Chính sách và cuộc sống

Trọng tâm của quy trình lập pháp

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:33 - Chia sẻ
Dù chưa thật “chín” song đề xuất “đổi vai” công đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự án luật từ cơ quan chủ trì thẩm tra hiện nay sang cơ quan trình có lẽ sẽ được nhiều ĐBQH tán thành.

Việc giao cơ quan trình chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự án luật thực ra cũng không mới mẻ gì đối với nước ta vì đã được áp dụng trong hoạt động lập pháp trong giai đoạn trước năm 2008.  Có nhiều lý do khiến QH phải quyết định chuyển thẩm quyền chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về các cơ quan của QH khi sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2008. Trong đó, một lý do chưa được các cơ quan hiện nay đề cập là tư duy “quyền anh”, “quyền tôi”, cài cắm lợi ích, giành phần thuận lợi về mình của các cơ quan quản lý nhà nước trong các dự luật. Vì thế, cùng với rất nhiều sửa đổi quan trọng ở từng khâu của quy trình lập pháp trong Luật 2008, Luật 2015, các nhà lập pháp đã kỳ vọng rằng, việc đưa công đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về cơ quan của QH sẽ là “bộ lọc” khách quan, công tâm để chặn lại các lợi ích cục bộ của cơ quan trình và bảo vệ các lợi ích chung của người dân, của đất nước. Năm 2015, khi QH sửa đổi toàn diện Luật 2008, Chính phủ cũng đã từng nêu đề xuất “đổi vai” trở lại như quy trình trước khi có Luật 2008 nhưng đã không được chấp nhận.

Dù vậy, một thực tế không thể phủ nhận là, sau hơn 10 năm, kỳ vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Lý do chủ yếu là bởi việc chuẩn bị các dự luật vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện bắt buộc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các Ủy viên UBTVQH đã rất nhiều lần phản ứng về tình trạng hồ sơ một số dự luật mới chỉ là những phác thảo rất sơ bộ. Các tài liệu, báo cáo đầu vào quan trọng nhất của dự luật như tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của các chính sách mới, lấy ý kiến của các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp... còn hình thức và không đủ độ tin cậy. Đó cũng là lý do vì sao có những dự luật sau khi trình sang cơ quan thẩm tra và QH cho ý kiến lại buộc phải có những thay đổi rất lớn cả về chính sách và thiết kế các điều khoản cụ thể. Khi nội dung, điều kiện, nguồn lực thực thi chính sách của dự luật chuyển đến cơ quan của QH vẫn chưa tường minh, không hiếm trường hợp còn mơ hồ cả về cách thức tiếp cận và tư duy xây dựng luật thì cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý - lẽ ra phải chuyên tâm vào việc phản biện, “sàng lọc” để bảo đảm dự luật trình QH thông qua thực sự “chín” lại phải đi làm thay công việc của cơ quan trình, bắt tay soạn thảo lại với nguồn lực cực kỳ mỏng. Còn cơ quan trình thì ỷ lại, thậm chí là “dỗi”, cho rằng QH sửa nhiều làm thay đổi cả chính sách ban đầu nên giải trình, tiếp thu, chỉnh lý là việc của QH và “tự cho phép” mình hết luôn cả trách nhiệm với dự luật.

Nói như vậy để thấy rằng “đổi vai” như đề xuất của Chính phủ là rất cần vì sẽ giảm được gánh nặng rất lớn, áp lực rất nặng nề của các cơ quan của QH. Nhưng thực tế cũng rất rõ ràng là, chất lượng các dự luật không chỉ phụ thuộc vào việc ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý. Cứ mỗi lần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta lại tìm tòi, đề xuất cải tiến, đổi mới về quy trình nhưng tại sao vẫn không thực sự nâng được chất lượng lập pháp như mong muốn? Câu trả lời đơn giản là bởi “lỗi” không nằm ở quy trình mà nằm ở trách nhiệm, chế tài xử lý trách nhiệm của từng chủ thể trong từng công đoạn của quy trình lập pháp. Nói cách khác, đề xuất “đổi vai” - quay trở lại với quy trình đã từng thực hiện và đã từng phải hủy bỏ trước đây - thực chất là “phương thuốc kê không trúng bệnh”.  

Trách nhiệm và cơ chế chịu trách nhiệm mới là vấn đề cần sửa nhất trong dự luật trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới. Trong đó, phải đặt trọng tâm trách nhiệm vào cơ quan thực hiện khâu đầu tiên cũng là khâu quan trọng nhất của quy trình lập pháp: cơ quan đề xuất, phân tích sự cần thiết của chính sách và phê duyệt chính sách. Một đề xuất chính sách “khơi khơi”, không thực sự xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, không được phân tích, đánh giá thấu đáo vẫn được phê duyệt, vẫn được đề xuất ban hành luật hay sửa đổi luật thì các công đoạn tiếp theo, từ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đến tiếp thu, chỉnh lý, thông qua đều sẽ rơi vào tình trạng bị động, “vừa làm vừa dò” như vừa qua mà thôi.

Nguyễn Bình