Cấm bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi

Truyền thông thay đổi hành vi

- Thứ Năm, 24/09/2020, 07:41 - Chia sẻ
Từ ngày 15.10.2020, hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Quy định này thể hiện sự tiến bộ và lấp khoảng trống luật pháp bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng rượu bia. Tuy nhiên, để khả thi, bên cạnh chế tài mạnh mẽ, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; đồng thời quan tâm hơn nữa tới vấn đề truyền thông để nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người dân.

Người bán hàng sẽ không còn... thờ ơ?

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ người sử dụng rượu bia trong độ tuổi từ 14 - 21 ở nước ta chiếm tới hơn 70%. Rượu bia đang đang ngày càng quen thuộc trong đời sống giới trẻ. Trước thực trạng này, nhiều quy định về việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi đã có hiệu lực. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng quy định rõ nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân bán, rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Các cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

Phạt tiền nếu bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trẻ em có thể đi mua rượu, bia một cách dễ dàng; hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào. Hầu hết người bán hàng còn rất thờ ơ, không biết đến hoặc cố tình không tuân thủ quy định. Rõ ràng đây là vấn đề khó, nan giải, không khác mấy so với việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, khi các cơ quan chức năng không biết ai phạt, phạt ai.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả quy định cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, cũng như bảo vệ đối tượng này khỏi tác động của chất kích thích, đồ uống có cồn do khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn hạn chế, tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện, theo Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2020 sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Đây là điểm mới vì theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP chỉ xử phạt hành vi bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi, còn bán bia không quy định.

Ai phạt, ai nộp tiền phạt?

Theo Giám đốc Công ty luật Minh Bạch Trần Tuấn Anh, kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển cho thấy, chỉ một vi phạm liên quan tới việc cung cấp rượu, bia, chất kích thích cho trẻ vị thành niên, cơ sở bán hàng sẽ lập tức bị rút giấy phép hoạt động. Do đó, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi là một trong những quy định thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với sự phát triển hiện nay trong vấn đề bảo vệ trẻ em trước những tác hại của rượu bia. Việc siết chặt các chế tài với cơ sở cung cấp, bán lẻ rượu bia là bước đi cần thiết để gióng lên hồi chuông về trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là tiền đề để các nhà làm chính sách tiếp tục đưa ra những quy định ràng buộc, chế tài rõ ràng hơn, quy trách nhiệm cụ thể hơn cho từng hành vi nhằm hạn chế sự tiếp cận với đồ uống có cồn của giới trẻ. Tuy nhiên, để đánh giá được tính khả thi cũng như hiệu quả của một quy định pháp luật phải xem xét kết quả sau khi quy định đó chính thức có hiệu lực.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, từ ngày 15.10.2020, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; bị tịch thu phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, việc ban hành quy định về xử phạt hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi là động thái rõ ràng nhằm hạn chế khả năng tiếp cận, vốn khá dễ dàng, của giới trẻ đối với đồ uống có cồn. Quy định này cũng góp phần lấp khoảng trống luật pháp bảo vệ trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi khỏi lạm dụng rượu bia. Song, tính khả thi, nghiêm túc và lâu dài vẫn là điều còn nhiều băn khoăn. Bởi, ngay chính Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khi mới ban hành cũng được thực hiện sát sao, nhưng đến nay dường như đang có dấu hiệu chững lại, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân do tài xế uống rượu bia vẫn xảy ra.

Trên thực tế, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thời gian qua cũng gặp phải không ít khó khăn, tác động từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia. Do đó, để quy định có tính khả thi, bên cạnh những chế tài mạnh mẽ, cần có sự vào cuộc một cách nghiêm minh, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng cần chú trọng, quan tâm hơn nữa tới vấn đề truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất buôn bán mặt hàng này, qua đó tạo nên sự thay đổi về hành vi. Chỉ khi người dân tự giác, có ý thức tuân thủ, quy định pháp luật mới đi vào đời sống. Đây cũng là giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn lực tài chính và nhân lực để giám sát, phát hiện, xử lý hành vi bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Hiểu Lam