Trí Việt, tinh thần Việt, chẳng thể chối cãi!

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:20 - Chia sẻ
Kinh nghiệm mấy chục năm làm việc cho nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đảm nhiệm các chức vụ cấp cao như: Chủ tịch Alstom Power châu Á, Chủ tịch Suez Đông Nam Á... được GS. Phan Văn Trường đúc kết trong 2 cuốn sách “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”. Đó cũng là sự truy vấn chân thành và thẳng thắn với cương vị một người Việt Nam trong môi trường quốc tế. Theo GS. Phan Văn Trường, vạch ra, ngẫm kỹ những điều như vậy là cách định vị mình, giúp mỗi người Việt hôm nay thấm thía đức tính của dân tộc để ứng biến, phát triển trước dòng chảy hội nhập.

“Rõ ràng mình là người Việt”

- Xin bắt đầu cuộc trò chuyện bằng hai cuốn sách của ông: “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”. Ở đó, ông nhìn lại mình với cương vị là một người Việt Nam trong môi trường quốc tế, thậm chí lý giải những luận điểm về thương thuyết và quản trị bằng ca dao tục ngữ Việt Nam. Điều gì khiến ông lựa chọn cách viết như vậy?


 “Nhìn lại mấy chục năm làm việc trong môi trường quốc tế, tôi thấy mình quả thực có nhiều trải nghiệm. Để làm chi, tôi không biết. Duy nhất mãn nguyện là tự hào chính mình tạo ra một ít giá trị cho những người chung quanh, tôi làm việc để cảm ơn xã hội tặng tôi cơ hội tự thách thức mình. Triết lý sống của tôi là tận dụng tối đa khả năng bẩm sinh, nếu trân quý sự sống, sống thực, trọn vẹn, sống có ý nghĩa là câu trả lời tối hậu cho câu hỏi: Sinh ra để làm gì?!”.

GS. Phan Văn Trường

- Thực ra, khi còn tại chức, có lẽ tôi không có đến một phút riêng tư để nghĩ mình là người Việt Nam hay là gì khác. Nhưng năm tháng trôi qua rất nhanh, nhìn lại những thành tựu, lỗi lầm, mới ngỡ ra hành động xưa kia mang dấu ấn của dân tộc. Hiếu chiến, can đảm, chăm chỉ, tinh vi, linh tính cao, thiện chí, phục thiện, hiếu học, và nhất là đáp ứng rất nhanh chóng với môi trường bên ngoài đang đón nhận mình, đó là cá tính tối thiểu của mỗi người Việt.

Mới ngỡ ra rằng qua bao nhiêu cuộc thương thuyết, tôi chẳng khác gì cái Thằng Bờm kia yêu quý của dân tộc. Khi quản trị những tập đoàn lớn đa quốc gia, tôi cũng chẳng khác anh chàng lãng mạn trong bài hát “Đố ai” do Phạm Duy phổ nhạc, cái gì cũng làm liều, coi nhẹ rủi ro, không sợ bỏng tay, vỡ nát trái tim, mà chỉ sợ phụ pha mẹ, phụ những người mình yêu. ADN của tôi rõ ràng là ADN của người Việt. Khi tôi viết hai cuốn sách “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”, tôi quyết định cứ giữ tinh thần hồn nhiên, nhẹ nhõm, cứ vô tư nhìn nhận mình là mình! Vâng, còn khá nhiều bài thơ trong dân gian, những ca dao tục ngữ mình cứ hát đi hát lại mà không mỏi mệt. Lòng Việt, trí Việt, tinh thần Việt là thế. Chẳng chối cãi được, rõ ràng mình là người Việt.

Buồn cười là mình dài dòng như thế mà chỉ nói lên một điều quá dĩ nhiên!

- Không biết hành trang văn hóa mà ông mang theo trong những ngày đầu sang Pháp học tập là gì? Quá trình làm việc ở môi trường quốc tế, hành trang ấy đã thay đổi thế nào?

- Năm 1963, khi rời Sài Gòn để đi du học ở Pháp, tôi mới 17 tuổi. Tất cả hành trang vốn liếng của tôi là giáo dục gia đình và những kiến thức rất nhỏ hẹp, có thể gọi là ngây ngô, từ nhà trường. Chỉ có thế. Chỗ còn lại là con người tôi, ở tuổi chưa thành hình. Nói thật, tính tình tôi hay tin người nên bạn bè cứ chê tôi ngây thơ. Trong suốt năm tháng học ở nước lạ, tôi bị vô số vấn đề liên quan đến cách nhìn cuộc đời đó. Vô số vấn đề là vô số bài học để đời. Nhưng vì tôi vui tính, bụng dạ thiện lành nên chuyện gì rồi cũng qua với nụ cười. Đôi khi tôi ngạc nhiên là trí óc mình sao chóng quên những chuyện buồn. Thành thử con người vô tư và ngây ngô ấy lại chứa sức mạnh tiềm tàng, tôi cho đó là sức mạnh Trời cho để bù đắp sự dại khờ.


GS. Phan Văn Trường (thứ ba, từ trái sang) với lãnh đạo Tập đoàn Suez (Pháp)

Hành trang nghề nghiệp của tôi có thể tóm tắt như tính cộng những ưu điểm của các sếp cũ của tôi. Tôi học từ họ rất nhiều, rất nhanh, may mà chỉ học điều tốt. Tôi gặp nhiều sếp giỏi, thâm thúy, sâu sắc. Có ông văn chương rất mượt mà, có ông thương thuyết sắc sảo, có ông lại có óc phân tích tỉ mỉ đến đáng sợ. Đến khi tôi vào tuổi được ủy quyền thế thì lại có những ông sếp vô cùng quyền biến nhưng đạo đức. Tôi học được mỗi người một ít, cách nhìn cuộc đời, tinh thần quyền biến tích cực nhưng đạo đức, óc chiến lược… Như một bức tranh trên đó mỗi người dán cho tôi một tí của mình để biến thành con người tôi hôm nay. 

- Bước ra bên ngoài, có bao giờ ông bỡ ngỡ khi va chạm với nền văn hóa mới, thậm chí mâu thuẫn khi phải lựa chọn giữ hay bỏ một thói quen, nếp sống, một truyền thống…?

- Tôi chưa bao giờ va chạm, do bản chất hòa nhã của bản thân. Tôi hòa mình nhanh với mọi văn hóa vì khám phá ra mình có khiếu ngoại ngữ, truyền thông. Và tôi yêu sự khác biệt, tin cậy ở lòng người, mọi nơi. Trong đám bạn Việt cùng du học, có số đông anh em giống tôi, tích cực để đáp ứng với cuộc sống nơi nước sở tại. Nhưng một số ít lại coi những người khác mình, khác chủng tộc là không thể tin cậy, thậm chí không nên chơi, không nên gần, từ cảm nhận đó xuất hiện mâu thuẫn, xung đột.

Ở Pháp, cũng như khắp các nước Tây Âu, sự kỳ thị là có, song rất mẫu mực và chấp nhận được. Ví dụ, một kỹ sư Việt Nam có thể trở thành kỹ sư trưởng nếu có đủ khả năng, không ai cản bước tiến của anh ấy. Còn nếu muốn lên cao hơn, trở thành lãnh đạo của một tập thể thì thật khó. Cấp lãnh đạo ít có chỗ cho người nước ngoài, tất nhiên có thường lệ thì vẫn có ngoại lệ. Riêng tôi đã có rất ít cơ hội nhưng mỗi lần cơ hội đến, tôi cảm thấy mình đều được ông thần may mắn, ông thánh tự tin và ông tiên hộ mệnh phù trợ. Nhờ vậy tôi chọc thủng cái màng lưới rào cản ngoại quốc để lên cấp lãnh đạo cao. Tôi đã gặp quý nhân giao cho tôi một việc quá khó nhưng với ý mong tôi thành công. Thành thật mà nói, tôi chẳng khác gì các bạn đồng nghiệp Việt Nam ở bên Pháp, chỉ duy có một cái là cá nhân tôi đã bị đưa ra đấu trường để nhảy sào quá cao. Nhảy xong, chính mình cũng chẳng hiểu phép lạ nào nâng mình qua sào.

Cởi bỏ “chiếc áo” mặc cảm, tự ti

- Có cảm giác từng chia sẻ của ông đều là tiếng nói cất lên mạnh mẽ từ lòng tự tin, tự hào dân tộc. Không biết ông suy nghĩ thế nào về giá trị nền tảng của con người Việt Nam?

- Tôi cho rằng, đã đến lúc trong khúc quanh lịch sử vào kỷ nguyên mới, người Việt phải bỏ cái áo mặc cảm đã chịu mặc từ nhiều thế kỷ. Mặc cảm với Tây, với Mỹ, mặc cảm với tiền, với công nghệ... dù chẳng thua kém ai. Đã đến lúc bỏ thói bắt chước thiên hạ, vì có lẽ chăng cứ đinh ninh đương nhiên họ hơn mình. Hãy nói với họ: Từ hàng nghìn năm nay, chúng tôi tự nuôi, tự quản. Văn hóa chúng tôi cao sang. Nghệ thuật chúng tôi đặc trưng và sắc sảo. Nền ẩm thực chúng tôi đa dạng. Tự nhủ vậy để chấm dứt mặc cảm day dứt trong lòng mỗi khi gặp ai đó khác mình.

- Nhưng chấm dứt mặc cảm ấy đâu dễ một sớm một chiều, thưa ông? Rất nhiều lề lối cắm rễ ăn sâu, chi phối hành vi ứng xử của người Việt theo cả chiều hướng tốt - xấu, mà biểu hiện rõ nhất là khi ra môi trường quốc tế…

- Ảnh hưởng tốt hay xấu là tùy mỗi cá nhân. Hãy huy động tính cường tráng, sức chịu đựng, khả năng đáp ứng, óc sáng tạo, tính nhanh nhẹn của dân tộc. Hãy tự tin khi lịch sử ngàn năm tạo ra quốc gia thân thiện, văn hóa, đạo đức. Khả năng hạnh phúc của chúng ta rất cao, người nước ngoài cảm nhận như vậy. Tất nhiên chúng ta cũng có tiêu cực, chẳng khác gì những dân tộc khác.

- Biết về mình cũng là nguồn năng lượng để phát triển. Ông cho rằng bước vào thời đại hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng, người Việt có thuận lợi, khó khăn gì? 

- Như trên đã nói, tôi có một nhận xét phổ quát là xã hội Việt Nam hiện nay không tự tin. Cứ tưởng muốn quản lý tốt phải mua 10 cuốn sách quản lý của Hoa Kỳ, muốn kinh doanh tốt phải học tiếng Anh. Thử nhìn các quốc gia như Malaysia, Thụy Sĩ, Thái Lan, Hà Lan, Thụy Điển… sống ôn tồn với cái tốt, cái xấu của họ. Họ cố gắng nhưng không tranh thủ, tiến bộ nhưng không vội vàng leo thang, học để có nghề thực chứ không để có bằng, thân thiện với giống nòi và không vọng ngoại. Họ hạnh phúc với những gì đang có, không bắt chước, không tủi thân vì thiếu cái này cái nọ. Họ nghĩ họ hạnh phúc và họ thực sự hạnh phúc. Họ nghĩ họ mạnh và họ thực sự mạnh. Việt Nam có gì hơn các dân tộc khác? Rất nhiều là đằng khác! Vậy thì quay lại với chính ta, tập trung chăm lo cho phần yếu của dân tộc.

Tôi nhấn mạnh lần nữa, ta chỉ cần chấm dứt mặc cảm nhìn ra nước ngoài thì muốn bắt chước, nhìn vào bên trong thì không màng tới số phận của một thành phần xã hội. Nên quay về dân tộc thật - dân tộc của làng quê, nông thôn, núi rừng, của miền sông biển. Xưa kia, trong mỗi làng quê, có một không khí đùm bọc nhau, thậm chí yêu thương nhau. Đến nay, tinh thần “đồng hương” vẫn tồn tại, thậm chí cần đẩy lên cao.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện