Trung Quốc “lấn sân” ở Mỹ Latin

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 07:49 - Chia sẻ
Về mặt lịch sử, Mỹ luôn tỏ ra nhạy cảm đối với những cường quốc liên quan đến các vấn đề ở tây bán cầu. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, Washington dường như lơ là khu vực mà họ luôn coi là “sân sau” của mình ở châu Mỹ này. Thay vào đó, nhất là sau sự kiện 11.9, chính sách đối ngoại của Mỹ chuyển hướng sang Á - Âu. Nhân cơ hội đó, Trung Quốc đã nhanh chóng bước vào Mỹ Latin, củng cố quan hệ, mở rộng kinh tế và đổ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.

Quan tâm từ sớm

Thực tế, sự quan tâm của Bắc Kinh từng được nêu rõ trong một bài viết chính sách năm 2008, nhưng phần lớn bị bỏ qua vào thời điểm đó. Mặc dù cách nhau hẳn bề rộng của Thái Bình Dương, bài báo tuyên bố hai bên luôn tận hưởng tình bằng hữu tốt đẹp vì mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển. Phần lớn các chính phủ tại khu vực Mỹ Latin thuộc cánh tả và thường có mối quan hệ không mấy êm ả với Mỹ. Vì vậy họ rất hoan nghênh thông điệp của Trung Quốc về phát triển hài hòa và hợp tác. Xét cho cùng, mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn dắt ở xứ sở Vạn Lý Trường Thành đã đẩy nền kinh tế nước này phát triển vượt bậc trong bốn thập kỷ qua, giúp hơn 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo và tăng đáng kể mức sống của người dân. Đương nhiên, các quốc gia Mỹ Latin luôn mong muốn đạt được những thành tựu như vậy.

Giờ đây, hơn một thập kỷ đã trôi qua, những nỗ lực của đất nước gấu trúc đã mang lại nhiều kết quả. Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh về cả kinh tế lẫn ngoại giao đã được nâng lên đáng kể trong khu vực, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không ngừng tăng nhiệt, khiến Mỹ có thái độ vô cùng cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp tình hình mới này, chính sách của Washington đối với Mỹ Latin vẫn chưa thấy nhiều cải thiện. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Mỹ đã áp đặt thuế quan, cắt viện trợ những quốc gia không ngăn chặn được làn sóng di cư sang đất nước của nữ thần tự do, đồng thời quyết tâm xây dựng một bức tường dọc biên giới phía nam với Mexico. Hiện nay các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối mặt với câu hỏi hóc búa: Trung Quốc đã chứng minh rằng các chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo có hiệu quả, tạo điều kiện cho Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp công nghệ cao…
Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, để bảo vệ tầm ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latin, Mỹ sẽ phải làm nhiều việc hơn là chỉ tính lại các chính sách khu vực của mình. Theo họ, Washington cần xem xét cẩn thận các phương pháp tiếp cận kinh tế - địa chính trị; nghiên cứu nghiêm túc các sáng kiến kinh tế nhà nước của Trung Quốc để hiểu chính xác tại sao nước này đạt được thành công lớn đến vậy ở tây bán cầu.

Gặt hái nhiều thành tựu

Truyền thông Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2016 luôn có nhiều bài viết phản ánh rõ mục tiêu của việc thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác vì sự bình đẳng, cùng có lợi và phát triển chung với các nước Mỹ Latin - Caribe. Các bài viết nhấn mạnh rằng, Trung Quốc mong muốn giúp khu vực giải quyết nhu cầu bức thiết. Với hơn 60% con đường tại đây vẫn chưa được trải nhựa, 70% lượng nước thải chưa được xử lý, trong khi đó lưới điện thiếu ổn định gây tổn thất lớn về điện năng, Mỹ Latin vẫn còn rất nhiều việc phải làm và cần sự trợ giúp.

Thực ra, bản thân Mỹ không phải không nhận thức được nhu cầu của khu vực Mỹ Latin. Cách đây chỉ vài năm thôi, tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 ở Washington về châu Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ lúc đó là ông Penny Pritzker đã đặc biệt lưu ý, Mỹ có nhiều cơ hội đầu tư quan trọng ở Mỹ Latin, nhất là cơ sở hạ tầng. Nhưng trong khi Washington phải trầy trật thuyết phục các công ty tư nhân đầu tư xuống phía Nam thì Bắc Kinh cùng các doanh nghiệp nhà nước (SOE) hùng mạnh của mình đã sẵn sàng lên đường và xây dựng nhanh hơn. Với cam kết tăng cường hiện diện trong khu vực cũng như sẵn sàng triển khai hàng tỷ USD để thúc đẩy thương mại, đầu tư cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, đương nhiên các Chính phủ Mỹ Latin sẽ không làm Bắc Kinh thất vọng.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2000 - 2017, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 109 tỷ USD vào Mỹ Latin. Kể từ năm 2005, các ngân hàng chính sách Trung Quốc như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã giải ngân hơn 141 tỷ USD cho vay. 87% trong số đó là để phục vụ các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng…

Ngoài ra, một báo cáo của Ủy ban Kinh tế về Mỹ Latin và Caribe thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy, giá trị thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đã tăng trưởng vượt bậc, từ vài tỷ USD năm 2000 đã vọt lên khoảng 266 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, theo số liệu năm 2006, hàng hóa sản xuất chiếm 91% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ Latin từ Trung Quốc, so với 68% từ phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, các mặt hàng (được xếp theo thứ tự quan trọng) như đậu nành, quặng đồng, quặng sắt, đồng tinh luyện và dầu chiếm tới 72% lượng xuất khẩu của Mỹ Latin sang Trung Quốc, so với 27% sang các nước khác.

Những con số ấn tượng đó có thể khiến nhiều người Mỹ cảm thấy sốt ruột và sợ rằng đất nước cờ hoa đang đánh mất dần Mỹ Latin vào tay kình địch Trung Quốc.

Ngọc Minh