TS. Trần Du Lịch: “Thị trường mới nổi không thể nổi được nếu không có những con sếu đầu đàn”

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 19:29 - Chia sẻ
Bàn về xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư về các thị trường mới, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng có hai vấn đề là động lực quan trọng cho sự phát triển của các thị trường đặc thù này: sự góp mặt của nhà đầu tư tiên phong và hạ tầng giao thông kết nối.

“Thóc đến đâu bồ câu đến đó” 

Dẫn ví dụ về thị trường địa ốc Quy Nhơn – một trong những thị trường mới đáng chú ý hàng đầu hiện nay, TS. Trần Du Lịch cho rằng sự hấp dẫn của thị trường này được tạo dựng từ bước chân của những “con sếu đầu đàn”. 

“5,7 năm trước khu vực dự án FLC Quy Nhơn (Nhơn Lý) là một cồn cát. Tỉnh gần 10 năm làm đường trục, làm cầu Nhơn Hội, đổ tiền vào hạ tầng nhưng vẫn không có nhà đầu tư. Cả bờ biển dài 12 km, các nhà đầu tư xin đất nhưng không ai làm. Chỉ đến khi FLC đặt chân về đây mới thấy được sự quyết tâm để thay đổi diện mạo vùng đất này. Và với chỉ 1 dự án này thôi đã làm thay đổi hoàn toàn nơi đây, mở ra không chỉ cơ hội cho thị trường du lịch mà còn cơ hội cả thị trường bất động sản”, ông Trần Du Lịch nói. 

TS Trần Du Lịch 

 Ví von sự kiện này với hiện tượng “thóc đến đâu bồ câu đến đó”, theo TS. Trần Du Lịch, những dự án như FLC Quy Nhơn đã tạo ra “thóc” để thu hút bồ câu về thị trường và địa phương nào cũng cần những nhà đầu tư có khả năng tạo sức lan toả tương tự. 

“5 đến 10 năm nữa từ quần thể FLC sẽ hình thành những đô thị du lịch nghỉ dưỡng vệ tinh, và tạo cơ hội, tạo thị trường nhà đầu tư. Như vậy có thể nói rằng, thị trường mới nổi không thể nổi được nếu như không có những con sếu đầu đàn”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Yếu tố thứ hai trong câu chuyện dịch chuyển dòng vốn đầu tư được ông Trần Du Lịch đề cập là câu chuyện kết nối hạ tầng tại địa phương. Theo ông Du Lịch, đầu tư sẽ chết nếu không có giao thông: “Có ý kiến cho rằng vì các thị trường truyền thống như Sài Gòn, Hà Nội hết cơ hội nên mới dịch chuyển về các tỉnh. Không, chưa hết cơ hội vì đất còn mênh mông lắm nhưng vì sao không thể phát triển được mà cứ chen lấn về các khu trung tâm nội thành. Đơn giản vì giao thông không có”. 

Ngược lại, nhiều địa phương mới lại đang cho thấy sức bật mạnh mẽ trong việc quy hoạch hạ tầng, như trường hợp của Bình Định, và điều này đã khiến địa phương trở thành một tâm điểm mới trên thị trường địa ốc. 

“Chỉ trong 4 năm, tỉnh làm được những cơ sở hạ tầng mang tính đột phá chưa từng có, trong đó có tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài từ Cảng Hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội (18,5km), tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Đề Gi (hơn 21,5km)... Đến nay, tuyến QL 19 mới và tuyến đường phía Tây tỉnh đã hoàn thành đưa vào khai thác. Tất cả những điều này góp phần mở ra thị trường tương lai cho Bình Định. Đặc biệt, mở ra những đô thị ven biển gắn với kinh tế và tiềm năng rất lớn”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. 

Hội thảo “Bất động sản 2021 và sự trỗi dậy của những thị trường mới” tại FLC Quy Nhơn 

Doanh nghiệp chọn đầu tư vào thị trường mới vì sao? 

Chia sẻ góc nhìn từ một doanh nghiệp xác định chiến lược đầu tư về những vùng đất mới ngay từ giai đoạn bước vào lĩnh vực bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nhấn mạnh yếu tố môi trường đầu tư. Khi chính quyền tỉnh quyết tâm tạo dựng môi trường công tâm, công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược thì doanh nghiệp cũng dốc toàn tâm, toàn lực để phát triển và định vị thị trường.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Những dự án của FLC tại các thị trường mới, trong đó có Bình Định, đã được xây dựng với tư duy như vậy. 

Ông Quyết cũng lưu ý về quy mô dự án – sự cần thiết trong việc định hình các sản phẩm bất động sản có quy mô lớn để thúc đẩy thị trường. 

“Với những thị trường mới, chúng tôi quan tâm đến việc đầu tư vào một quần thể lớn để tự tạo ra thị trường. 10, 20 ha đất thì không có ý nghĩa gì mà phải là những tổ hợp đa tiện ích, tối thiểu 300 ha. Trên diện tích đó, chúng tôi sẽ phác thảo ra tỉnh này cần sản phẩm gì, khách du lịch cần sản phẩm gì, nhà đầu tư cần sản phẩm gì và người dân địa phương cần sản phẩm gì… Và phải làm sao tạo ra được đa dạng các sản phẩm để lôi kéo các nhà đầu tư, du khách đến tham gia vào cuộc chơi tại một thị trường mới”. 

Nhắc đến việc FLC đang chuẩn bị khánh thành một dự án khách sạn 1500 phòng quy mô lớn nhất Việt Nam tại quần thể FLC Quy Nhơn trong tháng 11 và một tháp đôi đang chuẩn bị bàn giao trong tháng 10 năm nay, ông Quyết cho hay các nhà đầu tư chiến lược thường không dừng lại ở chỉ một vài dự án ban đầu khi đã quyết định “chọn mặt gửi vàng”. Như tại Bình Định, doanh nghiệp này đang có kế hoạch phát triển một tổ hợp nghỉ dưỡng 7 sao tại Cù Lao Xanh, và thêm nhiều sản phẩm mới cho Bình Định, ví dụ có thể là một trung tâm thương mại lớn để tất cả các tỉnh lân cận có thể đến đây mua sắm nếu thị trường khả quan. 

Sau Thanh Hoá, Quy Nhơn, Hạ Long, FLC đang tiếp tục triển khai dự án tại nhiều tỉnh thành mới như Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Gia Lai, Kontum…và đặt mục tiêu đầu tư đầu tư lâu dài để đưa các thị trường này phát triển mạnh mẽ như tại các hiện tượng Thanh Hoá, Quy Nhơn vừa qua.  

Các ông lớn đã thiết lập mặt bằng giá mới cho thị trường 

Nhận định về sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay:  “Theo thống kê của chúng tôi hơn 80% lượng tìm kiếm trong vài năm trở lại đây đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 năm gần đây lượng tìm kiếm tại các thị trường khác bắt đầu tăng lên rõ rệt. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Trong đó, các đô thị mới nổi tạo sức bật mạnh mẽ. Đơn cử như tại Quy Nhơn, lượng tìm kiếm từ quý II.2020 so với quý I.2020 đã tăng 30%. 

Giải thích cho điều này, theo ông Nguyễn Quốc Anh, điểm chung tại các thị trường mới đang chú ý hiện nay là các địa bàn chưa có nhiều sự đầu tư ban đầu về cơ sở hạ tầng. Nhưng chỉ với sự xuất hiện của 1 số tập đoàn lớn, dẫn đến mặt bằng cũng như giao dịch bất động sản tại các khu vực này tăng lên, theo đó số lượng môi giới lớn đến theo, xác lập sân chơi mới cho thị trường bất động sản.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ghi nhận tại một số địa phương mới tận dụng lợi thế phát triển du lịch như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định.... giá đất đang có sự tăng mạnh mẽ, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

“Tại Quy Nhơn, thị trường này có giá trung bình khoảng 10 triệu đồng/m2 năm 2018, đầu 2019 giá lên 15-17 triệu đồng/m2, cuối năm 2019 thời điểm rất nóng giá tăng đến 20 triệu đồng/m2. Hiện tại, mặc dù tác động của Covid-19 nhưng giá không hề quay đầu mà vẫn tăng. Đây là điều mà các nhà đầu tư rất thích và chứng tỏ sức bật của thị trường này”, ông Đính nhận xét. 

Linh Đỗ