Câu truyện Đại biểu

Từ chuyện bi hài đến những dấu mốc khó quên

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:10 - Chia sẻ
Tôi thật may mắn vì trong chặng đường 34 năm công tác, chiếm đến trên 1/3 thời gian được làm việc tại cơ quan chuyên trách HĐND cấp huyện, cấp tỉnh và giữ các chức vụ quan trọng do HĐND bầu. Đã có nhiều kỷ niệm vui, buồn, thậm chí đánh cược cả tính mạng khi đi làm nhiệm vụ đại biểu tại những nơi đường giao thông đi lại khó khăn trong mùa mưa bão. Nhưng gian khổ cũng sớm qua đi, cái được lớn nhất là làm tròn nhiệm vụ, đem lại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cử tri.

Từ một câu chuyện bi hài

Vào đầu mùa hè tháng 5.2017, thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại các thôn bản vùng dân tộc thiểu số chưa có điện lưới quốc gia và lộ trình đầu tư điện lưới cho các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn. Vào thời điểm đầu năm 2017, nhiều thôn trên địa bàn chưa có điện lưới còn kèm theo các điều kiện khó khăn khác như giao thông đi lại, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt tập trung, mương thủy lợi đa phần chưa được đầu tư. Với quan điểm giám sát là mắt thấy, tai nghe; đi tận ngõ, gõ tận nhà, Đoàn giám sát lặn lội chân đất đến với đồng bào để nghe bà con nói về những mong muốn; để chuyển tải thông tin, tiếng nói của đồng bào đến với các cấp, các ngành, chúng tôi mời phóng viên Đài truyền hình Lào Cai tham gia đoàn để ghi hình.


Giờ ra chơi của học sinh Trường PTDTNT và THCS xã Tả Van (Sa Pa), Lào Cai

Tôi không thể quên chuyến công tác đó. Đoàn đến thôn Giàng Chù, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà; các thôn Mo 1, Mo 2 và Mo 3, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên và nhiều thôn khó khăn khác của các huyện vùng cao. Tại thôn Giàng Chù, xã Nậm Khánh, chúng tôi được nghe câu chuyện khá bi hài. Trước đó một số năm, có một doanh nghiệp đã xây dựng dự án thủy điện chắn con suối dưới thôn để làm đập thủy điện, người dân chưa hiểu thủy điện, nghĩ rằng có thủy điện là có điện. Để được người dân đồng thuận cho xây dựng thủy điện, lãnh đạo doanh nghiệp lúc bấy giờ hứa sẽ kéo điện lưới quốc gia cho người dân sau khi nhà máy hoàn thành. Dân nghe vậy phấn khởi lắm, nhiều hộ đã đồng ý giao những mảnh ruộng, nương là cuộc sống mưu sinh để cho doanh nghiệp xây dựng thủy điện, mong ngóng ngày đêm cho nhà máy thủy điện sớm hoàn thành để được sử dụng điện. Tuy nhiên, sau 5 năm nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, 43 hộ dân tại thôn Giàng Trù vẫn chưa có điện. Nhiều hộ đã mua dây điện chờ sẵn để đấu nối điện cho nhanh, vì mơ ước được dùng điện của nhiều thế hệ người dân nơi đây đã trở thành khao khát.

Thời gian trôi đi, việc kéo điện của người dân càng vô vọng, người dân đến hỏi nhà máy thủy điện thì lãnh đạo đã được thay đổi và việc nhà máy thủy điện thực hiện lời hứa với dân trước đó là điều không thể, mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất. Chờ điện do nhà máy cung cấp mãi không được, các hộ gia đình trong thôn đã phải chung nhau kéo đường dây điện từ thôn Mà Phố cách đó hơn 2km với số tiền tự đóng góp lên đến cả trăm triệu đồng về dùng. Tuy nhiên, do đường dây người dân tự kéo không bảo đảm tiêu chuẩn, điện kéo là sử dụng của hộ gia đình, lượng hao tổn do đường dây cao nên điện đến thôn rất yếu và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Một số hộ gia đình không có điều kiện góp tiền tự kéo nhờ điện thôn khác thì vẫn tận dụng các máy phát điện nhờ sức nước, nhưng cũng đành bất lực vì nguồn nước ngày càng cạn dần do quá trình thi công đường hầm của nhà máy thủy điện đã bị ảnh hưởng.

Những dấu mốc khó quên

Sau chuyến công tác, cùng với những nhận định thực tế, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã mô tả bức tranh đời sống của người dân tại các thôn bản chưa có điện gửi các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành, cùng với những kiến nghị cụ thể, kiến nghị cho giai đoạn và cả những kiến nghị cần làm ngay; kết hợp với thông tin tuyên truyền, phản ánh của phóng viên tham gia đoàn công tác, qua phỏng vấn người dân bằng hình ảnh và phát trên sóng truyền hình, cùng bài viết phản ánh trên báo điện tử tỉnh. Thông tin sớm lan truyền và được một số báo điện tử ngành của Trung ương đăng tải. Vì vậy, các cấp chính quyền đã vào cuộc để chỉ đạo bổ sung kinh phí kéo điện lưới quốc gia cho thôn Giàng Chù. Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Hà được giao là đơn vị thi công. Để sớm hoàn thiện việc kéo điện đến thôn Giàng Trù, các hộ dân trong thôn, xã đã đóng góp toàn bộ công đào hố chôn, đổ bê tông chân cột và kéo đường dây điện về thôn bản.

Chỉ sau thời điểm giám sát chưa đầy 4 tháng, cuối tháng 9.2017, các hộ dân thôn Giàng Chù, xã Nậm Khánh đã được sử dụng điện lưới quốc gia, mơ ước của bà con đã trở thành hiện thực sau một thời gian rất ngắn, nhờ có tiếng nói của đại biểu HĐND. Sau cuộc giám sát đó, cùng với bà con nhân dân thôn Giàng Chù, nhiều thôn chưa có điện khác trên địa bàn tỉnh cũng đã được hưởng lợi. Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành rà soát các thôn đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia để đề nghị tỉnh tìm mọi nguồn vốn ưu tiên đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia, đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa cho các thôn chưa được đầu tư xây dựng. Trước mắt, xem xét đầu tư công trình cấp nước cho các thôn chưa được đầu tư công trình cấp nước, trong đó có thôn Mo 1, Mo 2 và Mo 3 của xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên là các thôn đặc biệt khó khăn.

Vào thời điểm năm 2017, Lào Cai còn 287 thôn bản với 11.874 hộ dân tại 76 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó, còn 139 thôn bản “trắng” với 7.212 hộ chưa được sử dụng điện. Đến nay, tỉnh đã tìm mọi nguồn lực để kéo điện cho các thôn bản chưa có điện. Tính đến hết tháng 9.2019, Lào Cai chỉ còn 85 thôn thuộc 7 huyện chưa có điện lưới quốc gia. Các thôn Mo 1, Mo 2 và Mo 3 của xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên sau đó đã được đích danh Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, cho ý kiến chỉ đạo đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, kéo điện lưới quốc gia. Người dân đã có nước sạch để dùng trước Tết nguyên đán năm 2019, đường điện được đầu tư và khánh thành vào dịp ngày 2.9.2019. Đó là những dấu mốc khó quên.

Qua cuộc giám sát này, tôi thấy nếu đại biểu nắm chắc cuộc sống của người dân, cùng có tiếng nói với người dân, kiến nghị đúng vấn đề thì mọi việc sẽ được giải quyết và hoạt động của đại biểu góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân. Những việc tôi cùng đồng nghiệp đã làm, có thể chỉ là hạt cát giữa đại dương, nhưng tôi thực sự tự hào.

Hà Thị Thiệp
-Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai