biểu thuộc các chức danh từ Phó Chủ tịch và trưởng các ngành chuyên môn của UBND làm đại biểu dân cử mà nên cơ cấu từ ban Đảng, đoàn thể và đại biểu ở các địa phương cấp dưới (đối với đại biểu cơ cấu thuộc thành phần cấp dưới cũng không lấy thành phần là lãnh đạo UBND - vì các đại biểu hoạt động khối UBND là cơ quan chấp hành nghị quyết, không có thời gian dành cho hoạt động của HĐND).

 Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II: Một là đủ

Thực tiễn việc điều hành hoạt động của UBND cấp xã loại II gồm 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là bảo đảm, bởi quy mô dân số, diện tích nhỏ hơn loại I, địa bàn thuận lợi hơn nên công việc ít hơn; mặt khác, theo thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách, việc phân công nhiệm vụ rõ ràng thì điều hành các mảng vẫn thông suốt. Nay Dự thảo mở “xã loại II có từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch” là không cần thiết. Quy định này nên giữ nguyên như Điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương “UBND xã loại I có không quá 2 Phó chủ tịch; UBND xã loại II, loại III có 1 Phó chủ tịch”.

Đồng thời, cán bộ, công chức chuyên môn các mảng ở cấp xã không nên tinh gọn mà cần bố trí đầy đủ theo như trước đây thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở chính quyền địa phương mới nâng lên được. Bởi cấp xã là cấp cuối cùng, cấp thực thi các chủ trương, chính sách trong thực tiễn, trực tiếp tới từng hộ dân. Thực tế hiện nay, một công chức chuyên môn cấp xã đang gánh đầu việc của mấy sở, ngành cấp tỉnh và mấy phòng, ban cấp huyện. Trong khi ở cấp tỉnh có hàng chục, thậm chí có nơi hàng trăm người, còn ở cấp xã chỉ có 1 người.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh