Tản mạn

Trong mây

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:51 - Chia sẻ
Cái tiếng kèn đất đẹp đẽ một cách u buồn cất lên trong chiều muộn gieo vào tâm trí tôi một ý niệm về sự kết nối của con người với lịch sử, với những trầm tích văn hóa của người xưa...

Hồi trẻ, đọc “Phế Đô” của Giả Bình Ao, tôi bị ám ảnh bởi đoạn văn tả tiếng kèn đất ở một đoạn thành cũ trong cái thành phố từng là Phế Đô. Cái tiếng kèn đất đẹp đẽ một cách u buồn cất lên trong chiều muộn gieo vào tâm trí tôi một ý niệm về sự kết nối của con người với lịch sử, với những trầm tích văn hóa của người xưa. Ý niệm đó khiến cho mỗi lần đến Tây An sau này, tôi đều cố gắng đi qua những đoạn tường cũ những buổi chiều muộn để tưởng tượng về những tháng ngày xưa cũ ở nơi đây.

Hôm rồi, tôi đi cùng bạn lên Sapa, đúng dịp có show diễn “Vũ điệu trên mây” được tổ chức ở Sun World Fansipan Legend. Các show diễn thực cảnh tôi xem cũng khá nhiều, ở những cổ trấn du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, nên không hào hứng lắm, nhưng nể bạn mà mua vé lên xem. Và, khá bất ngờ khi bên cạnh sự hoành tráng của công nghệ dàn dựng, tôi nhận ra mình thực sự cảm thấy xúc động bởi những liên tưởng về một Sa Pa vừa quen vừa lạ, một Sa Pa xưa cũ đầy mộng mơ với tiếng vó ngựa sỏi đèo, với điệu khèn trong sương, với tiếng sáo ngân nga động cánh hoa đào… Một Sa Pa tưởng như đã khuất lấp giữa những ồn ào xô bồ của một thị trấn nhiều năm quá tải như bừng thức trong mây.

Một show diễn thực cảnh, cho dù có được dàn dựng công phu đến thế nào thì cũng không thể thay thế được những ký ức của những người đã từng đến, và yêu Sa Pa của rất nhiều năm trước. Nhưng với những du khách đến với Sa Pa bây giờ, và sau này, đó là cơ hội duy nhất để họ tìm thấy được những cảm thức hoài niệm về một Sa Pa đã từng đẹp đẽ. Giống như tôi đã từng hình dung về thành cổ Tây An khi đọc Giả Bình Ao.

Có lẽ Sa Pa đã có một cơ may, và những người khách du lịch đến với Sa Pa bây giờ, và sau này cũng đã có một cơ may, khi họ phần nào có thể cảm nhận được một Sa Pa đã từng như trong “Vũ điệu trên mây”.

Phạm Trung Tuyến