Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Từ ấm sang lạnh

- Thứ Tư, 19/02/2020, 09:33 - Chia sẻ
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên sau khi quân đội Chính phủ Syria giành được một loạt thắng lợi quyết định tại Aleppo và tỉnh tiếp giáp Idlib. Bởi trên thực tế, Ankara và Moscow ủng hộ hai lực lượng đối đầu nhau tại quốc gia Trung Đông này.

Nguy cơ căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Tính đến ngày 18.2, quân đội Chính phủ Syria đã giành chiến thắng liên tiếp, chiếm được 23 ngôi làng ở chiến trường phía Tây và Tây Bắc của thành phố Aleppo. Theo hãng thông tấn chính thức của Syria SANA, lần đầu tiên từ năm 2012, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad thiết lập được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực bao quanh Aleppo - thành phố có số dân lớn thứ hai của Syria, vốn đã bị các lực lượng chiến binh kiểm soát phần lớn từ cuối năm 2016. Thậm chí, Bộ trưởng Giao thông Syria Ali Hammoud còn mới tuyên bố mở lại sân bay quốc tế Aleppo, 9 năm sau khi bị tạm ngừng hoạt động. Chiến thắng toàn diện ở Aleppo, kiểm soát toàn vẹn tuyến cao tốc M5 được cho là một thắng lợi đặc biệt đối với Syria trong cục diện chiến trường hiện tại. Chưa hết, quân đội Chính phủ còn đạt được các bước tiến vững chắc ở chiến trường Idlib, tỉnh giáp Aleppo, nằm ở vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, thắng lợi trên đang có nguy cơ làm sứt mẻ quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế, chính quyền Syria từng ngưng chiến dịch tại Idlib năm 2018 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký kết thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại đây năm 2017 để các nhóm đối lập rút lui. Idlib chính là một trong bốn vùng giảm căng thẳng mà Chính phủ Syria chưa tiếp quản được. Ba vùng khác là Đông Ghoute gần Damascus, các tỉnh Deraa và Quneitra ở phía nam, Rastan và Talbiseh thuộc tỉnh Homs đã bị quân đội của Tổng thống Assad lần lượt tấn công và tái chiếm trong khoảng một năm.

Bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, lực lượng Chính phủ Syria đã tiến hành nhiều chiến dịch trên không và trên bộ ở Idlib, trong đó những tuần gần đây, trận chiến bước vào giai đoạn mới. Các đợt tấn công đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara phải hành động. Nga và Syria cho biết chiến dịch trên chỉ nhằm vào những tay súng nổi dậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc họ nhằm vào cả dân thường.

Không giống như những lần Chính phủ Syria tiếp quản các vùng giảm xung đột khác, Idlib thất thủ sẽ là thảm họa đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó đồng nghĩa với việc phe đối lập Syria thất bại đau và bị loại khỏi các cuộc đàm phán tìm giải pháp cuối cùng cho Syria thời hậu chiến. Thổ Nhĩ kỳ cũng sẽ bị gạt sang bên lề và không có tiếng nói nào trong các cuộc đàm phán tương lai. Bởi Moscow và Ankara đang ủng hộ hai phe đối đầu tại Syria, theo đó Nga ủng hộ lực lượng quân đội Chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại điều động binh sĩ hỗ trợ lực lượng đối lập. Vì vậy, đây sẽ là thất bại ngoại giao lớn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm tham gia cuộc xung đột ở Syria.

Nếu nhìn lại lịch sử, có thể hiểu vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn can dự vào Syria. Sau cuộc nội chiến Syria diễn ra năm 2011, nhiều phe nhóm khác nhau trong nước tranh giành sự kiểm soát ở Syria. Trong số này có một số nhóm dân quân người Kurd, mạnh nhất là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd (YPG). Khi IS lan tràn khắp Syria, YPG nổi lên như một trong rất ít nhóm vũ trang có thể triệt hạ được tổ chức khủng bố này. Nhờ đánh bật IS khỏi miền bắc Syria, lực lượng dân quân Kurd dần dần thiết lập quyền kiểm soát ở các vùng đất chiếm giữ. Rốt cuộc họ nắm giữ khoảng một phần tư lãnh thổ Syria, gồm hầu hết vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực đông người Ảrập và các nhóm sắc tộc khác. Tuy nhiên với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng dân quân Kurd là một nhóm của tổ chức Đảng Công nhân Kurd (PKK) vốn đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập niên bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, bị nước này coi là khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ coi sự kiểm soát của người Kurd ở một vùng sát sườn với mình là mối đe dọa an ninh lớn.

Không muốn mạo hiểm

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ phản đối giải pháp quân sự ở Tây Bắc Syria nhưng nước này chắc chắn sẽ không thể mạo hiểm đương đầu với Nga. Còn nhớ, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả giá đắt khi đụng độ Nga năm 2015, thời điểm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một tiêm kích của Nga gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin đã cấm nhập khẩu hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến cáo công dân Nga không du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara sau đó đã phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục quan hệ tốt đẹp với Moscow. 

Mới đây, hôm 16.2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi lực lượng Chính phủ Syria rút khỏi Idlib và muốn đàm phán với Nga về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại đây. Hiện đã có trên 10.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào tỉnh Idlib và Ankara đã gửi kế hoạch chuẩn bị phối hợp tấn công tới lãnh đạo phe nhóm đối lập tại Syria, hành động trên có thể diễn ra trong vòng vài ngày tới. Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu/22M3 của Nga cũng đã sẵn sàng tham chiến tại Syria.

Trước câu hỏi liệu vấn đề Syria có làm quan hệ Nga - Thổ chệch hướng và ảnh hưởng tới việc Nga bàn giao hệ thống phòng không S-400 cho Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Đó là 2 vấn đề khác nhau. Chúng tôi không thể thay đổi nguyên tắc hay chính sách của mình chỉ vì một sự khác biệt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để tình hình Syria ảnh hưởng đến sự hợp tác và quan hệ song phương”.

Theo nhiều nhà quan sát, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ không muốn xung đột trực tiếp với Nga ở Syria vì hai bên có quá nhiều lợi ích chung, trong đó có các đường ống dẫn nhiên liệu, một lò phản ứng hạt nhân đang được Nga xây dựng và cả mối liên hệ kinh tế. Hiện Nga là đối tác thương mại lớn với kim ngạch trao đổi thương mại song phương hàng năm lên tới hơn 25 tỷ USD. Bản thân xứ xở Bạch Dương còn là nhà cung cấp dầu khí hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước đồng minh phương Tây trong NATO cũng không mấy tốt đẹp, thậm chí còn căng thẳng liên quan đến việc Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400, đang bàn bạc khả năng mua tiêm kích Su-35 và Su-57 của Nga.

Ngọc Minh tổng hợp