Trung thực trong giáo dục

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:20 - Chia sẻ
Đề kiểm tra học kỳ II môn Vật lý ở TP Quảng Ngãi và môn Ngữ văn ở TP Pleiku (Gia Lai) bị lộ khiến hàng nghìn học sinh phải thi lại, công an địa phương phải vào cuộc. Quy trình kiểm soát đề thi thế nào, việc in sao đề thi ra sao, qua những khâu thực hiện nào để đề thi có thể lộ lọt khá dễ dàng như vậy?

Vụ lộ đề thi tại TP Pleiku theo thông tin ban đầu là do một số học sinh đi học thêm ở các cơ sở dạy thêm đã biết đề trước và có trao đổi trên mạng xã hội. Còn vụ lộ đề thi tại TP Quảng Ngãi, trong buổi kiểm tra học kỳ II ở trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi), nhiều học sinh chỉ làm bài từ 10 - 15 phút đã xong và ra về. Thấy hiện tượng lạ, Ban Giám hiệu nhà trường đã kiểm tra và phát hiện một số học sinh của trường giữ nhiều bản chụp đề thi môn Vật Lý. Ngoài môn Vật lý bị lộ đề thì nguy cơ còn 4 môn học khác của khối lớp 7 bị lộ.

Đáng nói, đề thi cuối kỳ môn Ngữ văn lớp 9 tại TP Pleiku là đề thi chung, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku giữ đề thi gốc, các trường phụ trách khâu in sao và phát đề. “Việc in sao đề thi ở hơn 20 đầu mối nên rất khó xác định bị lộ chỗ nào, phải nhờ công an vào cuộc”. Thế mới biết, cứ tưởng rằng quy trình ra đề thi, bảo mật đề cho đến khi thi được vận hành theo một quy trình rất kín kẽ, nhiều khâu giám sát, hội đồng thi kiểm tra chặt chẽ... nhưng hóa ra không phải vậy. Vẫn có những kẽ hở để lộ, lọt đề thi nhưng không kiểm soát được hở ở chỗ nào. Trong thực tế, còn biết bao nhiêu vụ việc lộ đề kiểm tra, đề thi từ bậc phổ thông đến bậc đại học, cao đẳng mà không bị phát giác, xử lý kỷ luật.

Liên tiếp những vụ lộ đề thi qua các năm ở tình này tỉnh kia cho thấy chẳng có quy định nào ngăn chặn được tiêu cực nếu vẫn còn bệnh thành tích trong giáo dục, sự thiếu trung thực ở việc đo lường và đánh giá năng lực của người học còn thiếu khách quan. Một số thầy cô giáo khi được phân công, giao nhiệm vụ ra đề thi hoặc in sao đề thi, chắc chắn thừa biết làm lộ đề là vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý kỷ luật nhưng vẫn bất chấp, cố tình thực hiện. Chỉ vì ưu ái cho học sinh do mình dạy thêm; “mách nhỏ” đề thi cho người thân, anh em, bạn bè; vì chỉ tiêu, thành tích, vì sự gửi gắm của phụ huynh… khiến đề thi bị lộ, nhiều học sinh phải thi lại trong bức xúc.

Thành tích học tập của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của kết quả thi học kỳ, nên lộ đề thi là lỗi cực kỳ nghiêm trọng trong quản lý giáo dục. Cá nhân làm lộ đề thi học kỳ cần kỷ luật nghiêm minh, nhưng việc để lộ đề thi cho thấy công tác quản lý giáo dục ở nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu. Đã có thời gian ngành giáo dục quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử rất quyết liệt, và bộ mặt thật của giáo dục phổ thông mới lộ ra với tỷ lệ tốt nghiệp thấp giật mình. Và đỉnh điểm là việc mua bán, đổi chác điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - câu chuyện có lẽ còn được nhắc đến rất nhiều về sau. Dù 222 thí sinh vi phạm bị phát hiện ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang trên tổng số 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi không phải là con số lớn, nhưng đã lột tả sự bất lực khi sự gian dối nằm ngay trong hệ thống giáo dục tại các địa phương.

Theo Quyết định 59/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng, đề thi THPT Quốc gia, đề thi chọn học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh, thi hết môn… đều thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật, trường hợp vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, công khai trong ngành giáo dục để mọi người cùng rút kinh nghiệm vì việc làm này gây tâm lý hoang mang, lo lắng và mất niềm tin đối với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Rõ ràng, nếu những vụ việc này không bị phát hiện, sẽ đánh mất sự công bằng thi đua trong học tập. Điểm số từ các bài thi biết đề trước sẽ không đánh giá đúng học lực của học sinh và tất nhiên kéo theo tình trạng ngồi nhầm lớp, những học sinh ăn cắp điểm từ việc biết trước đề thi sẽ tự bằng lòng với việc dối trá. Đặc biệt, sẽ dẫn đến những định hướng sai lệch trong giáo dục học sinh và có hiện trạng học thêm, dạy thêm khó kiểm soát như hiện nay, gây ra nhiều hệ lụy, thiếu công bằng trong điểm số, thi cử. Không giải quyết được vấn đề này, chính là sự thất bại của giáo dục khi muốn hướng đến mục tiêu tạo ra những con người nỗ lực phấn đấu, trung thực và tôn trọng bản thân.

Duy Anh