Truyền hình quốc tế - đồng hóa văn hóa?

- Thứ Hai, 01/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Truyền hình là một công cụ truyền bá và biến đổi văn hóa mạnh mẽ. Tuy vậy, do nhiều yếu tố, không thể áp đặt cho thế giới một mô hình văn hóa duy nhất qua truyền hình. Đó là khẳng định của Ts Christian Delporte - nhà nghiên cứu lịch sử các phương tiện thông tin đại chúng, giảng viên ĐH Versailles Saint – Quentin, Giám đốc Trung tâm lịch sử văn hóa các xã hội đương đại của Pháp.

Bản sắc văn hóa trên truyền hình

Chìa khóa của toàn cầu hóa văn hóa là sự tồn tại một hệ thống truyền thông đại chúng khá hoàn thiện, tạo cảm giác về khả năng xuất hiện đồng thời ở nhiều nơi. Với lợi thế về hình ảnh, âm thanh, đường truyền, truyền hình không chỉ là một phương tiện cung cấp thông tin, mà còn là công cụ truyền bá và biến đổi văn hóa mạnh mẽ. Về mặt này, do ảnh hưởng từ các chương trình đến từ Mỹ, và ở mức độ ít hơn từ châu Âu, người ta đặt ra vấn đề về việc đồng hóa văn hóa bởi ngành truyền hình.

Hiện nay, phim truyền hình của Mỹ tràn ngập hành tinh, rẻ hơn cả tác phẩm nghệ thuật. Cùng một bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ nhưng bán cho một nước châu Phi lại rẻ hơn khi bán cho một nước châu âu. Chương trình mua thậm chí còn rẻ hơn tự sản xuất trong nước. Sức mạnh của Hollywood là thích nghi nhanh với thị hiếu của khán giả. Họ thiết kế những sản phẩm truyền hình phục vụ xuất khẩu, tức là để ai cũng hiểu được. Điều này làm công chúng và các đài truyền hình, cả bên sản xuất và bên mua, đều thỏa mãn.

Hiện tượng này không phải mới, mà đã bắt đầu từ những năm 1960. Ở Pháp, đến năm 1964 mới chỉ có một kênh truyền hình, và khi người ta mở thêm kênh thứ 2, không có đủ chương trình để phát sóng. Mỹ và Anh đã đề xuất bán phim trinh thám, phim mạo hiểm, phim cao bồi với giá rẻ. Những phim đó, khi chiếu thu hút đông đảo công chúng. Từ đó, luồng phim Anh – Mỹ không ngừng chảy vào Pháp. Không chỉ Pháp, các nước châu Phi nói tiếng Anh cũng đã quá quen với các sản phẩm của Mỹ, như Ouganda, do không có kinh phí sản xuất phim truyền hình nên đã phải nhập khẩu 85% chương trình phát sóng vào giữa những năm 1980, đa số từ Mỹ. Các sản phẩm được mua giá rẻ thường kéo theo tác động ngược. Ví dụ, Nigeria có thể mua rẻ các chương trình nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, nên không tìm cách sản xuất chương trình riêng, khiến truyền hình Nigeria bị các chương trình giải trí với giá trị và lối sống Mỹ lấn át các chương trình văn hóa mang sắc thái Nigeria.

Tuy nhiên, giải trí trên truyền hình không chỉ bị chi phối bởi Mỹ, mà còn có các quốc gia khác, như telenovelas (phim truyền hình nhiều tập với những câu chuyện lâm ly) của Nam Mỹ. Telenovelas vốn phát triển từ những năm 1970, đã trở thành nền công nghiệp thực sự, được sản xuất theo cường độ mỗi ngày 1 tập 45 phút. Betty la fea (Betty xấu xí), telenovelas của Colombia, sáng tác năm 1999, phát sóng ở 150 nước, rồi được cải biên ở Nga, ấn Độ, Đức, Mỹ. Ở Đức, phim thành công đến nỗi đã kéo dài đến 645 tập. Tuy vậy, cũng có những nước như Anh hoàn toàn không thích thể loại này, vì bị coi là “quá Latin”.

Lựa chọn thuộc về khán giả

Các chương trình, phim truyền hình của Mỹ và châu âu có thể thấy ở khắp nơi. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng của chúng đến bản sắc văn hóa mỗi quốc gia phụ thuộc vào khán giả xem truyền hình. Có thể thấy điều này từ kinh nghiệm củaẤn Độ. Tại đây, mãi đến những năm 1980, truyền hình mới phát triển, nhưng với tốc độ nhanh chóng nhờ vệ tinh. Truyền hình nhà nước sở hữu kênh truyền hình khu vực với 15 thứ tiếng, và các kênh tư nhân phát sóng bằng 9 thứ tiếng. Các kênh tư nhân này bùng nổ vào những năm 1990, trước tiên với CNN, STAR TV, SUN TV, MTV, SONY TV... Và khi các kênh tư nhân nước ngoài đến ấn Độ đã nhập các chương trình mà họ từng phát sóng ở nơi khác, không quan tâm đến văn hóa Ấn Độ. Kết quả là rất ít người xem. Do đó, các kênh tư nhân này phải thay đổi chiến lược bằng cách “Ấn Độ hóa”. Kênh MTV - India đã đổi hình hiệu, phát sóng 70% nhạc dân gian Ấn Độ, điện ảnh Bollywood cùng những chương trình âm nhạc tôn vinh nghệ sỹ ấn. Và khán giả tăng đột biến.

Có thể nói, nền văn hóa đa dạng là sức mạnh để ấn Độ kháng cự sự thống trị của mô hình phương Tây. Người Ấn Độ cũng để lại dấu ấn với những chương trình truyền hình thực tế và chương trình giải trí mua bản quyền từ Mỹ. Các ca sỹ đuợc trao giải thưởng hát trên nền nhạc ấËn Độ, những vấn đề đặt ra trong các trò chơi truyền hình mang nét điển hình về điện ảnh, lịch sử ấËn Độ, huyền thoại về đạo Hindu... Nhưng người Ấn còn làm tốt hơn thế. Họ lấy cảm hứng từ những chương trình của Mỹ để sản xuất chương trình của chính họ. Bên cạnh Indian Idol, phiên bản cuộc thi hát American Idol, trên kênh ZEE TV, người ta mở thêm chương trình Nach Baliye trên STAR, lần này các đôi cùng thi hát và nhảy... Ngoài dấu ấn về văn hóa, điện ảnh Bollywood đứng hàng đầu thế giới về sản xuất và có thể làm mê đắm khán giả với các bộ phim dựa trên lịch sử, văn hóa của họ, khiến người  Ën có thể bỏ qua phim truyền hình nhiều tập của Mỹ.

Từ những ví dụ cụ thể trên, Ts Christian Delporte khẳng định, xét trên quy mô toàn cầu, vai trò của văn hóa phương Tây, công nghiệp hóa và thương mại hóa các sản phẩm trên quy mô lớn, sức mạnh về mặt thông tin hay phát sóng chương trình không đủ áp đặt cho thế giới một mô hình văn hóa duy nhất qua truyền hình. Dù vậy, các nước có nền kinh tế kém, các nước nằm trong tầm ảnh hưởng chắc chắn phải chịu đựng hiện tượng xâm lược văn hóa nhiều hơn. Và sức kháng cự của mỗi quốc gia phụ thuộc vào sự bám rễ vào văn hóa dân tộc, sự phong phú của văn hóa dân tộc, mặt khác là do cách nhìn nhận thế giới xung quanh của người dân. Bên cạnh đó, nhà nước cần nắm giữ những kênh truyền hình có vị thế nhất định; đồng thời, phải sản xuất chương trình, phim truyền hình riêng của mỗi quốc gia.

Lê Thủy