Chính sách chống ô nhiễm không khí của một số quốc gia

Trung Quốc<br>Lấy lại bầu trời xanh một cách bài bản, sáng tạo

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 09:35 - Chia sẻ
Nhờ vào sự đầu tư khổng lồ về thời gian, nguồn lực và ý chí chính trị, Trung Quốc đang dần thoát khỏi hình ảnh điển hình về quốc gia ô nhiễm hàng đầu thế giới. Một số thành phố như Bắc Kinh, Hàng Châu ngoài việc xây dựng các chính sách hợp lý còn đưa ra nhiều sáng kiến độc đáo để có thể thấy lại bầu trời xanh.

Mũi tên 6 hướng

Thủ đô Bắc Kinh, nơi được mệnh danh đệ nhất ô nhiễm không khí trên thế giới đã quyết không cam chịu số phận. Chính quyền thành phố đã lập ra kế hoạch hành động chi tiết tập trung vào 6 hướng chính, bao gồm kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm khói bụi, phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm, và ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.

Cụ thể, thành phố ủng hộ và thiết lập các hệ thống giao thông xanh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng. Song song với đó là kiểm soát số lượng phương tiện tham gia giao thông số thông qua biển số hay tăng mức tiêu chuẩn khí thải với các phương tiện đó. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng hỗ trợ kinh phí để loại bỏ hàng loạt xe “quá đát”, không đáp ứng được tiêu chuẩn phát thải, thay vào đó là các xe sử dụng năng lượng sạch hoặc xe điện. Chưa hết, chính quyền còn tăng chi phí sử dụng xe cơ giới, siết chặt quản lý xe không phải biển số từ Bắc Kinh. Chẳng hạn, xe biển ngoại tỉnh không được lưu thông ở Bắc Kinh quá 7 ngày liên tục. Sau 7 ngày, xe phải rời khỏi Thủ đô và xin giấy phép khác với mức phí 50 NDT (7 USD). Chính quyền thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thay thế 70.000 taxi thông thường sang taxi chạy điện, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 20.000 taxi điện được lưu thông. Chính quyền còn đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu… Đối với ô nhiễm bụi, Bắc Kinh kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo bụi, tăng cường quét đường và trồng cây xanh để hấp thu bụi.


Đạp xe để giảm ô nhiễm không khí ở Trung Quốc

Trở lại thời “hai bánh”

Trung Quốc từng được gọi là “Vương quốc xe đạp” khi phương tiện này thống trị mọi nẻo đường trên khắp cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế ngoạn mục đi kèm với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều người đã tạm biệt xe đạp để chuyển sang các phương tiện giao thông khác thuận tiện hơn nhiều như xe máy, ô tô. Chính điều này đã góp phần làm suy giảm đáng kể chất lượng không khí của đất nước gấu trúc.

Tại Hàng Châu, thành phố ở miền đông Trung Quốc từng được nhà thám hiểm người Italy Marco Polo mô tả là đô thị đẹp và lộng lẫy nhất thế giới, ô nhiễm không khí thực sự đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí tại đây đã vượt ngưỡng an toàn của WHO.
Tuy nhiên, trong nỗ lực cải thiện sức khỏe cộng đồng và môi trường, chính quyền Hàng Châu đã tập trung vào việc khuyến khích người dân đi xe đạp, kết hợp với công nghệ kỹ thuật số để giúp giảm ô nhiễm. Ý tưởng trên cũng đang được nhiều thành phố khác noi gương.

Trong thập kỷ qua, các chính quyền địa phương đã cải thiện cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp, như làn đường và tín hiệu giao thông được thiết kế chỉ dành cho người đi xe đạp; cung cấp gần 86.000 chiếc xe đạp công cộng; lưu hành thẻ thông minh cho phép người dùng dễ dàng truy cập tất cả các hình thức giao thông công cộng, từ xe đạp, thuyền đến xe buýt. Nhờ sáng kiến, đi xe đạp đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch.

Theo ông Tao Xuejun, Tổng Giám đốc của Dịch vụ Xe đạp công cộng Hàng Châu (nằm dưới sự quản lý của nhà nước), đến nay đã có tổng cộng 760 triệu lượt đi xe, chiếm gần một nửa dân số Trung Quốc. Cũng theo ông, cho đến nay, hơn 400 thành phố ở Trung Quốc đã áp dụng dự án của Hàng Châu và ước mơ của ông Tao là quảng bá mô hình này không chỉ khắp Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

Ứng dụng di động trồng triệu cây xanh

Cùng với mong muốn hồi sinh thói quen đạp xe của người dân, Hàng Châu  còn là quê hương của một biện pháp sáng tạo khác nhằm khuyến khích lối sống bền vững hơn. Đó là một ứng dụng giúp ngăn chặn sa mạc hóa, hạn chế ô nhiễm không khí và trồng hàng triệu cây mới.

Chương trình nhỏ mang tên “Ant Forest” là một dự án của Alipay - ví điện tử đình đám của Trung Quốc có trụ sở tại Hàng Châu. Ứng dụng này thúc đẩy người dùng đưa ra những quyết định tuy nhỏ nhưng lại thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày, như đi xe đạp thay vì lái xe đi làm hoặc tái chế quần áo. Khi người dùng thực hiện bất kỳ hoạt động giảm carbon nào, họ sẽ được thưởng “điểm năng lượng xanh”.

Khi họ tích lũy đủ điểm ảo, một cây thật sẽ được trồng để phủ xanh những vùng đất trọc nhất ở Trung Quốc và họ sẽ được cây “mình trồng” thông qua hình ảnh vệ tinh. Theo Ant Financial - công ty cung cấp dịch vụ tài chính của Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và là chủ sở hữu của Alipay, hơn 100 triệu cây đã được trồng, nhờ các hành động “carbon thấp” của 500 triệu cá nhân, chiếm khoảng 5% dân số thế giới.

Nhờ ý tưởng sáng tạo trên, ứng dụng Ant Forest đã nhận được giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực môi trường mang tên “Champions of the Earth” (Nhà vô địch của Trái Đất) năm 2019 do Liên Hợp Quốc trao tặng. 

Ngọc Minh