Tránh "vết xe đổ"...

- Thứ Ba, 28/07/2020, 10:04 - Chia sẻ

Một dạo, các địa phương "thi nhau" xây dựng, đề xuất xây dựng cảng biển, nhà máy đường... với đủ lý lẽ nhằm chứng minh rằng đây là vấn đề rất cấp thiết, tính khả thi rất cao, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần người dân địa phương nói riêng, người dân cả nước nói chung. Khi đã xây dựng, thường thì địa phương làm sau phải hoành tráng hơn địa phương làm trước. Chưa có vốn thì chờ, thì đi xin chứ không căn cứ vào thực tế. Hệ quả tất yếu là hàng loạt dự án, công trình dang dở, hoang phế hoặc hoạt động không hiệu quả.

Sau khi "phong trào" này lắng xuống, có vẻ như việc đề xuất xây dựng sân bay lại đang có xu hướng phát triển. Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng Hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là một tỉnh như Quảng Trị  - "kẹp" giữa sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) thì việc đề xuất xây dựng sân bay có hợp lý không và con số hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư có quá sức với tỉnh?

Trả lời báo chí về những vấn đề xung quanh việc đề xuất xây dựng sân bay, một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, điều may mắn nhất khi triển khai dự án là quỹ đất. Khu vực dự kiến làm sân bay hiện vẫn đang để trống và gần như không phải giải tỏa, di dời. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, việc còn lại là lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư. Rằng khi đưa dự án này ra bảo vệ trước Bộ Quốc phòng, ban đầu đại diện Bộ cũng không đồng tình về vị trí giữa hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau khi tỉnh giải thích lý do về sự cần thiết phải xây dựng sân bay Quảng Trị thì đã nhận được sự ủng hộ...

Vậy sự cần thiết phải xây dựng sân bay này là gì? Đó là phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước. Quảng Trị lâu nay vốn là trung tâm tâm linh, người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc... nhất là các dịp lễ như 30.4, 27.7, 2.9 sẽ tận dụng được nguồn khách trên hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Lào qua Đông Bắc Thái Lan. Khu vực này không có biển nên nhu cầu về biển sẽ rất lớn...

Dù rằng phải đến khi hoàn thiện hai đường băng với công suất 3 triệu lượt khách thì con số đầu tư mới là hơn 8.000 tỷ đồng; là ban đầu sân bay chỉ đầu tư những hạng mục cơ bản như sân bay Đồng Hới, với một đường băng với số vốn khoảng 3.000 tỷ đồng; rằng ngay từ khi lập quy hoạch xây dựng sân bay, tỉnh đã chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng theo hình thức PPP, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước - để phù hợp nhất với một tỉnh nhỏ và còn nhiều khó khăn như Quảng Trị - nhưng rõ ràng, cần có những lập luận xác đáng hơn chứ không thể thiên về cảm tính như vậy.

Bởi một điều dễ nhận thấy là khi đề xuất mở cảng hàng không quốc tế, hầu hết các địa phương đều đưa ra lập luận do nhu cầu khách đi, đến tăng nhanh. Và nếu tỉnh muốn triển khai các dự án phát triển kinh tế, du lịch thì đường hàng không thuận tiện là một trong những tiêu chí để thu hút đầu tư... Vậy nhưng nếu nhìn vào những sân bay đang hoạt động hiệu quả sẽ phản ánh ngược lại những lập luận này.

Thực tế, việc xây dựng sân bay sẽ song hành với việc phát triển kinh tế của địa phương và khu vực, tuy nhiên thời gian hoàn vốn khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hàng không sẽ khá dài. Bởi vậy, nếu không tính toán kỹ càng sẽ rất dễ đi vào "vết xe đổ" như đã từng xảy ra như khi xây dựng cảng biển, nhà máy đường ở nhiều địa phương trước đây.

Phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng không nhất thiết cứ phải có cảng hàng không, cảng biển...

Linh Trang