Triển lãm Đức Mẹ Maria

- Thứ Hai, 22/12/2014, 08:49 - Chia sẻ
Kỳ nghỉ cuối năm nay, bảo tàng quốc gia Phụ nữ trong nghệ thuật (NMWA) ở Thủ đô Washington triển lãm các bản mô tả Đức Trinh Nữ Maria mang tên Hình dung Maria - Phụ nữ, Người mẹ, Ý tưởng (Picturing Mary: Womam, Mother, Idea) kéo dài đến ngày 12.4.2015.

Thời kỳ Phục hưng và Baroque, khoảng thế kỷ XIV-XVIII, Maria là một trong những phụ nữ được miêu tả thường xuyên nhất trong mỹ thuật phương Tây. Triển lãm khám phá ý nghĩa của Đức Maria với giới họa sĩ và những người sống thời gian ấy qua khoảng 60 bức tranh, tác phẩm điêu khắc và dệt may của các nghệ sĩ chủ yếu là người Italy như Caravaggio, Botticelli, Michelangelo, Pontormo, della Robbia và Gentileschi. Không chỉ liên quan tôn giáo, được tôn kính, là một chủ đề trong mỹ thuật phương Tây, triển lãm còn bộc lộ ý nghĩa Maria theo góc độ cá nhân.

Triển lãm chia thành sáu chủ đề: Maria thời thiếu nữ, chị em họ, người vợ, bề tôi trung thành Thiên Chúa; nhân vật chính trong chuyện đời mình; mẹ Chúa Hài Đồng; mẹ u sầu; liên kết giữa đất và trời; mẹ hằng cứu giúp. Phụ trách triển lãm là đức ông Timothy Verdon cho biết, “Hình dung Maria là cuộc phiêu lưu văn hóa dũng cảm, cố gắng nắm bắt tính thi vị của mối quan hệ lâu bền nhất mà xã hội phương Tây đã biết, giữa Kitô hữu và người nữ Do Thái là mẹ Chúa Jesus”. Verdon là học giả về Đức Maria, chọn tác phẩm của những tên tuổi lớn để thu hút đám đông, “thú vị khi xem thiên tài vĩ đại xử  lý chủ đề ‘thường thức’ ra sao”.


Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng, của Artemisia Gentileschi, 1890 
Triển lãm sắp xếp theo kiểu chầm chậm từng bước cho đến khi rõ ràng. Maria hầu như được miêu tả với Chúa Hài Đồng hoặc Chúa Jesus trên thập giá, theo bất cứ điều gì xã hội mong cầu: Đức Mẹ, Đức Mẹ hằng cứu giúp, Đấng cứu chuộc, tấm gương, hoặc như trong bức Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng (Madonna and Child) của Tino De Camaino, là ngai của Đức Kitô. Hình ảnh Maria luôn ở trong mối quan hệ với người khác. Triển lãm này trình bày Đức Maria là một phụ nữ thực sự, là nhân vật chính trong câu chuyện đời mình.

Một vài tác phẩm rất ấn tượng, tập trung vào nỗi đau buồn của Mẹ Maria, nhấn mạnh tình thương con. Lu mờ bởi khổ nạn của Jesus, người ta dễ quên rằng Đức Maria đã biết rằng mình hạ sinh và nuôi nấng người con sẽ chết đau đớn theo lời tiên tri Simeon, được kể lại trong Tin Mừng Thánh Luke. Tác phẩm khắc đá Chúa Jesus chịu đóng đinh (Crucifixion) của giáo sĩ nhà thờ Sant’Anastasia thế kỷ XIV thể hiện sự đau khổ của người mẹ và con trai chết trên thập giá cường điệu quá mức. Tác phẩm đất nung nhiều màu Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng của Luca della Robbia cho thấy nỗi tuyệt vọng mãnh liệt trong hành vi Maria níu lấy đứa con nhỏ, dự báo số phận phía trước. Bức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng, thường gọi là Mẹ Đồng Trinh đọc sách (Madonna of the Book) của Sandro Botticelli đẹp đến từng chi tiết, bật lên nỗi buồn sâu thẳm trên nét mặt Đức Maria. Bức Chúa Kitô tử nạn và các thiên thần; Kính yêu Chúa Hài Đồng của Francescuccio Ghissi phần nào thể hiện tâm trạng cam chịu của Đức Maria. 


Mẹ Đồng Trinh đọc sách, của Sandro Botticelli, 1480 -1481
Đối lập, hai tác phẩm nổi bật miêu tả Đức Maria là người mẹ nuôi nấng, yêu thương. Giữa lúc chủ nghĩa nhân văn tắt ngấm trong thời Phục hưng, một sự nhấn mạnh về phẩm giá của con người và lòng quan tâm con thơ được phản ánh qua nghệ thuật. Các họa sĩ miêu tả Mẹ Maria và Chúa Jesus Hài Đồng cực kỳ thân mật, cảm động, và cho thấy sự tương tác nhiều hơn giữa hai người. Artemisia Gentileschi nổi tiếng với tác phẩm bạo lực hấp dẫn Judith Slaying Holofernes vẽ bức tranh Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng vô cùng dịu dàng. Maria choáng hết tranh, trang phục đơn giản, chìa bầu vú cho hài nhi Jesus, nét mặt tự nhiên hơn so với vẻ thanh thản dịu hiền thường gắn với Nữ Vương Thiên Đàng. Bức thứ hai là Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng của họa sĩ thuộc Winking Eyes, mô tả mẹ con nép vào nhau, cười tươi như mẹ đang đùa giỡn con.

Tiêu chí của triển lãm là tranh về Maria của thế kỷ XIV-XVIII. Ngoài những tên tuổi nổi tiếng, còn có họa sĩ ít quen thuộc như Orsola Maddalena Caccia với sáu tác phẩm. Bức vẽ Nghỉ dọc đường đến Ai Cập (Rest on the Flight into Egypt) của Federico Barocci từ bảo tàng Vatican có vị trí nổi bật trong triển lãm này, mô tả cuộc chạy trốn vua Herod của gia đình Maria, Joseph và Jesus Hài Đồng đến Ai Cập. Triển lãm cũng thể hiện tầm quan trọng của chủ nghĩa tượng trưng, đặc biệt với tranh vẽ tôn giáo. Tại sao Maria đứng trên mặt trăng lưỡi liềm là biểu tượng Vô Nhiễm Nguyên Tội? Hoặc tại sao hình ảnh chim kim oanh tượng trưng việc Chúa Jesus bị đóng đinh?

Thời gian là tất cả. Triển lãm về Đức Mẹ Maria vào mùa Giáng Sinh là tốt nhất, đặc biệt trong một năm thiếu vắng đức hy sinh và lòng vị tha mà Đức Trinh Nữ đại diện xưa nay.

Tri Sơ tổng hợp
Theo The Daily Beast