Góc nhìn văn hóa

Trước một nghĩa cử

- Thứ Tư, 17/04/2019, 09:08 - Chia sẻ
Một nhạc sĩ thuộc hạng cây đa cây đề trong làng nhạc kể với tôi câu chuyện sau:

Ông sáng tác bài hát dành cho trẻ mẫu giáo có tên trùng với tên một trường mầm non. Bởi vậy, ông nảy ra ý nghĩ tặng trường này để phục vụ các cháu (thường thì trường nào cũng muốn có bài hát về trường mình). Ông gọi điện thoại theo số ghi trên tấm biển trường trước cổng, sau nhiều lần mới có người nhấc máy nhưng được trả lời: “Cô hiệu trưởng đi họp!”. Ông gọi tiếp nhiều lần nhưng đều nhận được câu trả lời tương tự. Ông đề nghị các cô nói lại với hiệu trưởng và cho họ số điện thoại của mình, nhưng cũng không thấy hồi âm.

Sau đó, ông quyết định đến tận trường để gặp hiệu trưởng. Nhưng bảo vệ không cho vào và cũng nói giống như các cô nhân viên trả lời qua điện thoại. Ông bèn viết cho hiệu trưởng mấy chữ với nội dung có việc cần gặp, vì rất nhiều lần gọi điện thoại không được, nên đề nghị cô gọi lại cho ông theo số điện thoại ghi trong thư. Cô ta vẫn im như thóc. Thế là quá rõ: Cô ta đã không muốn tiếp người lạ, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại.

Ông bèn nghĩ ra cách sẽ đến trường vào đầu giờ buổi sáng lúc người nhà đưa các cháu đến trường. Bảo vệ sẽ không hỏi vì nghĩ ông là người nhà của học sinh. Với kế này, ông đã gặp được cô hiệu trưởng. Nhưng cần nói thêm là trước lúc cô ta đến, có người tạp vụ mở phòng để quét dọn, thấy ông, hỏi rất khiếm nhã: “Bác hỏi ai, có việc gì?”. Ông nói là cần gặp hiệu trưởng. Chị ta không mời ông vào phòng mà nói gọn lỏn: “Chưa đến”. Thế là ông ra ghế đá sân trường ngồi.

Đến lúc hiệu trưởng xuất hiện, nhìn thấy ông tiến lại gặp mình, cô ta cũng không nói gì, khiến ông phải cất lời chào trước. Vị nhạc sĩ khả kính đi ngay vào vấn đề là có ý muốn tặng trường bài hát và đề nghị cô có thể cho mở ngay để nghe. Ông nói luôn là tặng chứ không có yêu cầu gì khác (thường các nơi phải trả nhiều chục triệu đồng cho nhạc sĩ sáng tác bài hát về đơn vị mình). Nhưng cô ta có vẻ không muốn tiếp nhận món quà tinh thần vị nhạc sĩ tặng nhà trường. Cô ta không muốn nghe thử, càng không có ý mở cho các cháu nghe và tiếp ông rất miễn cưỡng.

Sau vài phút tiếp xúc với cô hiệu trưởng nhạt nhẽo và có phần vô cảm, vị nhạc sĩ đã ra về. Tuy nhiên, cô ta cũng nói một câu đãi bôi: “Bác có thể cứ để lại bài hát”. Nhưng ông không thể đáp ứng.

***

Quả là một trường hợp hiếm gặp. Thường thì người ta rất quý hóa khi được nhận quà, nhất là món quà tinh thần có ý nghĩa và người tặng hoàn toàn vô tư, chủ động. Cô hiệu trưởng trong câu chuyện trên tỏ rõ vừa vô cảm, vừa bất lịch sự trước nghĩa cử của vị nhạc sĩ khả kính. Cô ta còn thể hiện là người kém văn hóa, không chú trọng đến đời sống tinh thần các bé thơ của trường mình khi thờ ơ với tác phẩm vị nhạc sĩ muốn tặng các cháu.

TS. Nguyễn Đình San